Mẹ&Con – Hạnh phúc khôn nguôi khi lần đầu tiên được nhìn thấy trên que thử vạch thứ hai. Hạnh phúc khôn nguôi khi bác sĩ báo tin, vậy là sau bao nhiêu mong đợi, bạn cũng mang thai đứa con đầu lòng. Cần chuẩn bị gì cho 9 tháng dài đăng đẵng phía trước?

Chuẩn bị tâm lý

Tùy mỗi người mà diễn biến tình cảm với đứa con so sẽ khác nhau. Tuy nhiên, theo đa số nghiên cứu của các bác sĩ và chuyên viên tâm lý, diễn biến tình cảm của bạn sẽ theo “trình tự” sau:

1. Vài tuần đầu khi biết tin mình mang thai: Bạn hồi hộp, hạnh phúc nhưng cũng xen lẫn rất nhiều lo âu. Đôi khi bạn thấy hoảng sợ, dễ cáu gắt, không biết mình phải làm gì trước những cơn nghén bất chợt cũng như biến đổi của cơ thể.

Cách tốt nhất cho bạn: Nói chuyện với chồng, với mẹ ruột, bạn thân. Chia sẻ những khó khăn, lo lắng và tìm hướng thu xếp đâu vào đấy. Nếu có thể, hãy nghỉ một vài ngày ở cơ quan, để có đủ khoảng lặng thích nghi với việc từ nay, mình đã là một “bà bầu”. Sớm đi khám thai theo hướng dẫn của bác sĩ. Bắt đầu chế độ dinh dưỡng mới.

2. Ba tháng đầu: Bạn mệt mỏi thật sự. Sự cáu kỉnh tăng dần theo những cơn ốm nghén. Bạn nhạy cảm, dễ xúc động. Tuy nhiên, xen lẫn trong ấy, niềm vui với bé cũng lớn dần. Bạn mơ hồ cảm nhận được mối liên hệ sâu xa với con. Bạn thấy tự hào hơn khi đón nhận được lời chúc mừng của mọi người.

Cách tốt nhất cho bạn: Tăng cường nghỉ ngơi. Đi khám thai đều đặn. Hướng mình tới những hoạt động giải trí thư giãn nhẹ nhàng như nghe nhạc hòa tấu để ổn định tâm lý. Trò chuyện nhiều hơn với chồng và mẹ ruột, bạn thân. Bạn cũng có thể tham gia một số diễn đàn dành cho bà mẹ mang thai lần đầu. Sẽ có ích cho bạn lắm.

3. Bốn tháng giữa thai kì: Đây là khoảng thời gian đẹp nhất của mỗi bà bầu. Bạn phát sinh những tình cảm đặc biệt với em bé khi cảm nhận được sự cử động của thai nhi. Niềm vui tăng nhiều hơn. Sức khỏe của bạn cũng ổn định hơn, không còn những trận mất ngủ hay ốm nghén vật vã nữa.

Cách tốt nhất cho bạn: Giai đoạn này, vợ chồng có thể thu xếp để có một kì nghỉ ngắn ngày được đấy. Bạn có thể bàn bạc nhiều hơn với chồng về tương lai, kéo anh ấy cùng tham gia những lớp học tiền sản, mua sắm một số thứ chuẩn bị cho bé yêu sắp chào đời. Theo các bác sĩ, đây cũng là giai đoạn an toàn cho những “gần gũi” vợ chồng, tất nhiên là phải thật nhẹ nhàng đấy nhé.

4. Hai tháng cuối thai kì: Bạn nặng nề dần, ngủ khó hơn. Cảm giác lo lắng về kì sinh sắp tới gia tăng. Một chút tự ti về hình dáng bên ngoài nên càng dễ phát sinh tâm lý buồn chán, cô đơn. Đặc biệt, nếu bạn là người phụ nữ của công việc thì thời gian này bạn càng dễ cáu gắt vì nhận ra mình còn quá nhiều việc phải giải quyết trước khi nghỉ sinh 4 tháng.

Cách tốt nhất cho bạn: Sớm thu xếp chu toàn công việc, bàn giao cho người khác và đừng quá lo âu. Hãy động viên mình rằng đây là mục tiêu quan trọng nhất trong giai đoạn này và bạn sắp sửa làm được một điều rất tuyệt vời. Chuẩn bị cho mình một số bộ đầm bầu đẹp hơn, để thoải mái về tâm lý. Nếu những căng thẳng vẫn không khỏi, bạn cần chia sẻ với chuyên viên tâm lý, bạn bè hoặc người thân chứ không nên giữ trong lòng, dễ gây trầm cảm.

Cuoi cung ban cung len chuc me

(Ảnh minh hoạ)

Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học

Bên cạnh chuẩn bị tâm lý, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học trong lần đầu mang thai con so cũng vô cùng quan trọng. Bạn nên chú trọng dinh dưỡng, ăn nhiều hơn bình thường một chút nhưng không cần “nạp” quá mức cần thiết. Kết hợp uống nhiều sữa, ăn nhiều rau củ quả, trái cây.

Cân đối giữa lượng đạm – béo – bột đường cung cấp cho cơ thể. Tăng cường các nguyên tố vi lượng như chất sắt, canxi, magiê, kẽm, vitamin B, acid folic, vitamin C, E, D.

Đặc biệt, bạn cần bổ sung nguyên tố sắt khi mang thai vì thiếu sắt sẽ dẫn đến chứng thiếu máu, tăng nguy cơ đẻ non ở bà mẹ. Chế độ dinh dưỡng tốt nhất là sử dụng các thực phẩm tăng cường sắt, kết hợp với thực phẩm giúp hấp thu chất sắt, đặc biệt là uống bổ sung viên sắt đều đặn suốt thời gian mang thai theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Chú ý tránh xa rượu bia, cà phê, thuốc lá, tất cả các chất kích thích. Bạn cũng nên tìm hiểu để biết rõ một số loại thực phẩm nên tránh khi mang thai. Ví dụ như tránh ăn nhiều cá kiếm, cá hồi, cá ngừ vì chúng chứa nhiều thủy ngân.

Bạn cũng cần lưu ý thêm là bên cạnh đường ăn uống, thì bạn cũng phải tránh xa các chất độc hại có thể “tiếp cận” với mình theo những đường khác. Ví dụ như cần bỏ hẳn việc tiếp xúc với thuốc nhuộm tóc, thuốc sơn móng tay, hóa chất tẩy rửa nhà cửa, v.v..

Kiến thức cho bạn

Suốt chín tháng thai kì, bạn nên vận động từ tốn, tránh nhấc vật nặng và thực hiện những động tác mạnh bạo. Nếu chẳng may bị cảm cúm, bạn không nên tự ý dùng thuốc mà phải đi khám bác sĩ  để xác định nguyên nhân, được kê đơn thuốc hợp lý.

Giai đoạn có thai con đầu lòng, bạn cũng rất dễ bị trĩ hoặc táo bón. Vì vậy, ngay từ đầu, bạn phải tập cho mình thói quen uống đủ nước, ăn nhiều rau quả, trái cây. 

Những điều bạn nên tránh

Lãng quên chồng

Tất cả các bà mẹ trong quá trình mang thai đứa con đầu lòng đều dồn tất tần tật mọi sự quan tâm cho bào thai trong bụng. Nhưng bạn có biết rằng bằng cách ấy, bạn cũng đã dần tự đẩy mình ra… xa người đàn ông của cuộc đời mình không?

Hãy có đủ sự tinh tế để chia sẻ với anh ấy mọi cảm xúc lúc này. Chồng bạn chính là… cha của đứa trẻ trong bụng bạn. Vì thế, anh ấy cũng có quyền được quan tâm, được song hành và chia sẻ với bạn từng cảm xúc.

 Mặc kệ bản thân

Quá nhiều nỗi lo khi mang thai con so nên bạn đâm ra “kệ” luôn bản thân mình. Tóc tai bù xù, áo quần luộm thuộm. Thậm chí, vì quá mệt mỏi, bạn thường xuyên nằm bẹp dí trên giường và quên hết tất cả mọi thú vui giải trí trên đời.

Nên nhớ rằng chính thái độ này sẽ khiến chồng bạn phát ngấy lên với “bà bầu” và bạn cũng cảm thấy u uất, dễ ức chế, dễ stress dẫn đến sự phát triển không tốt cho em bé. Bạn cần lập một thời khóa biểu cho bản thân, để vẫn có đủ thời gian đi dạo, gặp gỡ bạn bè, nghỉ ngơi thư giãn.

“Nhõng nhẽo” quá mức với mọi người

Bạn cho rằng bạn đang trở thành trung tâm của vũ trụ và tha hồ làm ỏng làm eo, vòi vĩnh mọi thứ theo ý riêng của mình. Gần nửa đêm, bạn vẫn có thể nhăn nhó để chồng hoặc mẹ chồng phải đi… pha sữa, làm thức ăn cho bạn ăn chỉ vì bạn “thích thế”. Không hiếm cô dâu tỏ vị thế của mình trong quá trình mang thai bé đầu lòng (nhất là nếu đứa trẻ “đóng vai” cháu đích tôn). Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng tất cả những hành động ấy đều thật… trẻ con và tất cả mọi người cũng mệt không kém gì bạn cả.

Hãy tìm đến sự giúp đỡ, nhưng là sự giúp đỡ thật sự cần thiết. Ví dụ như chia sẻ công việc nhà, chứ không phải là những trò “vòi vĩnh” ấy, bạn nhé!

Lo lắng thái quá và luôn so sánh mình với các bà bầu khác

Thực tế là mỗi bà mẹ mang thai con so có những “phản ứng” của cơ thể khác nhau. Nếu gặp những triệu chứng nghén, hãy bình tâm, không nên so sánh sao mình quá “khác thường” so với người khác. Thay vào đó, bạn cần nghỉ ngơi và trấn an mình rằng: Nếu đi khám thai thường xuyên theo định kì, các bác sĩ sẽ chuẩn bị cho bạn đầy đủ những thứ cần thiết nhất. Việc cần làm bây giờ chỉ là buông lỏng mình, giữ cho trạng thái tâm lý vui tươi đón chờ ngày gặp bé yêu của bạn.

Tags:

Bài viết liên quan