Mẹ&Con - Khi ở tuổi dậy thì, con thường ít vâng lời, ương bướng hơn, không còn muốn tâm sự với bố mẹ... Đây có phải là chuyện bình thường?

Có lẽ bạn sẽ rất khó chịu khi con bỗng nhiên không còn nghe lời mình như xưa và xem đây là một điều hết sức không bình thường. Trước tiên, hãy cứ bình tĩnh bởi bạn không phải là người duy nhất gặp phải tình trạng này. Hàng loạt bố mẹ đã lên tiếng “cáo trạng” khi con bước vào tuổi dậy thì liền trở nên nổi loạn, ương bướng. Vì sao lại xảy ra tình trạng này và phải làm sao để bố mẹ có thể cùng con vượt qua? Cùng xem các chuyên gia của Mẹ và Con nói gì về việc này nhé!

nuôi dạy con ở tuổi dậy thì

Con bỗng dưng… khó hiểu khi dậy thì

Hầu hết trẻ em khi bước sang giai đoạn cấp 2, tức tầm 12 tuổi sẽ bắt đầu giai đoạn dậy thì. Trong giai đoạn này, con sẽ có nhiều thay đổi về mặt tính cách, tâm lý khiến bố mẹ cảm thấy đau đầu. Cụ thể:

Con thích làm gì là làm nấy

Nếu khi trẻ học cấp 1, trẻ thường hỏi ý kiến của bố mẹ thì khi ở tuổi dậy thì, con sẽ làm mọi thứ theo như sở thích và suy nghĩ riêng của mình. Đi mua sắm, con sẽ tự chọn những bộ trang phục cho mình. Kiểu tóc của con ngắn hay dài cũng dựa theo “mốt” và những gì con cảm thấy đẹp, thay vì những gì bố mẹ muốn. Lúc này, những ý kiến của bố mẹ hầu như chỉ mang tính chất tham khảo, bởi có nói thì con cũng… chẳng nghe.

Thích ở bên bạn bè hơn là gia đình

Vào giai đoạn này, có lẽ bạn sẽ cảm thấy phiền lòng khi con thích ở trường hơn là về nhà. Sau giờ học, con tìm mọi lý do để có thể sang nhà bạn chơi. Cuối tuần thay vì đi chơi cùng bố mẹ, con chỉ xin phép được đi chơi cùng bạn. Hầu hết thời gian biểu của con đều dành cho bạn bè, thay vì dành cho bố mẹ và người thân như trước.

bạn bè

Cảm xúc thay đổi thất thường

Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, con thường có những thay đổi trong diễn biến tâm lý. Lúc này, bạn sẽ thấy con có những cảm xúc vui buồn thất thường, “sáng nắng chiều mưa”, không thể lường trước được con sẽ cảm thấy ra sao, có cảm xúc như thế nào.

Không muốn chia sẻ với bố mẹ

Sau bữa cơm tối, con vội vã trở về phòng, không còn muốn ở dưới nhà để trò chuyện cùng bố mẹ. Khi con buồn vì cãi nhau với bạn bè, con cũng trốn ở một nơi để khóc hoặc tìm cách để nhắn tin chia sẻ cùng bạn bè thay vì kể cho bố mẹ nghe về chuyện mà mình đang gặp phải. Bởi lúc này trẻ đã có những cảm xúc, suy nghĩ riêng và cho rằng bố mẹ là người lớn, bố mẹ sẽ không đồng tình với mình và sẽ la mắng mình nếu mình kể cho bố mẹ nghe.

Không thích sự kiểm soát của bố mẹ

Có thể thấy, trong giai đoạn này, con thường muốn tự đi học một mình, cảm thấy bực bội mỗi khi bố mẹ hỏi thăm và cho rằng đó là sự kiểm soát của bố mẹ, bố mẹ không nên làm vậy.

tuổi dậy thì

Tình yêu “gà bông” tuổi dậy thì

Một vài trẻ ở độ tuổi lớp 6, lớp 7 đã bắt đầu biết “rung rinh” với bạn khác giới. Trẻ thường nhầm lẫn đó là tình yêu và thường có xu hướng nghe lời “người yêu” của mình hơn là bố mẹ. Và việc người lớn không hiểu, cấm đoán sẽ khiến con sinh ra tâm lý chống đối nhiều hơn.

Trẻ ước mình được làm người lớn 

Tại sao phải đi học trong khi đi làm như người lớn sướng hơn, tự do hơn là những gì mà trẻ thường suy nghĩ. Giai đoạn này, con thường so sánh cuộc sống của trẻ con và người lớn, tò mò những việc người lớn, thậm chí là chuyện chăn gối. Và con cũng có xu hướng “thử” để mình có thể trở thành người lớn như bố mẹ của mình.

Bố mẹ nên làm gì khi trẻ bước vào tuổi dậy thì?

Có những “thỏa thuận” với con

Ở độ tuổi này, con sẽ muốn làm theo ý mình hơn là vâng lời bố mẹ. Vì thế, tốt nhất bạn nên ngồi lại cùng con để đặt ra những thỏa thuận cho bé. Cần lưu ý rằng thỏa thuận này phải phù hợp với cả những mong muốn của con và của bố mẹ. Ví dụ như nếu con rất thích chơi điện thoại nhưng bạn cần con phải làm bài tập, hãy đưa ra thỏa thuận khi nào con làm xong bài tập, bố mẹ sẽ đồng ý cho con sử dụng điện thoại 1 tiếng trước khi ngủ chẳng hạn.

bố mẹ trao đổi với con cái

Tôn trọng con

Vào độ tuổi này, trẻ rất cần được tôn trọng. Vì thế khi trẻ phạm lỗi, bạn có thể trách phạt, nhưng bằng những hình thức nhẹ nhàng hơn. Muốn dạy con nên người khi con bước vào tuổi dậy thì, sự khéo léo, tinh tế của bố mẹ là vô cùng quan trọng. Hãy cho trẻ thấy được bố mẹ rất tôn trọng con.

Hiểu được con

Trước khi yêu cầu trẻ làm bất cứ điều gì, bạn hãy đặt mình vào vị trí của con, suy nghĩ xem liệu con có thích điều này hay không. Việc hiểu được tâm tư tình cảm và nguyện vọng của con là một điều cần thiết mà bạn không nên xem thường.

Ở bên con nhiều hơn

Tuy công việc của bạn rất bận, nhưng hãy tranh thủ sắp xếp công việc để ở bên con trong giai đoạn nhạy cảm này bạn nhé! Nếu bạn không ưu tiên thời gian cho con, khoảng cách thế hệ giữa bạn và con sẽ ngày càng xa hơn. Con cũng không còn nghe lời bạn như trước.

bố mẹ và con

Hướng dẫn, chỉ dạy thay vì cấm đoán

Với những đứa trẻ ở tuổi dậy thì, tò mò về cuộc sống của người lớn thì càng cấm con sẽ càng muốn làm. Đây cũng chính là lý do vì sao ngày càng có nhiều trẻ dưới 18 thử “chuyện chăn gối” để rồi xảy ra các tình trạng đau lòng như có thai ngoài ý muốn, phá thai, sinh con xong không nuôi…

Đừng lo lắng việc hướng dẫn con sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”, bởi thà hươu chạy đúng đường còn hơn chạy lạc và để lại những hậu quả không lường trước được phải không nào? Hãy chia sẻ với con và cho con biết đây là gì, điều này nên hay không nên làm, lý do vì sao… nhé.

Khi trẻ bước vào cấp 2, thời điểm con bắt đầu độ tuổi dậy thì cũng là lúc nhiều bố mẹ đau đầu, bối rối không biết nên “trị” con như thế nào? Tuy nhiên, đây là thời điểm bạn cần uốn nắn con đúng cách. Đừng vội vàng dùng đòn roi mà hãy hiểu con nhiều hơn, tránh để lại tổn thương về mặt tâm lý cho trẻ.

Bài viết liên quan

con riêng của chồng

9 cách giúp mẹ kế xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với con riêng của chồng

Mẹ và Con - Bạn có bao giờ tự hỏi: “Tại sao con riêng của chồng lại ghét tôi ngay cả khi tôi cố gắng trở thành một người mẹ tốt?” Hãy cùng tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao mối quan hệ với con riêng của chồng lại gặp nhiều trục trặc đến vậy và cần làm gì để xây dựng mối quan hệ tích cực với con riêng của chồng bạn nhé!