Má kể, cậu học hết lớp 7, bỏ học đi đánh cá, biết nhiều loại cá, cậu bỏ ghe lên bờ buôn cá. Cậu có tính nhậu nhẹt triền miên nhưng được cái chịu làm ăn. Cậu ngoài ba mươi, nhưng chưa vợ, nên người ta vẫn gọi cậu là trai tân chứ không phải đàn ông. Mợ đã một đời chồng và đứa con gái lên năm.
Má sợ cậu nghe lời thiên hạ dị nghị làm cậu chênh lòng, nên theo an ủi mợ miết. Đã hơn đôi lần, tôi nghe má ngồi tâm sự với mợ: “Ai nói gì thây kệ họ, chị tin bây, miễn bây thương nó thiệt lòng, thì chị tin bây thay đổi được tính nhậu nhẹt bê tha. Chị tin hai đứa sẽ hạnh phúc”. Tôi không biết mợ có hạnh phúc không? Vách nhà cậu mợ kế vách nhà tôi, đã hai năm mợ về sống chung, lâu lâu bàn ghế rung rinh, rồi im lìm như ngày cậu sống mình ên.
Cậu lấy cá ở cảng của những chiếc ghe chài nhỏ gần bờ, đem về bỏ mối cho người ta đem ra chợ ngồi bán. Cậu thấy người đàn bà lưng cõng con đang ngủ trên vai, cứ ba giờ sáng ra dốc cầu tìm cậu mua cá, ngồi chợ bán đến chín mười giờ trưa. Cậu nghe người ta nói lại, cuộc đời người đàn bà ấy gian truân, có chồng, có con nhưng chồng bỏ đi biệt, vì chồng ngán ngẫm cái mùi cá mắm bám vào người đàn bà ấy trong từng giọt mồ hôi. Cũng có người nói: “Chồng cổ theo tình nhân nào đó, đẹp lắm. Cổ ôm con thui thủi sống mình nên, không đi tìm chồng”. Người ta hỏi thì cổ nói: “Người ta không thương mình, bỏ mình, mình tìm chi?”.
Cậu cảm mến riết thành thương. Ngày cậu đeo đuổi người ta, người ta nhất quyết từ chối. Vì người ta sợ đàn ông nhậu nhẹt không nên thân. Có lần, trong hơi thở còn nồng mùi rượu, cậu tới nhà kiếm người ta: “Tui thương cô, vì cô chịu thương chịu khó, vì tui hiểu hoàn cảnh của cô…”. Người ta đóng cửa cái rụp, đuổi cậu ra ngoài, trong nhà còn nói vọng ra: “Thương cái gì mà thương, anh thương hại tui thì có…”. Chân trước đá chân sau, cậu té lên té xuống. Đi tỏ tình trong tình trạng như vậy thì ai mà chịu, cậu ơi là cậu!
Rồi cứ cái câu: “Tui thương cô…” ấy vậy mà thành. Mợ về nhà cậu không đi bán cá nữa. Mợ lo cơm nước, giặt giũ, nhà cửa trong ngoài. Có được mợ, cậu đổi tính. Nhậu nhiều, mỗi lần nhậu, cậu đập tay vô bàn. Cậu tức, tức vì không biết được cái mùi trinh nguyên nó ra làm sao. Cậu tức mà không nói ra, cái tức dồn cục lâu ngày gần giống như trái bóng thủy tinh đầy nước, sắp chạm vào ghềnh đá. Để ý, kiếm chuyện, cậu la hét rùm trời.
Tôi thấy mợ ngồi đút cơm cho con, mắt xa xăm rồi nước mắt chảy dài. Nhưng mợ lỡ thương thì thương cho trót. Mợ dạy con gái kêu cậu bằng ba, con gái cứ như con chim non ríu rít: “Ba ơi, ba ời…”. Dạo này, cứ mỗi khi cậu về tới nhà thì say mèm. Nằm dài, chửi rủa um xùm. Mợ lấy khăn, lau trán, thay áo cho cậu. Trong cơn say, cậu nói :”Mình không cần lo cho tui, mình thấy không sống được với tui nữa, mình đi đi…”. Nói xong, cậu ngã lăn ra ngủ, trong giấc ngủ, cậu mơ sau câu nói ấy, mợ sẽ cuốn gói, nách con ra đi…
Đợi cậu tỉnh rượu, má kêu qua nhà, má rầy:
– Bây đã đồng ý chấp nối với người ta, nghĩa là bây phải gánh vác yêu thương mẹ con người ta. Cớ gì… bây hành hạ người ta suốt…
– Chị không hiểu tui, người ta cười chê, nói tui “dọn vỏ ốc”…
– Đàn ông tốt là người biết thương yêu đàn bà. Đàn ông bản lĩnh là người chiếm được trái tim đàn bà. Người vừa tốt vừa bản lĩnh hiếm lắm. Chứ chị gặp đàn ông hành hạ đàn bà nhiều rồi…
Cậu gãi gãi đầu bước về nhà, vừa tới cửa, con gái bưng ly nước chanh đường mẹ mới pha, bập bẹ: “Ba ơi, ba uống nước cho hết say rượu..”. Cậu cầm ly nước chanh nhìn ra phía sau, cậu thấy mợ đang giặt bộ đồ của cậu hồi sáng do nhậu say, té, dơ hết vai áo. Cậu thấy mình bản lĩnh. Nghe con gái ôm tập sách đọc “i, t” cậu thấy lòng nhẹ bâng. Cậu lại gãi gãi đầu tự hỏi: “Phải chăng, chữ “trinh” ấy, nằm trong tim của người phụ nữ?”. Tự dưng, cậu thấy mình ngán rượu…