Mẹ&Con - Chẳng ai muốn đón Giao thừa và năm mới trong tình cảnh lo lắng, hốt hoảng vì trẻ bị trúng gió, sốt, tiêu chảy, cảm cúm, viêm phế quản… Thế nhưng, theo “truyền thống”, Tết luôn là dịp trẻ dễ bệnh hơn hẳn ngày thường. Lưu ý về dinh dưỡng cho “bầu” ngày Tết Phòng ngừa các bệnh trẻ hay gặp ngày Tết Đề phòng tai nạn ngày Tết

Coi chừng trẻ đói lả – bội thực
Nghe có vẻ… khó tin vì ngày Tết nhà nào thức ăn cũng ê hề, song thực tế có khá nhiều ca bệnh lại bắt nguồn từ việc trẻ đói lả. Ngày Tết, hầu hết người lớn (nhất là các bà mẹ) đều quá bận rộn, ít có thời gian chăm chút con cái. Con còn tuổi bú thì vội vàng cho bú một chút, thấy trẻ ngừng thì mau chóng làm việc khác chứ không “ép” như ngày thường.

Trẻ ăn dặm hay kén ăn, lập tức mẹ tặc lưỡi bỏ qua, nghĩ rằng lát trẻ đói sẽ cho ăn thêm. Song, thực tế là công việc của người lớn cứ xoay như chong chóng, cuốn đi, dẫn đến tình trạng trẻ thường xuyên… đói.

Với những trẻ lớn hơn, tình trạng đói lả cũng dễ xảy ra khi trẻ không còn ăn uống đúng giờ giấc. Cứ lắt nhắt bánh mứt, cơ thể “ngang ngang” nên không tạo cảm giác thèm ăn. Trong khi đó, mẹ thì bận, lại chủ quan nhà đầy thức ăn sẵn, “nó lớn rồi muốn ăn gì cũng tự lấy được” nên không để ý nhiều. Hậu quả là trẻ mất sức.

Và khi đã mất sức thì cơ thể trẻ sẵn sàng “dung nạp” thêm nhiều thứ bệnh khác. Có trẻ nhức đầu, chóng mặt, trúng gió, hạ đường huyết, thậm chí ngất xỉu. Phụ huynh cuống quýt đưa vào bệnh viện, bác sĩ mới phát hiện ra nguyên nhân chỉ là vì… quá đói.

Chóng mặt vì trẻ bệnh vào dịp Tết 4

Song song với đói lả thì ngược lại, bội thực cũng là tình trạng thường gặp ở trẻ trong dịp Tết. Nhà có quá nhiều món ngon, trẻ ham ăn nên ăn “tán loạn” nhiều thứ, cha mẹ không theo dõi nên không kiểm soát được. Phụ huynh cần nhớ rằng phản xạ no – đói của trẻ kém nhạy so với người lớn nên việc này cần hết sức chú trọng. Tết nhất, dù bận đến mấy các bà mẹ vẫn phải cố gắng lưu ý đến bữa ăn của trẻ.

Cần duy trì để trẻ ăn đúng bữa, thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tươi nguyên, có nhiều rau củ quả chứ không toàn thịt, trứng, lạp xưởng, giò chả… Khi trẻ muốn đi chơi, phải cho trẻ ăn trước rồi mới đi. Trong bữa ăn của trẻ, cũng cần “kiềm chế” để trẻ chỉ ăn vừa vặn như ngày thường, không ăn theo kiểu no dồn đói góp.

Coi chừng trẻ táo bón – tiêu chảy
Đây là “cặp” bện thứ hai cần lưu ý trong ngày Tết. Ngày Tết, những bữa cơm nóng sốt trở thành chuyện hiếm. Thay vào đó là hàng loạt các loại thức ăn “bờ bụi”, rồi đồ ăn nguội, đồ để nhiều ngày sinh ôi thiu, thức ăn kém vệ sinh. Không loại trừ cả việc trẻ ăn nhiều món “kị” nhau cùng lúc dẫn đến tiêu chảy, kèm theo nôn ói.

Khi trẻ có dấu hiệu tiêu chảy hoặc nôn ói, phụ huynh không nên dùng thuốc vội vì cơ thể cần đẩy hết số thực phẩm đó ra ngoài, thải toàn bộ chất độc đã xâm nhập cơ thể. Chỉ cần bù lại lượng nước và muối đã mất, tuyệt đối không được sử dụng thuốc tiêu chảy mà không hỏi ý bác sĩ.

Trái ngược với tiêu chảy thì có một bệnh khác ít được phụ huynh chú ý hơn (vì không thấy hậu quả tức thời), song sẽ gây ảnh hưởng nhiều cho trẻ: Đó là táo bón.

Nguyên nhân chủ yếu gây táo bón cũng bắt nguồn từ chế độ ăn ít chất xơ và thiếu vận động trong dịp Tết. Ngoài ra, thay vì được uống nước đầy đủ thì nhiều trẻ lại thay nước bằng… nước ngọt. Cứ tưởng rằng nước ngọt cũng là nước, nên uống thoải mái mà quên cả lượng nước lọc rất cần.

Để khắc phục tình trạng này, phụ huynh cần chú ý cho trẻ ăn đủ chất xơ (canh, rau củ quả…) Ngày mùng một, nếu không nấu ăn cũng phải cho trẻ ăn nhiều trái cây để bù vào. Nên hạn chế việc trẻ uống nước ngọt, thay vào đó cần cho trẻ uống nhiều nước và nước trái cây ép.

Cũng nên “tế nhị” chứ không để trẻ có tâm lý quá nôn nóng đi chơi mỗi ngày mà “nhịn” luôn chuyện đi vệ sinh buổi sáng , vì chỉ cần một ngày “nhịn” là ngày sau, mức độ khó khăn của trẻ sẽ càng tăng lên và rơi vào vòng luẩn quẩn: Càng khó khăn, càng sợ đi vệ sinh và càng… nhịn!

Coi chừng trẻ cảm lạnh và bệnh đường hô hấp
Viêm họng, cúm, viêm phế quản, viêm xoang, cảm lạnh… là những bệnh có tỷ lệ trẻ mắc phải nhiều đến mức không đếm xuể trong mùa Tết. Do thời tiết ẩm và không khí lạnh, cơ thể lại “yếu” sẵn vì ăn ngủ thất thường, phải di chuyển ngoài đường nhiều nên trẻ dễ dàng mắc phải các chứng như: Sốt, đau nhức mình mẩy, ho, cúm… Nặng thì chuyển sang viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang…

Cách phòng bệnh tốt nhất là chú ý cho trẻ ăn ngủ đúng giờ để tăng cường sức đề kháng. Có thể bổ sung thêm mỗi ngày cho trẻ một ly nước cam vắt để tăng lượng vitamin C, vài lát gừng tươi cũng giúp bạn “bảo vệ” thêm con mình. Ngoài ra, khi đưa trẻ đi chơi cần chú ý cho trẻ mặc ấm, buổi tối phải có áo khoác. Khăn mặt và các vật dụng của trẻ mang theo cũng cần giữ cho sạch sẽ, tránh dùng chung.

(Theo sự tư vấn của Bác sĩ Phạm Khuê Anh, BV Nhi đồng 1)

Phụ huynh có biết?

Không nên tự làm… “Bác sĩ”
“Phụ huynh biết cách chăm sóc con theo đúng hướng dẫn của bác sĩ là tốt, tuy nhiên xin nhấn mạnh là phụ huynh chỉ nên chăm sóc con theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chứ không nên… tự tin vào những kiến thức dân gian hoặc kiến thức đọc được từ đâu đó của mình để chủ động kiêm luôn vai trò “bác sĩ cho con”.

Đã khá nhiều lần, cứ khoảng mùng 3, mùng 4 Tết bệnh viện phải cấp cứu những trường hợp bệnh nhi nhập viện trong tình trạng quá nặng. Nguyên nhân chỉ vì phụ huynh chủ quan trẻ mắc những bệnh cảm sốt, rối loạn tiêu hóa thông thường. Thấy đang Tết nhất nên ngại vào bệnh viện, cứ để trẻ ở nhà và chăm sóc theo ý của mình.

Nhiều trẻ bị tiêu chảy cấp mà gia đình tự ý cho con dùng thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống nôn khiến cơ thể không đào thải được chất độc ra ngoài làm cho bệnh tình nặng thêm, sức khỏe của trẻ suy kiệt nhanh chóng. Đến khi thấy trẻ quá nặng, mãi mùng 3, mùng 4 Tết mới chịu đưa đi khám thì nguy hiểm vô cùng” – Trích lời BS Nguyễn Thanh Tùng, BV Nhi đồng 1

Tags:

Bài viết liên quan