Mẹ và Con - Dù không phải những ngày của kỳ kinh nguyệt nhưng âm đạo vẫn liên tục ra máu thì có nguy hiểm hay không? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây bạn nhé!

Dù không phải những ngày “bà dì” xuất hiện nhưng bạn vẫn bị chảy máu âm đạo khiến bạn cảm thấy hoang mang, lo lắng? Những bất thường có thể liên quan đến một số vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của bạn. Vì vậy, nếu bị chảy máu vùng kín bất thường, cần kiểm tra và tìm ra nguyên nhân để kịp thời can thiệp, điều trị.

Chảy máu âm đạo là gì?

Chảy máu âm đạo không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt bình thường là một hiện tượng bất thường ở cơ quan sinh dục nữ, có thể xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý. Tình trạng chảy máu có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần, tùy theo loại bệnh lý mà kèm theo các triệu chứng khác như rối loạn tiểu tiện, đau ngứa ở vùng kín.

Trong một số tường hợp, việc chảy máu âm đạo xảy ra rất kín đáo, thậm chí xuất hiện cùng lúc với thời điểm có kinh nguyệt nên bạn không thể nhận ra vấn đề bất thường.

chảy máu âm đạo

Nguyên nhân chảy máu ở âm đạo

Việc chảy máu ở âm đạo có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

Ung thư và tình trạng tiền ung thư

  • Ung thư cổ tử cung
  • Ung thư nội mạc tử cung (ung thư tử cung)
  • Tăng sản nội mạc tử cung
  • Bệnh ung thư buồng trứng
  • Sarcoma (một loại ung thư được tìm thấy trong các tế bào mô liên kết) tử cung
  • Ung thư âm đạo

Xuất phát từ hệ thống nội tiết

  • Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)
  • Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • Ngừng hoặc thay đổi thuốc tránh thai

Chảy máu âm đạo do các yếu tố sinh sản

  • Mang thai ngoài tử cung
  • Biến động nồng độ hormone
  • Sảy thai (trước tuần thứ 20 của thai kỳ)
  • Máu báo thai
  • Chu kỳ rụng trứng ngẫu nhiên
  • Quan hệ tình dục
  • Tiền mãn kinh
  • Teo âm đạo (hội chứng sinh dục của thời kỳ mãn kinh)

Nhiễm trùng cũng là một nguyên nhân gây chảy máu âm đạo

  • Viêm cổ tử cung
  • Nhiễm Chlamydia Trachomatis sinh dục – tiết niệu
  • Viêm nội mạc tử cung
  • Các bệnh da liễu
  • Bệnh viêm vùng chậu
  • Nhiễm Ureaplasma Urealyticum
  • Viêm âm đạo

nguyên nhân chảy máu âm đạo

Do các yếu tố sức khỏe khác

  • Bệnh Celiac (không dung nạp Gluten)
  • Các bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh thận hoặc gan
  • Giảm tiểu cầu (số lượng tiểu cầu thấp)
  • Bệnh Von Willebrand (một dạng rối loạn đông máu)

Do đang sử dụng thuốc và các thiết bị hỗ trợ

  • Để tampon trong âm đạo quá lâu
  • Do sử dụng dụng cụ tử cung (đặt vòng tránh thai lệch)
  • Ngừng hoặc thay đổi biện pháp tránh thai
  • Tác dụng phụ của thuốc Tamoxifen (Thuốc tamoxifen được sử dụng để điều trị ung thư vú đã di căn sang các cơ quan khác của cơ thể)

Các vấn đề khác của tử cung

  • Adenomyosis (một loại bệnh khiến niêm mạc trong tử cung bong ra nhưng không được đẩy hết ra ngoài)
  • Polyp cổ tử cung
  • Polyp nội mạc tử cung
  • U xơ tử cung
  • Polyp tử cung

Âm đạo bị tổn thương

  • Tư thế quan hệ tình dục không phù hợp
  • Sử dụng các vật dụng tác động đến âm đạo

Chảy máu âm đạo có nguy hiểm không?

Nếu không phải ngày “rụng dâu” nhưng bạn vẫn bị chảy máu âm đạo hoặc cho rằng có kinh 2 lần trong 1 tháng thì rất có thể đây là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nguy hiểm, không nên chủ quan.

Trước tiên, cần theo dõi, quan sát lượng máu chảy, màu sắc của máu cũng như thời gian chảy máu, xem việc này có diễn ra liên tiếp hay không. Như vậy, bạn có thể cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ để có thể chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe của bạn.

Song song đó, nên uống thêm viên bổ sung sắt cũng như ăn các loại thức ăn bổ sung sắt để bổ sung lượng máu bị mất khi chảy máu âm đạo.

Chảy máu âm đạo có nguy hiểm không

Khi nào thì nên đến bệnh viện?

Nếu bạn cảm thấy lo lắng về tình trạng bản thân bị chảy máu âm đạo, bạn hoàn toàn có thể theo dõi một vài ngày rồi đến bệnh viện để kiểm tra.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi bị chảy máu âm đạo kèm theo các triệu chứng dưới đây, nên lập tức đến bệnh viện càng sớm càng tốt:

  • Chảy máu khi mang thai
  • Đau ở bụng dưới
  • Sốt
  • Việc chảy máu ngày càng nhiều hơn và không dứt
  • Chảu máu khi bạn đang trong thời kỳ mãn kinh
  • Ngất xỉu
  • Da nhợt nhạt bất thường
  • Chán ăn, sụt cân

Lúc này, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, lấy mẫu niêm mạc tử cung để chẩn đoán, sàng lọc các nguyên nhân gây chảy máu âm đạo.

Việc chảy máu bất thường ở âm đạo có thể là “báo động đỏ” cho thấy tình trạng sức khỏe của bạn đang bất ổn. Vì thế, đừng chủ quan bạn nhé. Bên cạnh đó, nên xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý, ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên để hạn chế các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Hy vọng qua những chia sẻ trong vấn đề chảy máu âm đạo trên đây, bạn sẽ hiểu thêm về một vấn đề sức khỏe sinh sản để có thể chủ động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân. Hãy tiếp tục theo dõi Mẹ và Con để có thể cập nhật những thông tin bổ ích bạn nhé!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.