Giới hạn của sự chịu đựng
Lên tiếng chồng mình bạo dâm là việc rất khó đối với chị em phụ nữ, ngay cả khi tâm sự với chuyên viên tư vấn, chỉ khi nào họ không còn chịu đựng được nữa mới dám chia sẻ. Người vợ có chồng bạo dâm thường có tâm lý sợ quan hệ tình dục, lâu dần có thể dẫn đến lãnh cảm. Chị Thanh tâm sự: “Ngày nào cũng vậy, tôi rất sợ đêm về, tôi không biết có thể chịu đựng được cuộc sống này bao lâu nữa, tôi không thể tưởng tượng nổi một người như anh ấy lại có những hành động như vậy. Sự đòi hỏi chuyện gối chăn của anh ấy là quá mức bình thường, đã vậy anh ấy còn hung bạo giống như một con mãnh hổ, cào cấu bờ vai tôi đến khi chảy máu mới thôi và sau khi đã “no say” anh lại lăn ra ngủ như một đứa trẻ mặc cho tôi khóc lóc, tủi hờn, cô đơn, đau đớn và bẽ bàng. Tuy vậy, tôi không thể bỏ anh ấy được vì vẫn còn thương yêu anh ấy rất nhiều, hơn nữa mỗi sáng thức dậy nhìn thấy đôi mắt sưng húp và bờ vai vẫn hằn nỗi đau của tôi, anh cũng thương lắm. Cái vòng luẩn quẩn cứ hành hạ, yêu thương, rồi hành hạ của anh làm tôi không tài nào dứt bỏ được. Tình yêu của chúng tôi đã phải vượt qua nhiều chông gai lắm mới lấy được nhau bây giờ chỉ vì chuyện này mà chia tay thì tôi cảm thấy thật xấu hổ”.
Giống như trường hợp của chị Thanh nhưng không phải người vợ nào cũng dám vượt qua định kiến, mặc cảm và trao đổi thẳng thắn với chồng để giải thoát cho mình vì nhu cầu mà các chị em cho là đáng xấu hổ – “thỏa mãn tình dục” như chị Hạnh. Mặc cho gia đình, bạn bè ra sức ngăn cản, khuyên lơn còn trách chị là người có phúc mà không biết hưởng chị vẫn khăng khăng đòi ly dị để giải thoát cho mình. Ðúng là với mọi người, cái hạnh phúc bề ngoài mà chị có được thì số chị thật sung sướng nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng đó chỉ có riêng chị mới hiểu nổi hoàn cảnh của mình.
Từ ngày anh Phong – chồng chị được đề đạt lên trưởng phòng phải tiếp khách thường xuyên, chị mừng cho sự nghiệp thăng tiến của chồng nhưng lại âm thầm chịu đựng nỗi đau riêng, bởi nếu anh không bận đi công tác thì lại đi làm về trễ, nhiều đêm chị phải thức đợi chồng đến tận 2-3 giờ sáng trong tình trạng chồng say xỉn, mệt nhoài. Chị còn phát hiện anh có số điện thoại của mấy cô gái làng chơi. Chị tra hỏi thì anh nói đó chỉ là do bắt buộc phải đi để ngoại giao thế thôi. Nhưng điều làm chị không thể chịu đựng được là anh bây giờ không còn là người tình, người chồng ngọt ngào đưa chị đến thiên đường và đắm say tận hưởng hạnh phúc như xưa nữa mà chỉ còn lại nỗi ám ảnh về một địa ngục trần gian sau mỗi lần quan hệ. Ðã bao lần anh làm ngực chị đau nhói, chảy máu, nứt nẻ vì thói hung hãn mà không biết anh đã học được từ đâu. Chị tự hỏi ngày trước anh lịch lãm, đằm thắm, dịu dàng thế mà sao giờ lại ghê rợn đến thế.
Đi tìm lời khuyên
Trong xã hội, trường hợp như chị Thanh, chi Hạnh không phải là hiếm nhưng người ta vì xấu hổ mà giấu diếm, tự chịu đựng âm thầm. Ðã không ít những cặp vợ chồng phải đưa nhau ra tòa mà cả hai đều phải ngậm ngùi. Họ vẫn còn thương yêu và tôn trọng nhau, nhưng tình yêu đó không đủ lớn để vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, vì thế giải thoát cho nhau là cách tốt nhất. Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Thanh Phương (tổng đài 1088), bạo dâm là căn bệnh khó điều trị vì nó thuộc về phần vô thức của con người. Tuy thế nó cũng có thể bắt nguồn từ một vài nguyên nhân như: quá nhiều các phim ảnh đồi trụy, hoặc ngay từ bé người bị bệnh bạo dâm đã chứng kiến những cảnh quan hệ tình dục lệch lạc hay chính họ đã bị hành hạ và là nạn nhân.
Cũng theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Thanh Phương, trong trường hợp của chị Hạnh, có thể chồng chị đã bị ảnh hưởng bởi lối sống tình dục lệch lạc do những thay đổi từ công việc anh ta đang làm. Việc ly dị chồng của chị đáng được xã hội thông cảm và tôn trọng vì nếu chị không thể chịu đựng được nữa mà vẫn tiếp tục sống cùng chồng thì chỉ làm cho nhau đau khổ thêm mà thôi. Tuy vậy, trong cuộc sống gia đình, nếu người vợ vẫn còn thương yêu chồng thì hãy bình tĩnh và cùng chồng tháo gỡ khó khăn, bạn cũng đừng nghĩ chuyện gối chăn là chuyện riêng tư mà phải chịu đựng một mình, bạn cần trao đổi thẳng thắn với chồng và cùng anh ấy đến gặp chuyên viên tâm lý hoặc bác sĩ để xin lời khuyên và cố gắng xây dựng cuộc sống gia đình lành mạnh, dám vượt lên nỗi đau để chia sẻ, yêu thương, chăm sóc anh ấy. Việc chấp nhận sống chung với người chồng bạo dâm là phải chấp nhận sống chung với lũ, và không thể thay đổi ngày một ngày hai, vì thế bạn và chồng phải suy nghĩ cho kỹ để không làm tổn thương cho nhau.
Bạn có biết
Bạo dâm là một căn bệnh nằm trong chứng loạn dâm cùng với khổ dâm, ấu dâm, thị dâm… mà hiện tại người ta vẫn chưa thể chữa trị được. Người mắc bệnh bạo dâm thường bị lệch lạc về quan niệm tình dục, hoàn toàn không ý thức được hành động của mình và chỉ đạt được khoái cảm khi gây đau đớn khổ sở cho người khác bằng cách cấu véo, trói buộc, đánh đập hoặc văng ra những lời nói thô tục trong khi quan hệ với người bạn tình. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không những đến tâm lý và sức khỏe của riêng người đó mà còn gây tổn thương nghiêm trọng đến người xung quanh và đặc biệt là người bạn tình của họ.