Việc có mục tiêu chung trong hôn nhân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với các cặp đôi bởi đây chính là cách bạn và người bạn đời của mình có một góc nhìn thống nhất về hôn nhân cũng như xác định cách định hướng tương lai của cả hai người. Nhưng việc xây dựng mục tiêu chung chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Các cặp đôi thường phải trải qua rất nhiều khó khăn trước khi thống nhất nguyện vọng của mình và hướng tới các mục tiêu chung…
Mục tiêu và tầm nhìn chung mang lại lợi ích như thế nào cho mối quan hệ của bạn?
Có được tầm nhìn chung, mục tiêu chung trong hôn nhân sẽ giúp bạn và người ấy biết mình cần làm gì để duy trì cuộc sống hôn nhân cả hai và giúp cho mỗi người trở nên tố hơn, hạnh phúc hơn.
Đặt mục tiêu chung à một cách để trò chuyện về những gì bạn mong muốn từ mối quan hệ trong cuộc sống hôn nhân của hai người và cũng là cách để biết đối phương bạn đang cần gì, kỳ vọng những gì. Như vậy, hai bạn sẽ có thể thấu hiểu đối phương được tốt hơn.
Việc thảo luận về những tầm nhìn, mục tiêu chung này cũng là cách để bạn và người ấy rèn luyện sự tôn trọng với đối phương và với cuộc hôn nhân của mình, làm sao để cả hai cùng thấy được tôn trọng và thấu hiểu.
Mục tiêu và tầm nhìn chung trong hôn nhân cũng góp phần giải quyết xung đột tốt hơn. Khi nảy sinh bất đồng, việc ghi nhớ những mục tiêu chung này có thể giúp hai bạn tiếp cận vấn đề một cách mang tính xây dựng hơn. Quan điểm chung khuyến khích việc tìm kiếm giải pháp có lợi cho mối quan hệ hơn là tập trung vào thắng thua của từng cá nhân.
Các mục tiêu chung trong hôn nhân cũng chính là động lực để hai bạn cố gắng hơn. Việc biết rằng bạn và một nửa của mình đang hướng tới những mục tiêu chung có thể truyền cảm hứng cho cả hai bạn luôn cam kết và làm việc chăm chỉ hơn. Hai bạn cũng sẽ trở nên đoàn kết hơn, nỗ lực cố gắng giúp đỡ lẫn nhau hơn và điều này chính là chất keo giúp cho tình yêu và hôn nhân của cả hai thêm bền chặt.
Những bất đồng có thể gặp khi đặt mục tiêu chung trong hôn nhân
Ưu tiên khác nhau
Một trong những thách thức quan trọng nhất mà các cặp đôi phải đối mặt trong việc tạo ra các mục tiêu và tầm nhìn chung trong hôn nhân là có những ưu tiên khác nhau.
Ví dụ như một người có thể ưu tiên thăng tiến trong sự nghiệp trong khi người kia có thể tập trung vào việc lập gia đình hoặc theo đuổi sở thích cá nhân. Những ưu tiên khác nhau này có thể dẫn đến hiểu lầm và xung đột nếu không được giải quyết đúng cách.
Vấn đề giao tiếp
Giao tiếp hiệu quả là nền tảng của bất kỳ mối quan hệ bền chặt nào, đặc biệt là khi liên quan đến việc điều chỉnh các mục tiêu chung trong hôn nhân. Những hiểu lầm, giả định và thiếu rõ ràng đều có thể xuất phát từ việc giao tiếp kém.
Bạn hay một nửa của mình có thể gặp khó khăn trong việc bày tỏ mong muốn và mối quan tâm của mình với đối phương. Điều này dẫn đến sự thất vọng và mất kết nối trong các mục tiêu chung.
Thay đổi theo thời gian
Mọi người đều có thể thay đổi theo thời gian. Và mục tiêu, nguyện vọng của chúng ta cũng vậy. Mục tiêu nghề nghiệp, sở thích cá nhân hoặc giá trị của bạn hay người ấy của mình có thể phát triển, dẫn đến sự thay đổi trong những gì chúng ta mong muốn trong cuộc sống và mối quan hệ của cả hai.
Sự tiến triển tự nhiên này có thể tạo ra những thách thức nếu bạn và người ấy không thường xuyên thảo luận và điều chỉnh tầm nhìn, mục tiêu chung trong hôn nhân cho phù hợp.
Sợ thỏa hiệp
Các chuyên gia đã quan sát thấy rằng sự thỏa hiệp trong các mối quan hệ có thể tích cực hoặc tiêu cực, tùy thuộc vào bản chất của chúng. Sự thoả hiệp có thể hỗ trợ cuộc sống gắn kết trong một số trường hợp nhất định, nhưng chính sự thỏa hiệp cũng có thể dẫn đến việc từ bỏ các giá trị của một người trong một số trường hợp nhất định.
Thỏa hiệp là điều cần thiết trong bất kỳ mối quan hệ hợp tác nào, nhưng nỗi sợ đánh mất ước mơ, sở thích cá nhân, những giá trị của bản thân,… có thể khiến mọi người sợ phải thỏa hiệp. Và chính nỗi sợ này sẽ làm cho việc cam kết về những mục tiêu chung trong hôn nhân trở nên khó khăn hơn.
Hạn chế về tài chính
Tiền đóng một vai trò quan trọng trong những gì các cặp đôi có thể đạt được trên thực tế. Những hạn chế về tài chính có thể hạn chế các lựa chọn và gây căng thẳng cho quá trình điều chỉnh các mục tiêu và tầm nhìn chung đối với cuộc sống hôn nhân.
Ví dụ, một người có thể muốn theo đuổi việc học cao hơn hoặc thay đổi nghề nghiệp, nhưng những hạn chế về tài chính có thể gây khó khăn cho việc này, dẫn đến căng thẳng và bất bình nếu không được trao đổi, tính toán cẩn thận.
Thiếu kế hoạch
Nếu không có kế hoạch rõ ràng, việc điều chỉnh các mục tiêu chung trong hôn nhân có thể là một thách thức. Các cặp đôi có thể có ý tưởng mơ hồ về những gì họ muốn nhưng nếu không có các bước cụ thể và mốc thời gian cụ thể, những mục tiêu này có thể khó đạt được. Việc thiếu kế hoạch có thể dẫn đến nhầm lẫn và thiếu định hướng, khiến cả hai bạn khó điều chỉnh mục tiêu của mình một cách hiệu quả.
Áp lực bên ngoài
Kỳ vọng của gia đình, chuẩn mực xã hội và ảnh hưởng của bạn bè đều có thể ảnh hưởng đến mục tiêu chung trong hôn nhân của một cặp đôi. Áp lực từ bên ngoài có thể khiến một hoặc cả hai bạn cảm thấy buộc phải theo đuổi những con đường nhất định, bất kể những con đường này có phù hợp với tầm nhìn chung của mình hay không.
Đặt ra mục tiêu chung trong hôn nhân có thể nâng cao đáng kể sự hài lòng chung về mối quan hệ. Nhưng việc cùng nhau đưa ra những mục tiêu chung không hề là việc dễ dàng. Sẽ có những thách thức mà bạn và người ấy cần đối diện nhưng mọi thứ đều có cách giải quyết nên cũng đừng quá lo lắng bạn nhé!