Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn rơi vào tình huống chồng không cho vợ đi làm? Nếu chính mình ở trong câu chuyện đó, bạn sẽ làm như thế nào? Bạn lựa chọn ở nhà hay vẫn tiếp tục đi làm?

Sau khi bước vào cuộc sống hôn nhân, bạn không còn độc thân như trước. Và cũng chính vì vậy, có những vấn đề bạn không thể tự ý giải quyết mà cần lắng nghe ý kiến của người bạn đời của mình. Không ít chị em phụ nữ sau khi kết hôn, đặc biệt là sau khi có con tranh cãi với chồng về vấn đề chồng không cho vợ đi làm. Nếu là bạn, trong trường hợp này, bạn sẽ giải quyết như thế nào?

Lấy nhau về, chồng không cho vợ đi làm nữa

Bạn đọc Ngọc Lan (tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ cùng Tạp chí Mẹ và Con:

“Đúng là không ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Em và chồng em đã có hơn 5 năm yêu nhau vô cùng hòa hợp rồi mới quyết định kết hôn. 3 năm sinh sống cùng nhau trong một gia đình cũng có thể gọi là suôn sẻ và hạnh phúc. Em tự do làm mọi điều em thích. Việc chăm sóc bố mẹ chồng cũng rất nhẹ nhàng do gia đình cũng gọi là có điều kiện kinh tế, có người giúp việc, em không cần phải làm gì nhiều.

Chồng yêu chiều, bố mẹ chồng dễ tính, em đi làm bao nhiêu thì giữ xài bấy nhiêu, hằng tháng chồng lại cho thêm tiền để chi tiêu mua sắm. Nghe thật thích đúng không? Lấy chồng giàu mà, chuyện tiền nong với chồng đâu có thành vấn đề.

Nhưng mà đây cũng chính là nguồn cơn của mọi câu chuyện cãi vã mà em và chồng đối mặt trong thời gian gần đây. Chuyện là sau khi em sinh con, chồng không cho vợ đi làm nữa. Chồng em muốn em toàn tâm toàn ý tập trung lo cho chuyện con cái. Dù rằng nhà đã có người giúp việc để trông trẻ, cũng có riêng một người để lo chuyện ăn uống nhưng chồng em vẫn muốn con cái phải được ở bên mẹ 24/24, ít nhất là cho đến khi con vào cấp 1.

Em không đồng ý với chuyện này thì vợ chồng em lại cãi nhau. Bố mẹ chồng em trước giờ rất yêu thương con dâu nhưng lần này cũng đứng về phía chồng em mọi người ạ. Em vừa sinh xong, lại cứ liên tục căng thẳng thế này thì có ngày em bị trầm cảm sau sinh mất thôi.”

vợ chỉ có thể trông con khi chồng không cho đi làm

Cùng một nỗi niềm vì chồng không cho vợ đi làm, bạn đọc Hoàng Như (tên nhân vật đã được thay đổi) cũng kể lại câu chuyện của mình:

“Gia đình mình thì chồng không cho vợ đi làm từ lúc mới kết hôn cơ. Chồng không thích cảm giác lạnh lẽo khi trở về nhà sau một ngày làm việc, nên muốn vợ lúc nào cũng phải ở nhà chờ sẵn. Thế là kể từ khi kết hôn đến nay đã hơn 4 năm, mình lui về phía sau làm hậu phương vững chắc cho anh.

Mình thấy việc chồng không cho vợ đi làm cũng rất dễ hiểu, chẳng có gì quá đáng cả. Nếu gia đình đủ điều kiện tài chính để mình không phải đi làm thì càng tốt chứ sao. Mình ở nhà làm việc nhà, rồi rảnh rỗi thì làm đẹp, đọc thêm sách, xem thêm phim, cuộc sống cũng từ đó mà vui vẻ hẳn ra.”

vợ không được đi làm ở nhà nội trợ

Nếu chồng không cho vợ đi làm thì nên làm sao?

Bạn có thoải mái với việc ở nhà hay không?

Trước khi có được hướng đáp án cho bài toán khó mà bạn gặp phải, trước tiên bạn cần phải hỏi bản thân mình, liệu bạn có phải là một người sẽ sẵn sàng ở nhà, trở thành “nữ tướng” trong gia đình? Đừng cố gắng để phân tích rằng chồng không cho vợ đi làm là đúng hay sai, bởi lẽ anh ấy có lý do của anh ấy, bạn cũng có lý lẽ của mình.

Hãy suy nghĩ thật kỹ về tính cách của bản thân cũng như thử trải nghiệm một tuần về việc ở nhà để xem bạn có thật sự thoải mái với việc ở nhà mà không gặp bất kỳ một áp lực nào hay không.

Cân nhắc thật kỹ về việc ở nhà

Bất kỳ một câu chuyện nào cũng sẽ có nhiều góc nhìn, những mặt lợi hại khác nhau. Quan trọng là bạn có sẵn sàng chấp nhận và đánh đổi hay không.

Nếu ở nhà, bạn sẽ có sự thoải mái hơn về thời gian, không phải chịu cảnh sau một ngày dài đi làm mệt nhoài, về nhà không được nghỉ ngơi đã lao vào bếp nấu nướng rồi thoăn thoắt đôi tay cho con tắm, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa. Hầu hết phụ nữ sau khi đi làm về phải làm việc nhà thì đêm sau khi đã mệt mỏi cũng không còn hứng thú cho chuyện quan hệ, dẫn đến việc lạnh nhạt chuyện chăn gối, đời sống vợ chồng cũng từ thế mà đi xuống.

Hơn nữa, nếu không đi làm mà ở nhà, bạn có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, việc chăm sóc chồng con cũng chu đáo và vẹn toàn hơn. Bạn có nhiều thời gian hơn để theo sát con của mình, hành trình trưởng thành của con cũng có thêm một người bạn đồng hành gần gũi và thân thiết hơn.

Tuy nhiên, nếu bạn đồng ý với việc chồng không cho vợ đi làm, nghĩa là bạn đang đánh đổi khả năng độc lập kinh tế của bản thân. Lúc này, tài chính của bạn sẽ phụ thuộc vào chồng. Sẽ có nhiều rủi ro có thể xảy ra như khi chồng làm ăn thất bại thì gia đình dễ rơi vào khó khăn hoặc nếu sau này ly hôn, bạn cũng khó giành quyền nuôi con khi ly hôn do không thể chứng minh được tài chính của mình. Chưa kể bạn dễ bị mọi người nhận xét, đánh giá là người chỉ biết phụ thuộc vào chồng.

chồng không cho vợ đi làm

Và không chỉ vậy, nếu chồng không cho vợ đi làm và bạn đồng ý thì bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng mất tiếng nói trong gia đình. Khi chồng là nguồn kinh tế chính thì rất dễ xảy ra chuyện chồng gia trưởng và bạn không được quyền phát biểu suy nghĩ, ý kiến của mình, đặc biệt là khi cả hai bất đồng quan điểm.

Ở nhà, không đi làm cũng có nghĩa là bạn bị thu hẹp các mối quan hệ của mình. Khi đi làm, bạn thoải mái hơn trong việc giao lưu với đồng nghiệp, dễ dàng kết bạn mới còn khi ở nhà, việc này sẽ trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Nhiều người khi ở nhà cũng dễ rơi vào cảm xúc tiêu cực, cho rằng mình là người vô dụng, không thể giúp ích gì được cho gia đình. Hay khi bạn phải xin tiền chồng cho dù là những số tiền nhỏ, bạn cũng sẽ khó mà vui vẻ được.

Với những điểm cộng và cả những điểm trừ của việc chấp thuận với tình huống chồng không cho vợ đi làm, bạn có thể đặt cả hai lên bàn cân để cân đo đong đếm xem mình sẽ hạnh phúc hơn với trường hợp nào?

Đưa cho chồng “giải pháp”

Bên cạnh việc chồng không cho vợ đi làm vì thương vợ, sợ vợ vất vã thì cũng có rất nhiều lý do “trời ơi đất hỡi” khiến một người chồng không đồng ý với việc để vợ đi làm. Bạn nên trao đổi thẳng thắng với anh ấy, tìm ra nguyên nhân chính xác và từ đó cho anh ấy thấy những giải pháp “đập tan” nỗi lo trong lòng anh ấy.

Chẳng hạn như nếu chồng bạn lo rằng bạn sẽ vì công việc mà bỏ bê con cái thì bạn có thể tìm những công việc bán thời gian, chỉ cần đến cơ quan một buổi sáng hoặc chiều hoặc những công việc có sự linh động về mặt thời gian, bạn chỉ cần đến 1-2 buổi/tuần hoặc những khi cơ quan cần.

Còn nếu chồng không không cho vợ đi làm vì muốn có người ở nhà nấu ăn thì bạn có thể đưa ra giải pháp như nấu ăn trước, tìm một công việc có thể về sớm hơn anh ấy 1-2 tiếng để chuẩn bị thức ăn.

Chia sẻ với chồng về quan điểm của mình

Cho dù bạn có lựa chọn như thế nào đi chăng nữa, cũng nên ngồi lại trao đổi với chồng về quan điểm của mình, đặc biệt là nếu bạn đồng ý với việc chồng không cho vợ đi làm. Điều này giúp chồng bạn có thể hiểu rõ rằng việc bạn ở nhà vì bạn nhận thấy những điểm tốt nào đó, chứ không phải vì chồng bạn yêu cầu như thế nào thì bạn sẽ nghe theo như thế đấy.

tranh cãi chồng không cho vợ đi làm

Như vậy, bạn vẫn có thể giữ được tiếng nói của mình trong gia đình và tránh được các tình huống sau này chồng bạn cứ liên tục đòi hỏi bạn phải nghe theo sự “sắp đặt” của anh ấy.

Và ngoài ra, việc trao đổi thẳng thắng với chồng về vấn đề chồng không cho vợ đi làm cũng sẽ giúp chồng hiểu được rằng đây là cuộc sống hai người, anh ấy không thể nào thay bạn quyết định mọi thứ mà vẫn phải tôn trọng quyết định của bạn.

Ở nhà nhưng vẫn nên tự chủ kinh tế

Khi chồng không muốn cho vợ đi làm, có lẽ điều khiến nhiều người đắn đo nhất chính là chuyện tự chủ kinh tế. Theo đó, dù quyết định của bạn có như thế nào thì bạn vẫn nên có thu nhập của riêng mình thay vì chỉ phụ thuộc vào chồng. Điều này giúp bạn phần nào đỡ được gánh nặng kinh tế cho chồng, vừa đề phòng được những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.

Hiện nay, có rất nhiều công việc làm thêm tại nhà giúp bạn kiếm thêm thu nhập, chẳng hạn như kinh doanh online, biên tập sách, làm thiết kế ảnh, sáng tạo nội dung,… Bạn có thể chọn một thế mạnh của mình và nhận làm những công việc tại nhà. Như vậy bạn sẽ không trải qua cảm giác thấy mình vô dụng, không thể làm được gì nữa đấy.

Chồng không cho vợ đi làm có thể bị phạt

Nếu bạn kiên quyết muốn đi làm nhưng chồng của bạn không đồng ý thì sẽ như thế nào? Nếu cả hai đã trao đổi và vẫn không tìm ra tiếng nói chung? Đừng quên chúng ta vẫn còn sự trợ giúp của Pháp luật trong cả những vấn đề về hôn nhân và gia đình.

Căn cứ theo Nghị định 125/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 28/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, hành vi cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính có thể phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng.

cãi nhau với chồng

Điều này đồng nghĩa với việc nếu chồng không cho vợ đi làm thì chồng của bạn sẽ phải chịu mức phạt này.

Ngoài ra, Nghị định 125/2021 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 còn quy định phạt tiền từ 05 – 07 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;
  • Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng các biện pháp tránh thai như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.

Hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính sẽ phải chịu phạt tiền từ 07 – 10 triệu đồng.

Tuy ngày nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã không còn nhưng vẫn còn đâu đó nhưng ông chồng “độc tài” và “chuyên quyền” muốn vợ phải nghe theo ý mình, dẫn đến chuyện chồng không cho vợ đi làm. Và vẫn có những trường hợp chỉ vì yêu thương vợ quá mức, không muốn vợ phải vất vả kiếm tiền. Vậy nếu bạn rơi vào trường hợp này, hướng giải quyết của bạn là gì?

Bài viết liên quan