Mẹ&Con – Hẳn là mẹ không còn nghi ngờ gì về giá trị dinh dưỡng của phô mai. Tuy nhiên, nhiều mẹ vẫn không khỏi thắc mắc về những vấn đề có liên quan như khả năng gây dị ứng, khó tiêu hay béo phì… Nào, giờ thì cùng kiểm tra xem mẹ đáp đúng bao nhiêu câu hỏi dưới đây nhé!
Phô mai an toàn cho bé từ 6 tháng tuổi?
Nhiều mẹ thường nghĩ rằng phô mai là một chế phẩm từ sữa nên có thể cho con ăn khi bé bắt đầu ăn dặm để giúp con làm quen với thức ăn mới, bổ sung nhiều dưỡng chất quan trọng để bé bắt kịp đà tăng trưởng.
Lời khuyên từ chuyên gia:
Trên thực tế thì bé có thể sử dụng phô mai khi được 6 tháng tuổi, tức là lúc bắt đầu ăn dặm. Các chuyên gia dinh dưỡng ở Anh cũng khuyến khích mẹ cho bé ăn phô mai trong thời điểm này. Tuy nhiên, cơ thể của một số trẻ vẫn có phản ứng nhất định với loại thức ăn này, vì phô mai là nguồn thức ăn cung cấp đạm và can-xi nên có thể gây dị ứng cho bé (nhu cầu chất béo trong chề độ ăn của trẻ dưới 12 tháng tuổi từ 25-35%). Cho nên, khi cho bé ăn phô mai, mẹ nên “thăm dò” từng chút một. Nếu bé không có biểu hiện bất thường và thích thú với “người bạn mới” này, mẹ có thể mạnh dạn cho con ăn trong lúc ăn dặm. Ngược lại, khi bé có biểu hiện lạ sau khi ăn phô mai như da nổi mẩn, quấy khóc, ăn không tiêu, mẹ phải tạm dừng lại chờ khi con lớn hơn và xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng nhé.
Bé dị ứng sữa bò không thể dùng phô mai?
Về dị ứng sữa bò, đây là tên gọi chung của chứng dị ứng thức ăn thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, với tỷ lệ từ 1-7,5%. Nguyên nhân khiến trẻ dị ứng có thể đến từ rất nhiều thành phần có trong sữa như đạm, đường lactose…
Lời khuyên từ chuyên gia:
Trẻ bị dị ứng sữa bò không nên cho ăn phô mai hoặc phải rất thận trọng khi dùng phô mai, vì nếu không cẩn thận trẻ có thể bị sốc phản vệ. Trong trường hợp này, mẹ đừng vội cho con dùng phô mai mà hãy đưa con đến khám ở các bệnh viện chuyên khoa. Trẻ cần phải được bác sĩ dị ứng khám và xác định nguyên nhân gây dị ứng ở trẻ có thật sự là sữa bò hay không.
Phô mai giàu canxi nên con được ăn thoải mái?
Canxi rất quan trọng với trẻ nhỏ trong việc giúp cho hệ răng và xương chắc khỏe, đảm bảo cho sự phát triển chiều cao khi trưởng thành. Bên cạnh đó, canxi còn giúp duy trì hoạt động của cơ bắp và giúp dẫn truyền các tín hiệu thần kinh và tiết chế các hóc môn trong cơ thể.
Ý kiến chuyên gia:
Hẳn nhiên là mẹ biết phô mai là nguồn cung cấp canxi dồi dào cho trẻ, nhiều gấp 6 lần so với sữa. Các chuyên gia dinh dưỡng đã làm một phép so sánh là nếu trẻ dùng 60 gam phô mai, thì sẽ được cung cấp chất dinh dưỡng tương đương với 400 ml sữa.
Tuy nhiên trên thực tế, việc dùng quá nhiều phô mai là không thích hợp. Phô mai giàu đạm và chất béo nên khó tiêu hóa. Ngoài ra ăn nhiều một loại thức ăn sẽ làm cho khẩu phần ăn của trẻ mất cân đối, mất đi tính đa dạng sẽ là nguyên nhân làm cho trẻ bị thiếu vi chất. Đồng thời, trẻ ăn quá nhiều phô mai sẽ dư thừa cholesterol, gây thừa cân, béo phì, ảnh hưởng đến quá trình phát triển lành mạnh. Bên cạnh đó, phô mai lại nghèo sắt nên sẽ khiến trẻ thiếu khoáng chất này, dẫn đến thiếu máu ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Vì thế, với trẻ từ 6-12 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ ăn phô mai 12-14 gam/lần, với phô mai tươi là 13-24 gam/lần để đáp ứng nhu cầu canxi theo khuyến nghị là 400mg/ngày.
Ăn phô mai thời điểm nào là tốt nhất?
Phô mai rất giàu năng lượng. Theo tính toán của các chuyên gia dinh dưỡng, 100 gam phô mai cung cấp đến 380 kcal cho trẻ.
Lời khuyên của chuyên gia:
Để tận dụng triệt để những ưu điểm của phô mai, bên cạnh dùng phô mai theo liều lượng thích hợp, mẹ cũng nên lưu ý thời gian cho con ăn sao cho thật hợp lý. Đó là thời điểm các bữa phụ sáng và phụ chiều bằng cách kết hợp với những trái cây hay bánh ăn dặm. Ngoài ra, mẹ cũng có thể bổ sung phô mai vào bát súp, bột hay cháo của trẻ để tăng cường chất đạm và chất béo.
Với loại thực phẩm này, mẹ tuyệt đối tránh cho trẻ ăn trước bữa chính hoặc trước khi ngủ. Bởi lẽ, hàm lượng đạm và chất béo này có thể khiến bé đầy bụng, ăn kém ngon vào bữa chính và khó tiêu khi ngủ.
Đun nấu phô mai sẽ giúp bé dễ tiêu hóa hơn?
Bằng phương pháp kết đông và lên men các loại sữa động vật, con người đã tạo ra phô mai. Loại vi khuẩn phổ biến nhất dùng để ủ phô mai chính là vi khuẩn lactic. Chúng có vai trò tạo ra axít lactic giúp đông tụ casein trong sữa và tạo độ chua nhất định cho phô mai.
Lời khuyên của chuyên gia:
Xuất phát từ phương pháp chế biến phô mai đã nêu ở trên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn khi bổ sung vào món ăn cho trẻ không nên đun nấu trực tiếp phô mai. Cách tốt nhất chính là chờ sau khi bột hoặc cháo nguội bớt (khoảng 80 độ C) và được rót ra bát mới cho phô mai vào tán nhuyễn. Cách làm này sẽ giúp phô mai giữ được vị ngon vốn có mà không bị mất đi chất dinh dưỡng thiết yếu.
Món ngon từ phô mai cho bé yêu
Phô mai nghiền hoa quả
Nguyên liệu:
- Trái cây: bơ (xoài hoặc táo luộc chín): 50 gam
- Phô mai: 3 viên phô mai nhỏ khoảng 15 gam
Chế biến:
- Bơ bổ đôi, bỏ hạt, nạo ra bát
- Cho phô mai viên vào chung với bơ dầm nát.
Súp phô mai – khoai tây nghiền
Nguyên liệu:
- Khoai tây: 20 gam
- Phô mai tươi: 10 gam
- Kem sữa béo: 10 ml
- Nước dùng: 100ml
Chế biến:
Khoai tây gọt vỏ, thái miếng nhỏ cho vào nước dùng đun sôi. Khi khoai chín, nhấc xuống cho vào máy xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố, lọc bỏ xác. Cho hỗn hợp vào lên bếp đun sôi, thêm sữa béo. Súp sôi, đổ ra bát cho nguội bớt rồi thêm phô mai vào tán nhuyễn.
Cháo thịt gà, cà rốt, phô mai
Nguyên liệu:
- 1 viên phô mai (loại 8 viên)
- 30g thịt gà
- 30 gam cà rốt
Chế biến:
- Xay nhuyễn thịt gà, cà rốt luộc chín, tán nhuyễn
- Cháo nấu nhừ cho thịt và cà rốt vào đun sôi.
- Nêm nếm vừa ăn, tắt bếp
- Đổ cháo ra bát, cho phô mai vào tán nhuyễn.