Mạng xã hội hiện nay phổ biến đến mức, một đứa trẻ tiểu học cũng có tài khoản trang cá nhân của riêng mình. Chúng ta để con thoải mái sử dụng mạng xã hội, mà quên đi rằng, việc dạy con ứng xử văn minh trên những nền tảng này cũng là một điều vô cùng quan trọng.
Văn hóa trên mạng xã hội là gì?
Hiểu một cách đơn giản, văn hóa ứng xử trên không gian mạng chính là hệ thống giá trị chi phối nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử khi tham gia mạng xã hội. Mỗi cá nhân, cộng đồng khi sử dụng mạng xã hội đều phải được trang bị kiến thức, kỹ năng để có cách ứng xử văn minh đối với mọi người xung quanh trên không gian mạng.
Một điều đáng buồn hiện nay chính là Việt Nam luôn lọt top các quốc gia cư xử kém văn minh trên mạng. Và chúng ta rất dễ để tìm thấy những điều tiêu cực, những lời chê bai phê bình hay bóc phốt lẫn nhau trên mạng. Thậm chí, có những trường hợp bị bạo lực mạng dẫn đến trầm cảm, bị công kích đến mức phải tự tử.
Cũng không ít các trường hợp sử dụng mạng xã hội để hạ nhục, bêu xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cung cấp những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác.
5 Nguyên tắc để dạy con ứng xử văn minh trên mạng xã hội
Với tốc độ phát triển của công nghệ, chúng ta không thể nào cấm những đứa trẻ tiếp cận với mạng xã hội. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể quản lý trẻ sử dụng mạng xã hội, hướng dẫn con cần làm gì để trở thành một người dùng mạng xã hội văn minh nhất. Điều này sẽ giúp con có một không gian mạng xã hội lành mạnh và tích cực hơn.
Tìm hiểu nhiều nguồn thông tin trước khi đưa ra kết luận
Khi con nghe được, đọc được một câu chuyện nào đó, điều đầu tiên con cần làm không phải là vội vàng “kết án” xem ai là người xấu, ai đúng ai sai. Hãy hướng dẫn với con việc tiếp cận thông tin từ nhiều phía để có cái nhìn đa chiều hơn. Cùng một câu chuyện nhưng có thể có nhiều góc nhìn và chưa chắc tất cả những gì con nghe đã là sự thật.
Vì thế, một người ứng xử văn minh nếu quan tâm đến vấn đề nào đó sẽ tìm hiểu nhiều nguồn thông tin, tự đưa ra phân tích của mình chứ không vội vàng kết luận bất cứ một vấn đề gì.
Nói không với bạo lực mạng
Để dạy con làm một người biết ứng xử văn minh trên mạng xã hội, bạn cần cho con biết thế nào là bạo lực mạng và đâu là những hành vi được xem như bạo lực mạng. Qua đó, để trẻ hiểu rằng việc bắt nạt qua mạng, dù cho là bắt nạt một cá nhân hay một tập thể thì đều không nên làm.
Bạo lực mạng có thể xảy ra dưới nhiều hình thức, có thể đăng tải những nội dung, hình ảnh gây xấu hổ cho người khác. Hay đó cũng có thể là đưa ra những bình luận tiêu cực, công kích một cá nhân hay một tập thể nào đó. Việc thực hiện những hành vi đe dọa, gây rối (liên tục gửi tin nhắn, gọi điện thoại,…) hay theo dõi người khác trên các trang mạng xã hội cũng là một hành vi không được phép nếu muốn trở thành người biết ứng xử văn minh trên mạng.
Và ngoài ra, cũng nên hướng dẫn con ứng xử văn minh bằng cách không xâm phạm riêng tư, lợi dụng thông tin cá nhân của người khác để làm những hành vi gây bất lợi cho họ.
Không chia sẻ những thông tin sai sự thật
Khi hướng dẫn con ứng xử văn minh trên mạng xã hội, bố mẹ cũng nên nhấn mạnh với trẻ về tính chính xác của thông tin. Có nghĩa là trẻ không nên chia sẻ những thông tin sai sự thật vì điều này có thể gây hoang mang cho dư luận, bạn bè, người thân, những người xung quanh con.
Nghiêm trọng hơn, việc chia sẻ thông tin sai sự thật có thể khiến những người tiếp cận thông tin đưa ra quyết định sai lầm, làm ảnh hưởng đến kinh tế, an toàn và gây ra nhiều rắc rối khác. Nếu con chưa hiểu rõ về sự nguy hiểm khi không ứng xử văn minh trên mạng xã hội bằng cách đưa thông tin sai sự thật, bạn nên đưa cho con những ví dụ cụ thể. Chẳng hạn như nếu con đưa thông tin ngày mai các chợ đều đóng cửa, nhiều người sẽ bỏ công việc để tập trung tại chợ mua đồ tích trữ. Như vậy vừa làm chậm tiến độ công việc của họ, vừa khiến họ tốn thời gian chen lấn mua sắm.
Không sử dụng từ ngữ tục tĩu, dung tục
Một trong những vấn đề mà bố mẹ nên quán triệt với con khi dạy con ứng xử văn minh trên mạng xã hội chính là không được sử dụng từ ngữ tục tĩu, dung tục, những từ không hợp với thuần phong mỹ tục.
Ngoài ra, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không sử dụng teencode hay biến hóa từ ngữ theo một hướng khác cũng chính là cách để con trở thành người ứng xử văn minh trên mạng xã hội.
Không chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác
Không khó để thấy việc “xin link” diễn ra nhan nhản khi có một người vô tình bị lộ các clip quan hệ tình dục, clip 18+. Và vẫn có rất nhiều người thoải mái chia sẻ hình ảnh, video, thông tin cá nhân của người khác một cách vô tội vạ mà không biết được đây là một hành động vừa kém văn minh vừa không được pháp luật cho phép.
Bố mẹ nên dạy con ứng xử văn minh trên không gian mạng bằng cách nói không với việc chia sẻ những thông tin nhạy cảm này. Thông qua câu chuyện đó, cũng có thể hướng dẫn con những cách để bảo vệ các thông tin của mình, chẳng hạn như không cung cấp thông tin cho người lạ, không cho người khác mật khẩu các tài khoản của mình, không gửi hình ảnh cá nhân đi lung tung,…
Làm sao để sử dụng mạng xã hội một cách thông minh?
Để con có thể dùng mạng xã hội một cách tốt nhất, ngoài việc hướng dẫn con ứng xử văn minh, có thể hướng dẫn cho con một số vấn đề như:
- Chọn lọc bạn bè để kết bạn, không kết bạn nếu chưa biết rõ về đối phương.
- Không chia sẻ thông tin cá nhân của mình cho nhiều người, đặc biệt là người không quen biết.
- Kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội, tránh bị nghiện mạng xã hội và để mạng xã hội điều khiển mình.
- Học cách sống “thật”, không chia sẻ thông tin “ảo”.
- Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt khi giao tiếp trên mạng xã hội.
- Thông báo ngay với thầy cô, bố mẹ, người lớn nếu bị bắt nạt hoặc uy hiếp trên mạng xã hội.
- Cố gắng trở thành một người ứng xử văn minh trên không gian mạng.
- Hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử khi tham gia mạng xã hội theo quy định của Luật An ninh mạng.
- Rèn luyện tư duy logic, biết suy nghĩ và phân biệt tin thật – giả, biết cách phản biện khi đối mặt với những thông tin chưa chính xác.
Ứng xử văn minh trên mạng xã hội không khó, nhưng không phải ai cũng làm được. Vì thế, thay vì cấm cản con không dùng mạng xã hội thì hãy hướng dẫn con làm sao để dùng mạng một cách tốt nhất nhé!