Trầm cảm sau sinh là một chứng bệnh tâm lý bất ổn hay gặp ở phụ nữ sau giai đoạn mang nặng đẻ đau. Dạng bệnh lý này không đơn giản chỉ tạo nhiều nỗi đau khổ, buồn phiền cho người mẹ, mà chúng còn có thể dẫn đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng, không ai lường trước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh, nhưng chủ yếu vẫn là những lý do phổ biến sau đây:
– Thay đổi nội tiết tố: Sau sinh, cơ thể phụ nữ đột ngột giảm lượng estrogen, progestrogen và hormone tuyến giáp dẫn đến chứng trầm cảm. Bên cạnh đó, sự thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa cũng gây ra tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc ở phụ nữ sau sinh.
– Gia đình: Sản phụ bị bạo hành hay mang thai ngoài ý muốn, không được người thân quan tâm, chia sẻ, gia đình mâu thuẫn, không vui vẻ thường có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 5 lần so với các bà mẹ bình thường khác.
– Con cái: Những người sinh con so thường gặp khó khăn trong việc chăm sóc con hay tình trạng sức khỏe của con khi sinh ra không được tốt khiến mẹ lo lắng thái quá cũng có khả năng dẫn đến trầm cảm.
– Di truyền: Nếu trong gia đình của sản phụ từng có người bị trầm cảm (bố, mẹ, chị) thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Muốn vợ vượt qua trầm cảm sau sinh, vai trò của các ông chồng được coi là “liều thuốc” tốt nhất. Dưới đây là những điều các ông chồng nên làm để giúp vợ tránh xa chứng bệnh đáng sợ này.
Vai trò của các ông chồng để vợ thoát khỏi chứng bệnh trầm cảm sau sinh là rất quan trọng. (Ảnh minh họa)
1. Báo cho người thân, bạn bè biết vợ mình đã sinh con
Hầu hết tâm lý của các bà mẹ sau sinh là đều muốn được người khác thăm hỏi, quan tâm và chăm sóc nhiều hơn. Do vậy, ngay sau khi vợ sinh con, các ông chồng nên báo cho hai bên gia đình nội ngoại và bạn bè của cô ấy biết. Sự thăm hỏi, quan tâm của người thân và được trò chuyện với bạn bè sẽ giúp cô ấy bớt lo lắng, sợ hãi, đồng thời cảm thấy tinh thần vui vẻ, phấn chấn hơn. Từ đó, cô ấy sẽ tránh được những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến trầm cảm.
2. Quan tâm đến cảm xúc của vợ
Sau sinh, nhiều bà mẹ thường cảm thấy tủi thân khi họ đã trải qua những đau đớn, vất vả để sinh con nhưng không được chồng quan tâm, đồng cảm và chia sẻ. Do vậy, đây là giai đoạn mà các đấng mày râu nên dành nhiều thời gian để ở bên và hiểu được cảm xúc của cô ấy hơn. Thiết thực nhất là bạn hãy bắt đầu bằng việc xin nghỉ phép vài ngày để ở nhà chăm vợ mới sinh. Trường hợp không thể xin nghỉ phép, bạn hãy tranh thủ về nhà sớm hơn.
3. Chủ động chia sẻ việc chăm sóc em bé
Trong thời gian này, các ông chồng hãy chủ động chia sẻ việc chăm sóc em bé với vợ: không quản ngại cùng vợ chăm con lúc đêm hôm hay đi làm về nhanh chóng rửa tay bế con giúp vợ ít nhất 30 phút, thậm chí thay tã và tắm rửa cho con… Tất cả những việc làm này của chồng sẽ giúp vợ có thời gian nghỉ ngơi và cảm nhận được tình cảm chân thành của người bạn đời, từ đó những suy nghĩ tiêu cực, buồn chán, lo âu cũng không còn nữa.
4. Thay vợ chăm sóc những đứa con lớn hơn
Khi có thêm thành viên mới, những đứa con lớn hơn thường không được quan tâm, chăm sóc như trước đây. Các ông bố cũng có xu hướng thích em bé mới sinh hơn mà lãng quên anh chị lớn. Điều này cũng khiến người mẹ sau sinh lo lắng, căng thẳng, bởi cô ấy không còn đủ sức khỏe và thời gian chăm sóc chu toàn cho tất cả các con, trong khi sự quan tâm và lo lắng cho những đứa con trong gia đình của họ là ngang bằng nhau. Do vậy, thay vì chỉ quấn quýt với em bé mới sinh, các ông bố hãy dành thời gian giúp vợ chăm sóc những đứa con lớn. Chẳng hạn như nấu ăn cho con, đưa con đi học, dạy con học bài, làm bài, tắm rửa cho con và chơi cùng con… giúp vợ an tâm nghỉ ngơi, giảm bớt lo lắng.
5. Nấu ăn cho vợ
Vợ bạn chắc chắn sẽ cảm động rơi nước mắt nếu được chồng vào bếp, tự tay nấu cho mình những món ăn ngon và bổ dưỡng. Có thể tay nghề nội trợ của bạn hơi tệ nhưng với cô ấy đó là những món ngon nhất đấy. Mặc dù, đây chỉ là những hành động nhỏ nhặt nhưng cũng phần nào giúp cô ấy hiểu được sự quan tâm, tình cảm của bạn dành cho cô ấy, giúp cô ấy không còn cảm thấy tủi thân và đơn độc trên hành trình nuôi con. Đây là điều mà mọi sản phụ luôn mong muốn từ chồng của mình.
6. Thỉnh thoảng nên dành lời khen, lời nói ngọt ngào cho vợ
Phụ nữ sau sinh thường tự ti về vóc dáng: lo sợ chồng chê mập, xồ xề, xấu xí. Đây cũng là một trong những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến trầm cảm sau sinh của nhiều chị em. Do đó, bạn hãy thường xuyên dành cho cô ấy những lời khen đại loại như “Trông vợ bầu bĩnh đáng yêu hơn” hay “Người phải có da có thịt như vợ chồng mới yêu”… Ngoài ra, vào mỗi buối tối trước khi đi ngủ hay buổi sáng trước khi đi làm đừng quên trao một nụ hôn ngọt ngào lên trán của vợ. Chỉ với những điều đơn giản, không quá cao siêu như vậy thôi cũng đủ khiến vợ bạn cảm động và hạnh phúc rồi.
7. Luôn về nhà trong trạng thái vui tươi
Vợ bạn đã quá buồn chán khi ở nhà một mình chăm con, cộng thêm thể trạng không tốt sau sinh do phải thường xuyên thức đêm chăm con khiến cô ấy mệt mỏi, căng thẳng. Nếu các ông chồng trở về nhà với gương mặt cau có, khó chịu sẽ khiến cô ấy càng căng thẳng, buồn chán và mệt mỏi hơn. Vì vậy, các ông bố hãy học cách tiết chế cảm xúc, kìm nén cơn giận để luôn trở về nhà trong trạng thái tươi vui.
8. Đảm bảo tài chính cho gia đình
Phụ nữ sau sinh không thể thoải mái và an tâm ở nhà chăm sóc con nếu tài chính trong gia đình không ổn định. Những lo lắng về cơm áo gạo tiền là một trong những nguyên nhân khiến chị em bị trầm cảm sau sinh. Do đó, bạn hãy chắc chắn rằng trong thời gian vợ ở nhà nghỉ sinh, bạn sẽ đảm bảo đủ tài chính chăm lo cho gia đình, có thể tiêu xài tiết kiệm hơn, hạn chế ăn nhậu và cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết…
9. Hẹn hò cuối tuần
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, các ông bố nên nhờ ông bà hoặc người thân chăm sóc em bé rồi đưa vợ đi mua sắm, xem phim, đi spa… Đây là khoảng thời gian tuyệt vời để giúp hâm nóng tình cảm vợ chồng, đồng thời giúp vợ được thư giãn, không có cảm giác bị nhốt trong nhà và quên đi những mệt mỏi sau sinh.