Mẹ&Con – Bạn mất không biết bao nhiêu công sức để chuẩn bị đầy đủ các món xào, món kho, món chiên, món canh… ngon lành. Thế nhưng, đến bữa nhóc nhà bạn chỉ liếc một cái qua mâm cơm rồi chê ngay: “Không có món nào ngon cả. Con thích trứng chiên cơ!”. Không có trứng chiên, bé chẳng thèm động muỗng đến các món nào khác. Làm sao để bé quên “món ruột” và chịu thử món khác? Đã tìm ra thủ phạm khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn mà ba mẹ không hề biết 6 lời khuyên dành cho mẹ khi bé kén ăn Bí quyết ăn đa dạng giúp bé không kén ăn

Sao bé chỉ thích “độc” một món như thế?

 ken-an

Ảnh minh họa.

Một tỷ lệ không nhỏ trẻ chỉ thích đúng một món (hoặc trường hợp “đỡ” hơn là thích một vài món). Có món này trẻ mới chịu ăn cơm, không thì nhăn nhó, khó chịu, ăn “nhơi nhơi” rồi bỏ bữa.

Bạn cần có cái nhìn chính xác về tình trạng này. Thứ nhất, trẻ con thường có khuynh hướng thích những gì quen thuộc, khiến chúng “tin tưởng”, yên tâm. Ví dụ trẻ thích được người quen ẵm hơn là người lạ, trẻ thích tắm trong bồn tắm quen thuộc của mình hơn là tắm ở nơi lạ. Tương tự, trẻ thích những món ăn mà chúng đã nếm qua và “tin tưởng” rằng chúng thích hợp với món này.

Để khắc phục tình trạng không lấy gì làm thoải mái ấy, ngay từ khi bé còn nhỏ (bắt đầu chuyển sang ăn dặm), bạn nên tạo “cơ hội” cho bé nếm thử hương vị của nhiều món khác nhau. Ví dụ cho bé nếm thử một chút xíu nước canh (nhiều loại canh khác nhau), chấm một chấm vào miệng bé nước thịt, cho bé nếm một chút khoai tây nghiền nát… Càng được nếm nhiều món ăn khác nhau vào giai đoạn “tìm hiểu” thì khi lớn lên, bé càng hạn chế được tình trạng “khảnh” ăn, kén ăn, chỉ chọn ăn nhất định một vài món mà trẻ cho là quen thuộc.

Thứ hai, một yếu tố nữa cha mẹ cũng cần quan tâm: Kén ăn có thể là thái độ “phản kháng” của trẻ khi ở độ tuổi bắt đầu muốn “khẳng định mình”. Các nhà khoa học cho thấy trẻ có dấu hiệu kén ăn cũng có khuynh hướng thích thể hiện sự “đòi hỏi được quan tâm” nhiều hơn trẻ khác. Để “điều trị” trường hợp này không phải dễ. Vì nếu cha mẹ chiều con, chỉ cho con ăn đúng món mà trẻ “đòi” thì lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng ăn uống mất cân bằng, càng để lâu càng khó sửa hơn. Ngược lại, nếu cha mẹ làm quá “căng”, ép trẻ ăn bằng được các món khác thì tâm lý trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Làm sao “trị” tật kén ăn?

Bạn chú ý đến những nguyên tắc sau đây:

1./ Tạo bầu không khí vui vẻ cho bữa ăn

Không gì “chán” cho bằng một bữa cơm diễn ra trong sự căng thẳng của ép buộc và phản kháng. Bạn hãy thử lờ đi những “yêu sách” của trẻ, chế biến món ăn với thật nhiều món ngon lành, nhìn hấp dẫn và bắt mắt. Nếu bạn biết cách trang trí món ăn thật đẹp (như ở nhà hàng người ta vẫn làm) , đừng ngần ngại… trổ tài.

Đến bữa cơm, tất cả thành viên quây quần lại trò chuyện vui vẻ. Người thử món này, người nếm món khác. Bạn không cần “ép” trẻ ăn làm gì. Trong một không khí chung như thế, trẻ sẽ dần dần nhận ra rằng muốn được chú ý và không “lạc lõng” thì trẻ cũng phải ăn giống như mọi người. Và khi nếm thử vài món rồi, chắc chắn trẻ sẽ thấy việc thiếu “món ruột” của mình không còn quá “nghiêm trọng” nữa.

2./ Hãy khen ngợi ngay khi con “thử” một món gì đó mới…

Đây là “liệu pháp” tâm lý rất tốt. Rất nhiều đứa trẻ ban đầu không thích ăn khổ qua (hoặc một loại rau củ nhất định). Thế nhưng, khi trẻ nghe mẹ khen mình với người khác (hoặc khen mình với đứa trẻ khác, đại loại như: “Bé My nhà này giỏi lắm. Khổ qua đắng vậy mà ăn tỉnh queo à!”. Sau một lời khen “vô tình” cho bé nghe như thế, bạn sẽ nhận ra bé trở nên “hào hứng” với những món đã được bạn khen là trẻ ăn giỏi hơn.

3./ Chế biến món ăn mới dựa trên món “ruột” mà trẻ thích!

Để “dung hòa” giữa điều bạn muốn và điều trẻ muốn, bạn có thể chế biến ra những món ăn dựa trên “món gốc” của bé. Ví dụ bé rất thích ăn trứng chiên, bạn có thể tạo ra những món mới như thịt trộn trứng rồi chiên giòn, mướp xào trứng, canh cà chua trứng…

Tài tình hơn, bạn có thể tạo ra những món mới mà trông hình dáng bên ngoài trẻ không đoán ra được làm từ nguyên liệu gì. Ví dụ khoai tây, cà rốt được thái hạt lựu sẽ khiến trẻ không còn nhận ra là khoai tây, cà rốt nữa. Cho trẻ thử nếm những món này, trẻ sẽ vơi được cảm giác “tự kỷ ám thị” rằng mình không thể ăn được món nào đó.

4./ Và cuối cùng: “Rủ” bé cùng… vào bếp với bạn!

Hãy nhớ rằng khi bé được tham gia chọn món và chuẩn bị bữa ăn, trẻ sẽ hào hứng hơn rất nhiều với việc nếm thử “thành quả” của mình. Một mẹo nhỏ cho bạn là đừng hỏi: “Con thích nấu món gì?” (vì bé sẽ trả lời ngay bằng món ruột của bé). Thay vào đó, nói với con là: “Mẹ định nấu canh chua, hoặc canh xà lách xoong. Con nghĩ mình nên nấu món nào nhỉ?”

Song song với việc “rủ” con vào bếp, bạn cũng có thể dạy con từ từ về giá trị dinh dưỡng của các món ăn, thông qua những hình vẽ vui nhộn hoặc những câu bình luận như: “Ăn nhiều cà rốt mắt sẽ sáng như chú thỏ vậy!”. Nếu có điều kiện, bạn có thể tạo nên sự “ganh đua” cho trẻ với những bé khác (cháu ở trong nhà, hoặc các bé hàng xóm…) bằng cách bày ra bữa ăn cho nhiều bé tham gia.

Tags:

Bài viết liên quan