Mẹ và Con - Cho bé ăn dặm ngũ cốc mang đến những lợi ích gì cho sức khỏe là chủ đề được rất nhiều mẹ quan tâm và dành thời gian tìm hiểu.

Từ xa xưa, con người đã biết dùng ngũ cốc trong bữa ăn hàng ngày vì thành phần dinh dưỡng cân đối mang đến nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Ngày nay, rất nhiều ba mẹ cũng rất quan tâm đến nguồn dinh dưỡng phong phú này.

Tuy nhiên, cho bé ăn dặm ngũ cốc như thế nào? Liều lượng ra sao là phù hợp? Hãy để Tạp chí Mẹ và Con tháo gỡ băn khoăn này của ba mẹ nhé!

Ngũ cốc – nguồn dinh dưỡng vô giá 

Ngũ cốc có nguồn gốc từ các loại thực vật cho hạt ăn được, bao gồm nội nhũ, mầm và cám. Tùy theo vị trí địa lý mà mỗi quốc gia chọn cho mình một loại ngũ cốc đặc trưng và sử dụng chính làm thực phẩm.

Nhìn chung, ngũ cốc là một nguồn dinh dưỡng đặc biệt quý giá của con người vì chứa rất nhiều dưỡng chất bao gồm: chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và các khoáng chất như niacin, sắt, riboflavin, thiamin…

Trong đó, phần ngoài hạt ngũ cốc ở dưới lớp vỏ có tên gọi là Aloron, chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, nhất là vitamin nhóm B. Phần tinh bột của các loại ngũ cốc cũng tồn tại hàng loạt dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Và còn lại là phần mầm ngũ cốc. Ở đó có chứa lipid giàu axítbéo chưa no có nhiều mạch kép, lecithin và nhiều vitamin, điển hình là E và K.

Nhờ có hàm lượng muối thấp, tinh bột lành mạnh không làm tăng lượng đường trong máu, giàu  axít folic và các khoáng chất như canxi, phốt pho, ma giê… ngũ cốc rất thích hợp dùng để bồi bổ cho sức khỏe cho rất nhiều đối tượng, nhất là trẻ nhỏ.

Ngũ cốc

Công dụng của ngũ cốc đối với trẻ nhỏ

Trước khi tìm hiểu về việc cho bé ăn dặm với ngũ cốc, ba mẹ nên tìm hiểu công dụng của nhóm thực phẩm này với trẻ như thế nào nhé!

Cung cấp năng lượng

Ngũ cốc rất giàu chất đạm, cứ mỗi 26 gam ngũ cốc có chứa đến 6 gam chất đạm. Đây là một trong những thành phần rất quan trọng để tạo nên tế bào mới, sửa chữa các mô hư hao, cấu tạo các huyết cầu tố, cấu tạo nên nhiễm sắc thể và gen di truyền. Chất đạm còn giúp dẫn truyền các tín hiệu thần kinh.

Ngoài ra, chất đạm còn có thể giúp điều hòa chất lỏng, trung hòa nồng độ axít và kềm, hỗ trợ trao đổi chất và có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Với trẻ nhỏ, chất đạm giúp cơ quan nội tạng, các cơ bắp và xương chắc khỏe, kích thích hệ miễn dịch… Ngoài ra, chất đạm còn giúp kích thích sự thèm ăn của bé, giúp bé ăn ngon miệng và phát triển một cách toàn diện.

Giảm nguy cơ béo phì

Ngũ cốc rất giàu chất xơ được hấp thu ở đường tiêu hóa. Vì thế, khi ở trong đường tiêu hóa, chúng hút rất nhiều nước khiến cho khối lượng tăng lên rất nhah chóng. Khi đó, thức ăn sẽ chuyển thành chất keo, tạo cảm giác đầy bụng, khiến cho trẻ ăn uống giảm đi. Đó chính là lý do trẻ không thể dung nạp thêm thức ăn nên giảm được nguy cơ béo phì.

Tránh được nhiều bệnh nguy hiểm

Nghiên cứu của Khoa Dinh dưỡng thuộc Đại học Cambridge Bingham đã chứng minh rằng, cho bé ăn dặm ngũ cốc và giàu tinh bột sẽ có tỉ lệ mắc bệnh ung thư hệ tiêu hóa thấp hơn những trẻ còn lại. Bởi lẽ, chất phytoestrogen có trong ngũ cốc có khả năng giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây ung thư.

Ngoài ra, nhờ khả năng ổn định đường huyết, trẻ ăn nhiều ngũ cốc nguyên cám sẽ giảm được các bệnh có liên quan đến mạch máu, tim mạch và phòng ngừa các bệnh có liên quan, giúp trẻ có điều kiện phát triển khỏe mạnh và có cuộc sống tốt hơn.

Đào thải độc tố, phòng tránh táo bón

Chế độ ăn uống hàng ngày thiếu rau xanh có thể khiến cho trẻ gặp nhiều vấn đề, nhất là về tiêu hóa. Nhờ chất xơ thực vật từ ngũ cốc, việc tiêu hóa trở nên thuận lợi hơn, trẻ sẽ giảm được tình trạng táo bón. Bên cạnh đó, một thực đơn giàu chất xơ từ ngũ cốc có thể kích thích nhu động ruột, tăng tốc thải những chất độc ra khỏi cơ thể, đồng thời cũng làm giảm cơn đau do táo bón gây ra.

Phòng ngừa loãng xương

Trẻ nhỏ thường ăn nhiều thịt và thức ăn có nhiều đường. Đây là nguyên nhân khiến cho cơ thể phải dùng nhiều canxi để duy trì sự ổn định của nồng độ axit, khiến cho bé bị thiếu canxi, gây ra tình trạng xương kém phát triển, nhanh thoái hóa, loãng xương…

Vì thế, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, nguồn chất đạm “lành mạnh” từ ngũ cốc được thay thế cho các loại đạm thực vật sẽ giúp tránh được tình trạng bệnh loãng xương, bảo vệ xương của bé luôn chắc khỏe.

Giúp cơ hàm và răng phát triển tốt

Khi ăn ngũ cốc, nhất là ngũ cốc nguyên hạt, cơ nhai của bé được cải thiện và phát triển hoàn chỉnh hơn. Bên cạnh đó, ngũ cốc còn có tác dụng loại bỏ các mảng bám bên trong răng, làm sạch răng miệng, ngăn ngừa sâu răng…

Cho bé ăn dặm ngũ cốc
Cho bé ăn dặm ngũ cốc

Khi nào không nên cho bé ăn dặm ngũ cốc?

– Trẻ có chức năng dạ dày kém hay mắc bệnh về đường tiêu hóa không nên ăn nhiều ngũ cốc.

– Trẻ có hệ miễn dịch kém cũng không nên sử dụng nhiều ngũ cốc thô vì ngũ cốc thô có chứa axit phytic và chất xơ kết hợp với nhau tạo kết tủa, cản trở cơ thể hấp thụ khoáng chất, khiến cơ thể dễ bị thiếu chất.

Các món ngon từ ngũ cốc cho bé ăn dặm

Cháo ngũ cốc thịt lợn

Nguyên liệu:

  • Gạo tẻ lức: 70 gam
  • Ý dĩ, đỗ xanh, hạt sen: 10 gam
  • Vừng đen, khoai tây: 30 gam
  • Bí xanh: 30 gam
  • Bí đỏ: 30 gam
  • Thịt thăn lợn: 150 gam.
  • Dụng cụ: nồi ninh, chảo chống dính, gia vị
  • Thời gian chế biến: 45 phút
  • Chi phí dự kiến: 150.000 đồng

Cách chế biến: 

  1. Gạo lức, ý dĩ, hạt sen, đỗ xanh vo sạch rồi cho vào nước ninh nhừ
  2. Khoai tây, bí xanh, bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, cắt hạt lựu
  3. Thăn lợn rửa sạch, băm nhỏ, ướp gia vị, phi hành tỏi thơm, xào chín
  4. Khi cháo nở mềm, cho tất cả nguyên liệu đã sơ chế vào nấu chín mềm, nêm nếm lại cho vừa ăn

Súp gà, kem, đậu Hà Lan

Nguyên liệu:

  • Đậu Hà Lan: 150 gam
  • Kem tươi (whipping cream): 30ml
  • Cần tây: 10 gam
  • Dầu ô liu: 20 ml
  • Bơ tan chảy: 20 ml
  • Nước dùng gà: 200 ml
  • Dụng cụ: nồi ninh, chảo chống dính, máy xay sinh tố, gia vị
  • Thời gian chế biến: 45 phút
  • Chi phí dự kiến: 150.000 đồng

Cách chế biến:

  1. Bơ, dầu ô liu cho vào nồi đun nóng, phi thơm cần tây
  2. Tiếp tục cho đậu Hà Lan vào
  3. Cho nước dùng gà vào đun khoảng 15 phút
  4. Chờ một chút cho hỗn hợp trên nguội, cho vào máy xay nhuyễn
  5. Đổ hết hỗn hợp đã xay vào nồi đun lại, nêm nếm vừa ăn
  6. Cuối cùng cho kem tươi vào đảo đều, tắt bếp, cho bé dùng khi còn ấm

Súp gà, kem, đậu Hà Lan

Sữa hạt kê bí đỏ

Nguyên liệu:

  • Hạt kê: 200 gam
  • Bí đỏ: 1 miếng 60 gam
  • Dụng cụ: nồi ninh, máy xay sinh tố, rây lọc
  • Thời gian chế biến: 45 phút
  • Chi phí dự kiến: 150.000 đồng

Cách thực hiện:

  1. Ngâm hạt kê trong khoảng 2 giờ, vo sạch cho vào nồi đun với 500ml nước
  2. Cho tiết bí đỏ vào nấu cho chín mềm
  3. Chờ hỗn hợp nguội bớt, cho vào máy xay nhuyễn
  4. Lọc hỗn hợp trên và lấy sữa cho bé dùng
  5. Phần bã còn thừa có thể làm bánh nướng hoặc cho bé ăn cũng rất ngon

Bánh chuối, yến mạch

Nguyên liệu:

  • Chuối: 2-3 quả chín kỹ
  • Yến mạch: 1 chén
  • Sữa hạnh nhân: ¼ chén
  • Dụng cụ: rây, khay làm bánh, lò nướng
  • Thời gian chế biến: 60 phút
  • Chi phí dự kiến: 150.000 đồng

Cách thực hiện:

  1. Nghiền chuối chín rồi đem trộn đều với yến mạch và sữa hạnh nhân
  2. Cho từng thìa hỗn hợp vào các ô trên khay bánh
  3. Bật lò nướng bánh khoảng 10-15 phút ở 180 độ C
  4. Lấy bánh ra để nguội cho bé dùng hoặc cất trong lọ thủy tinh để bé ăn dần

Cách bảo quản ngũ cốc cho bé ăn dặm

– Ngũ cốc dễ bị nhiễm nấm mốc và sinh độc tố vi nấm, nhiễm vi khuẩn Baciluss Cereus, Salmonella nên cần được bảo quản trong điều kiện thoáng khí, khô, mát, tránh nhiệt độ cao và ánh nắng trực tiếp.

– Bảo quản ngũ cốc trong hũ thủy tinh có nắp kín, nhất là nắp bằng kim loại hoặc hộp chuyên dụng để đảm bảo độ kín hơi. Hạn chế để ngũ cốc trong túi nhựa, hũ nhựa vì dễ làm giảm chất lượng ngũ cốc.

– Phần lớn ngũ cốc có hạn sử dụng trong vòng vài tháng, nên chú ý đến thời gian sử dụng và không nên mua dự trữ quá nhiều.

Vậy là mẹ đã biết cách cho bé ăn dặm ngũ cốc? Tuy nhiên, mẹ cũng nên nhớ liều lượng phù hợp nhé. Với trẻ từ 2-3 tuổi có thể ăn khoảng 84 gam/ngày. Với trẻ từ 4 tuổi mẹ có thể cho con ăn ngũ cốc 140 gam/ngày.

Bài viết liên quan