Mẹ và Con – Tưởng stress chỉ là vấn đề của người lớn, chứ trẻ con thì biết gì mà stress nên nhiều bậc phụ huynh lơ là luôn các dấu hiệu bất thường ở con. Vậy đâu là dấu hiệu trẻ bị stress?

Cũng chính vì thế mà khi được đưa vào các trung tâm chuyên về sức khỏe tâm thần, cha mẹ ngỡ ngàng không tin được vào tai mình khi nghe bác sĩ báo rằng: Trẻ đang bị trầm cảm, stress nặng, stress kéo dài…

Dấu hiệu trẻ bị stress: Căng như quả bóng!

Một thực tế đáng lo ngại là trẻ em ở các thành phố lớn đang ngày càng stress nhiều hơn. Những áp lực học hành, thi cử, những xích mích cự cãi giữa bố mẹ với nhau, rồi thì tiếng ồn, khói bụi, những chương trình phim ảnh bạo lực chiếu tràn lan trên các kênh truyền hình, trò chơi điện tử… tất cả đều đang góp phần làm cho cuộc sống của trẻ căng như quả bóng!

Không như người lớn được đọc khá nhiều tài liệu hướng dẫn, biết khá nhiều cách thức để tự giải tỏa stress, giảm stress, trẻ hoàn toàn thụ động trước những biến cố cuộc sống, những áp lực căng thẳng ấy. Trẻ im lặng chịu đựng. Có em nói với cha mẹ, nhưng lại bị cha mẹ thờ ơ, cho rằng những chuyện đó thật trẻ con và vớ vẩn. Cha mẹ không biết rằng chỉ cần bạn thân của bé giận bé, hay một hiểu lầm trên lớp cũng đủ sức khiến con tổn thương nếu như cha mẹ không hướng dẫn trẻ cách vượt qua.

Bạn đặt câu hỏi: Làm thế nào để biết con đang stress? Dấu hiệu trẻ bị stress? Vâng, không giống như người lớn có thể chỉ mặt đặt tên, gọi rõ tình hình của mình là: “Tôi đang stress đây!”, trẻ chỉ có những thay đổi hành vi, thói quen nho nhỏ, kiểu như đột nhiên bạn thấy con mình có thói quen mút tay, cắn bút chì, vân vê tóc, ngoáy mũi… Trẻ cũng có thể gặp một số triệu chứng như nhức đầu, kém ăn, ngủ không ngon, hay gặp ác mộng.

Con bạn không cười nữa. Bé ít nói, lầm lì, trở nên cáu bẳn, hay vô cớ đánh bạn hoặc đánh em. Bé cũng không tập trung được, kết quả học tập giảm sút. Khi bạn yêu cầu con làm gì, bé hay cãi lời, nói dối hoặc tỏ ra bướng bỉnh, bất cần. Đừng thờ ơ với những dấu hiệu này! Tất cả đều có thể ẩn chứa bên trong một thông điệp: Bố mẹ ơi, con bị stress!

Dấu hiệu trẻ bị stress

Bảo vệ con khi thấy dấu hiệu trẻ bị stress

Năm qua, bệnh viện Nhi Đồng 1 từng tiếp nhận trường hợp một bé gái mới 7 tuổi được đưa vào điều trị trong tình trạng nôn ói, nói nhảm, hoảng loạn và được chẩn đoán là rối loạn tâm thần. Trước đó, bé bị sốt một ngày nên nghỉ học nhưng khi đi học trở lại, bé mệt nên khóc.

Cô giáo chủ nhiệm cho rằng bé nhõng nhẽo nên giao cho thầy hiệu trưởng xử lý. Thầy nhốt bé vào phòng như một cách “răn đe”. Từ đó bé khóc nhiều, lên cơn sốt, nói nhảm, la hét, mất ý thức. Sau khi đã được điều trị tâm lý 5 lần, bé hết nói nhảm, giao tiếp tốt nhưng vẫn còn rất sợ đi học.

Bạn thấy đấy, thực tế tinh thần của trẻ con rất non nớt, mong manh. Chỉ cần một nỗi lo sợ mơ hồ nào đó, chỉ cần một con vật cưng bị ốm hay người thân trong gia đình mất, trẻ cũng có thể stress nặng. Cách cơ bản để bạn nhận ra trẻ stress và giúp đỡ con kịp thời là hãy lắng nghe con, gợi mở cho con chia sẻ mọi buồn vui của chúng.

Hãy tập cách tạo cho cả gia đình khoảng thời gian “tâm sự”, để chia sẻ với trẻ mọi chuyện trong ngày. Khi con có dấu hiệu băn khoăn về điều gì, nên gợi mở cho trẻ nói và để con thấy rằng bạn luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho trẻ, rằng cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra thì bạn cũng sẽ giúp con giải quyết được mọi vấn đề.

Hãy chú ý nếu con đến tuổi mẫu giáo hoặc cấp 1 mà vẫn đái dầm. Ngoài các nguyên nhân bất thường về thể chất, đái dầm thường là cách phản ứng tự nhiên của trẻ như một dấu hiệu trẻ bị stress mà không gọi tên được.

Dấu hiệu trẻ bị stress

Tránh để như thời gian qua, khá nhiều trẻ chỉ được đưa đến bác sĩ tâm lý, chuyên viên tâm lý sau khi đã stress nặng, đã chịu nhiều rầy la, mắng mỏ, thậm chí nhiều trận đòn của cha mẹ (vì tưởng con nhõng nhẽo hay bướng bỉnh thái quá). Lúc này, việc khắc phục hậu quả, đưa trẻ trở về với trạng thái vui tươi, hiếu động như trước kia sẽ rất khó khăn, thậm chí có khi không làm được nữa.

Hãy luôn nhắc mình: Trẻ con là tờ giấy trắng và chắc chắn không phải vô cớ khi một ngày kia con bạn bỗng nhiên khó chịu, biếng ăn, bực bội, cáu kỉnh, hay gào thét, cãi lời… Với mọi thay đổi của con, bạn cần cố gắng bình tĩnh, lắng nghe con, khơi gợi cho con nói. Nếu thấy bất lực, hãy tìm đến bác sĩ tâm lý chứ đừng phản ứng lại bằng đòn roi, sự quát mắng hay chì chiết, nhục mạ trẻ.

Ngoài ra, ở độ tuổi mẫu giáo và cấp 1, trẻ chơi cũng chính là một hình thức học! Trẻ sẽ học được rất nhiều kỹ năng sống thông qua việc chơi đùa tự do. Vì thế, bạn đừng mang kỳ vọng của mình mà nhồi nhét, bắt con học quá nhiều. Tuổi thơ của trẻ chỉ có duy nhất một lần trong đời. Và hãy cho con được tận hưởng tuổi thơ đó bằng một thời khóa biểu hài hòa, cân đối, giúp con có nhiều thời gian để thư giãn, vui đùa trọn vẹn…

Những điều ba mẹ cần biết về stress

Những căng thẳng kéo dài có khả năng làm tăng nguy cơ trầm cảm và bệnh tim ở trẻ. Nghiên cứu của Đại học Pittsburgh (Mỹ) và Đại học Helsinki (Hà Lan) cho thấy, trẻ bị căng thẳng có nguy cơ mắc các chứng bệnh tim mạch cao gấp ba lần trẻ bình thường. Khi căng thẳng, một số khu vực não bộ bị kích động quá mức sẽ tiết ra những kích thích tố làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Từ đó trẻ dễ bị đau bụng, nhức đầu, mệt mỏi, trầm cảm hoặc mệt mỏi kinh niên.

Từ dấu hiệu trẻ bị stress nêu trên, ba mẹ nên chú ý đến con nhiều hơn để tránh những hệ lụy không đáng có. Chúc bé của bạn luôn vui khỏe, gia đình hạnh phúc! 

Bài viết liên quan