Mẹ và Con - Cũng như đau bụng dưới bên trái, đau bụng dưới bên phải cũng là dấu hiệu cho thấy các thay đổi nguy hiểm về sức khỏe mà bạn cần phải thận trọng. Tốt nhất hãy đến bệnh viện kiểm tra bạn nhé!

Trong giải phẫu học, khu vực bụng dưới bên phải còn được gọi là vùng hố chậu phải với các cơ quan gồm ruột thừa, ruột non, manh tràng và buồng trứng phải. Như vậy, khi bạn bị đau bụng dưới bên phải có thể liên quan đến các vấn đề ở những cơ quan này. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con khoanh vùng một số nguyên nhân đau ngay từ đầu để giúp có biện pháp can thiệp hiệu quả phù hợp.  

dau bung duoi ben phai

Nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải (cho cả nam và nữ)

Viêm ruột thừa

Ruột thừa là một phần trong ống tiêu hóa nằm ở đáy manh tràng, gần chỗ tiếp nối giữa ruột non và đại tràng bên phải. Viêm ruột thừa là một nguyên nhân phổ biến, thường gặp gây đau bụng dưới bên phải. Một số triệu chứng đi kèm khác để có thể chắc chắn là viêm ruột thừa bao gồm: cảm giác đau tăng và liên tục trong vài giờ, đau hơn khi xoay người, thở mạnh, ho, hắt hơi, đi lại hoặc khi bị đụng vào; táo bón, đôi khi bị tiêu chảy; tiểu đau hoặc tiểu dắt; chán ăn, lưỡi dơ, hơi thở có mùi hôi…

Tình trạng này đòi hỏi cần sự can thiệp của chăm sóc y tế ngay lập tức nên bạn cần đi khám bác sĩ để được phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, ngăn ngừa cơ quan này vỡ ra và gây ra các biến chứng khác. Thêm nữa, khi có biểu hiện táo bón do viêm ruột thừa cũng không nên tự ý dùng thuốc nhuận tràng hay thuốc trị táo bón vì chỉ khiến ruột thừa bị vỡ ra, gây nguy hiểm cho người bệnh. Tốt nhất là bạn hãy chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Đầy hơi chướng bụng

Thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn đã tới phần ruột già có thể gây đau bụng dưới bên phải. Thực phẩm càng khó tiêu thì cơ thể càng dễ tạo ra nhiều khi hơn. Và khi lượng khí tích tụ càng lớn sẽ gây cảm giác chướng bụng, đầy hơi và đau bụng. Trường hợp đau tức bụng dưới do đầy hơi có thể là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa. 

Thoát vị

Thoát vị là những túi phình của nội tạng hoặc mô bị trồi ra và dịch chuyển ra khỏi vị trí ban đầu. Các túi phình này bị đẩy xuyên qua những chỗ hở và chỗ yếu của cơ. Thoát vị thường xảy ra ở xung quanh vùng bụng gây đau bụng dưới bên phải, xung quanh túi phình và có thể đau hơn khi ho hoặc nâng vật nặng.

 Nhiễm trùng thận

Nhiễm trùng thận là tình trạng xảy ra do vi khuẩn thường đến từ bàng quang, niệu quản hoặc niệu đạo, có thể gây ảnh hưởng đến một hoặc hai quả thận. Đau bụng dưới bên phải là triệu chứng thường gặp của tình trạng nhiễm trùng thận đi kèm cảm giác đau ở lưng, hai bên hông hoặc háng. Tình trạng này nếu không được điều trị có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn, do đó bạn nên đi khám bác sĩ ngay khi có những cơn đau ở vùng này. 

nhiễm trùng thận

Sỏi thận

Sỏi thận là sự tích tụ thành một khối cứng của các khoáng chất và muối hình thành bên trong thận. Bạn có thể không cảm thấy bất kỳ cơn đau nào trước đó cho đến khi sỏi thận bắt đầu di chuyển xung quanh hoặc đi vào ống nối thận và bàng quang. 

Những dấu hiệu cho biết bạn bị sỏi thận bao gồm cảm giác đau lưng dữ dội, đau ở bên hông, bên dưới xương sườn, khắp bụng dưới, vùng háng. Cường độ và vị trí cơn đau có thể thay đổi khi sỏi thận di chuyển qua đường tiết niệu. 

Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn mãn tính phổ biến ảnh hưởng tới ruột già. Bệnh lý có thể gây đau ở vùng bụng dưới bên phải cùng với những triệu chứng đi kèm khác như táo bón, tiêu chảy, co thắt dạ dày, đầy hơi, chướng bụng…

Bệnh viêm ruột

Bệnh viêm ruột là một nhóm các rối loạn tiêu hóa gây ra những thay đổi trong mô ruột và làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nguyên nhân thường thấy gây ra bệnh lý này là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Cả hai tình trạng mãn tính đều gây viêm trong đường tiêu hóa, có thể dẫn đến triệu chứng đau bụng dưới bên phải. Bệnh viêm ruột có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Vì thế, nếu có dấu hiệu bất thường bạn nên đi thăm khám để được chữa trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng khó chữa sau này. 

Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu

Giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở chân và đôi khi có thể tắc gây giãn tĩnh mạch ở vùng chậu. Máu tụ lại ở các tĩnh mạch vùng chậu làm cho chúng trở nên sưng lên và đau gây hội chứng xung huyết vùng chậu. Cơn đau có tăng lên khi ngồi xuống hoặc đứng lên.

Ngoài ra, khi giải phẫu nam giới và nữ giới có thể thấy được cấu tạo có phần khác nhau giữa hai giới tính sinh học này. Do đó, khi đau bụng dưới bên phải, ngoài những nguyên nhân chung thì cũng có những nguyên do riêng biệt giữa hai giới tính này. Dưới đây là nguyên nhân nam giới đau bụng dưới bên phải. 

Nguyên nhân nam giới đau bụng dưới bên phải

nguyên nhân dau bung duoi ben phai

Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn là tình trạng một phần cơ quan trong ổ bụng như ruột, mạc nối chui vào lỗ bẹn tạo thành túi thoát bị. Do cấu tạo vùng bẹn ở nam giới có dây thừng tinh chạy qua nên thành bụng yếu khiến cho tình trạng này xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Bên cạnh đau bụng dưới bên phải, bạn có thể còn gặp tình trạng đau và khó chịu bụng dưới hơn khi ho, nâng vật nặng, tập thể dục…

Xoắn tinh hoàn 

Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn tự xoay quanh trục và xoắn dây tinh trùng, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, dẫn đến đau đột ngột, dữ dội, sưng ở bìu và đau bụng dưới. Nếu để tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh. Xoắn tinh hoàn thường phải phẫu thuật khẩn cấp.

Nguyên nhân nữ giới đau bụng dưới bên phải

Viêm bàng quang kẽ (IC)

Viêm bàng quang kẽ là tình trạng viêm bàng quang mãn tính. Những người bị IC nặng sẽ bị đi tiểu nhiều lần mỗi giờ, áp lực trên vùng mu, đi tiểu đau và đau trong khi quan hệ tình dục. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ từ 30 – 40 tuổi.

Đau bụng kinh

Đau bụng kinh là một triệu chứng phổ biến có thể xảy ra trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt. Thực tế, triệu chứng này có thể xuất hiện ở toàn bộ khu vực bụng dưới, nơi tử cung co thắt để làm bong lớp niêm mạc tử cung khi hiện tượng thụ thai không xảy ra.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung cũng là nguy cơ tiềm ẩn khi xuất hiện cơn đau nhói bụng dưới bên phải. Tình trạng này có thể gây đau đớn mãn tính cho nhiều phụ nữ và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Tốt nhất khi cảm thấy cơn đau bụng dưới bên phải khác với đau bụng kinh hàng tháng thì nữ giới nên đi khám bệnh để tìm rõ nguyên nhân và các phác đồ điều trị ít để lại biến chứng đáng tiếc. 

U nang buồng trứng

Hầu hết u nang buồng trứng không gây đau đớn hoặc có chịu và có thể tự biến mất. Tuy nhiên, một số khác u nang lại phát triển nhanh, đặc biệt nếu u bị vỡ có thể dẫn đến cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói bụng dưới, đầy hơi, chướng bụng. 

u nang buồng trứng

Mang thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung có thể xảy ra khi trứng được thụ tinh nằm bên ngoài tử cung. Tình trạng này có thể gây đau bụng dưới bên phải và các triệu chứng khác.

Xoắn buồng trứng

Xoắn buồng trứng là tình trạng xảy ra khi buồng trứng hay ống dẫn trứng bị xoắn, cắt đứt nguồn cung cấp máu của cơ quan. Tình trạng có thể gây ra cơn đau bụng dưới bên phải nghiêm trọng. Thông thường cách xử lý là phẫu thuật để cắt bỏ buồng trứng.

Đau bụng dưới bên phải hầu như đều liên quan đến những bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều tới các bộ phận trong cơ thể. Do đó, bạn đừng chủ quan khi thấy dấu hiệu đau ở vùng hố chậu phải này nhé! 

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.