Thịt cóc có tác dụng gì?
Theo Đông y, thịt cóc có tác dụng bổ tỳ giúp trẻ ăn ngon miệng và tiêu hóa tốt. Theo y học hiện đại, đây là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, với hàm lượng đạm (protein) gần bằng thịt gà, khoảng 22g/100g thịt cóc.
Ngoài ra, thịt cóc còn chứa kẽm, rất tốt cho sự phát triển và phục hồi dinh dưỡng của trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng kẽm có trong thịt cóc vẫn thua con hàu.
Thực phẩm giàu đạm Lượng đạm trong 100g
Thịt cóc 22
Thịt ếch 20
Thịt heo nạc 19
Thịt bò 20
Tôm đồng 18,4
Thịt cóc tiềm ẩn nguy hiểm chết người
Thịt cóc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm chết người. (Ảnh minh họa).
Tuy vậy, khi quyết định bổ sung thịt cóc vào thực đơn cho trẻ, mẹ cần lưu ý thông tin sau: Một số bộ phận của cóc như gan, da và trứng chứa lượng độc tố bufotoxine cao, đủ để gây tử vong 4-5 người khỏe mạnh. Thịt cóc và xương cóc tuy không chứa độc, nhưng chúng có thể bị nhiễm độc thông qua quá trình làm cóc lấy thịt.
Loại độc tố này không bị phá hủy bởi nhiệt độ, cho nên dù bạn cho trẻ ăn thịt cóc nấu chín, nguy cơ bị ngộ độc vẫn rất cao. Đặc biệt, đối tượng sử dụng thịt cóc phần lớn là trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng, người bị suy nhược nên không đủ sức chống chọi với chất độc của cóc so với người khỏe mạnh.
Hơn nữa, cóc thường sống ở khu vực ẩm ướt nên da thường chứa nhiều giun sán, ký sinh trùng nên cũng tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ.
Vì thế, lời khuyên dành cho mẹ là không nên cho bé ăn thịt cóc hoặc các sản phẩm chế biến từ thịt cóc, nếu chưa bảo đảm về nguồn gốc và giám sát quy trình chế biến chặt chẽ. Thay vào đó, mẹ nên bổ sung các thực phẩm giàu đạm như thịt heo, tôm đồng để cung cấp chất dinh dưỡng cho con.