Mẹ và Con - Mấy hôm nay bé nhà bạn mọc răng. Con bứt rứt, khó chịu, đặc biệt là cứ đến bữa là "khóc thét". Làm thế nào để con bớt quấy và ăn ngoan hơn?. Lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng để chăm sóc bé mọc răng, mẹ nhé!

Mọc răng là một trong những sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển, đánh dấu sự trưởng thành thêm một bậc nữa của trẻ với nhiều biểu hiện khiến bố mẹ lo lắng. Một trong những dấu hiệu đầu tiên giúp bạn nhận biết bé mọc răng chính là vào khoảng tháng thứ 6 (một số trẻ sẽ mọc răng sớm hoặc muộn hơn so với cột mốc này) con có sốt nhẹ, thân nhiệt đo được vào khoảng 37-38 độ C.

Ngoài ra, bé còn có những biểu hiện đi kèm như chảy nước dãi, thích mút tay hay cắn vật cứng. Bên cạnh đó, trẻ có một số dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa nhẹ như tiêu phân hơi lỏng 3-4 lần/ngày.

Khi kiểm tra nướu của con, bạn sẽ thấy chúng cứng hơn hoặc sưng đỏ, sờ vào thấy cộm nhẹ. Khoảng 2-3 ngày sau đó, khi chiếc răng đầu tiên nhú lên, con sẽ bớt sốt, các triệu chứng đi kèm cũng giảm dần rồi biến mất. Lúc này, hãy cứ yên tâm chăm sóc con tại nhà.

bé mọc răng

Tuy nhiên, nếu ngược lại bạn cứ thấy con sốt kéo dài, không “đính kèm” các biểu hiện của việc mọc răng như đã đề cập ở trên, hãy nhanh chóng đưa con đến bác sĩ để kiểm tra nhé.

Chăm sóc bé mọc răng

Trong những ngày răng chưa nhú lên, bé sẽ rất khó chịu, thậm chí là bỏ ăn vì mệt mỏi và đau nướu. Lúc này, bạn cần có sự chuẩn bị chu đáo về dinh dưỡng để chăm sóc bé mọc răng như sau:

Tăng thêm cữ bú

Thông thường, ở giai đoạn 6-12 tháng tuổi, trẻ cần 3-4 cữ sữa/ngày, mỗi cữ vào khoảng 180-240ml và 2-3 bữa ăn dặm/ngày. Tuy nhiên, trong giai đoạn mọc răng, bé sẽ rất mệt mỏi, quấy khóc nên ăn không ngon, không đảm bảo đủ lượng thức ăn cần nạp vào.

bé mọc răng

Những lúc như thế này, bạn nên tăng cường lượng sữa so với ngày thường để giúp bù vào nguồn dinh dưỡng thiếu hụt do bé ăn kém, chứ không nên cố hết sức ép con ăn. Bên cạnh đó, sữa giàu dưỡng chất lại rất dễ tiêu nên có thể giúp tình trạng rối loạn tiêu hóa được cải thiện, bù nước hiệu quả, nhất là khi bé mất nước do tiêu chảy.

Cho trẻ ăn thức ăn mềm

Trong độ tuổi mọc răng, con bạn đã có thể ăn được một số loại trái cây cắt khối để phát triển cơ hàm và tập quen dần với dạng thức ăn dạng mới. Tuy nhiên, khi bé mọc răng, bạn nên tạm dừng quá trình tập ăn này lại. Thay vào đó, bạn nên nghiền hoặc xay nhuyễn thực phẩm để giúp bé đỡ đau khi phải nhai. Đó có thể là các loại trái cây như táo, lê, chuối nghiền với sữa hay rau củ luộc mềm để bé ngon miệng và hấp thu chất xơ, vitamin dễ dàng hơn.

Ưu tiên thức ăn mát

Vào những ngày bứt rứt vì mọc răng, bé yêu của bạn sẽ thích một chút gì đó mát mát để cảm thấy ngon miệng hơn và giúp bé xoa dịu chiếc nướu đang căng tức vì mầm răng bé xinh sắp xuất hiện.

Theo lời khuyên của các chuyên gia về sức khỏe nhi khoa, mẹ nên dùng các loại nước trái cây mát đút cho bé uống bằng thìa. Nếu bé trên 12 tháng tuổi, mẹ có thể cho con uống sữa hơi lạnh một chút để con cảm thấy dễ chịu hơn.

Bên cạnh đó, mẹ có thể dùng một chiếc gặm nướu lạnh có bán tại các siêu thị để cho con thỏa cơn “nghiện” gặm vật cứng và “đánh lạc hướng” bé khỏi những cơn đau.

Thực phẩm giúp bé mọc răng giảm đau nướu

Cà rốt:

Không ai có thể nghi ngờ giá trị dinh dưỡng dồi dào có trong cà rốt. Bởi lẽ, đây là kho chứa beta carotene và carotenoid như alpha carotene, lutein, a-xít hydroxycinnamon, anthocyanins. Cà rốt cũng rất giàu các vitamin C, K, B, kali, mangan, phốt-pho và chất xơ…

Vì thế, cà rốt vừa có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể, vừa giúp kích thích nướu răng, tạo điều kiện cho nước bọt hình thành, giúp giảm vi khuẩn có trong khoang miệng. Hơn nữa, những khối cà rốt luộc chín để hơi mát còn là một cách mát-xa cho nướu răng, mang đến cảm giác khoan khoái, dễ chịu.

Súp lơ xanh:

bé mọc răng

Theo một nghiên cứu của tạp chí Nha khoa châu Âu, súp lơ xanh giàu chất đạm, canxi, carbonhydrate, vitamin, chất xơ giúp làm sạch khoang miệng. Đặc biệt, bí quyết giúp súp lơ có thể hỗ trợ bé yêu hiệu quả khi mọc răng chính là nhờ nguồn chất sắt dồi dào, có khả năng chống lại các a-xít trong miệng, hình thành lớp màng bảo vệ bên ngoài, ngăn không cho thực phẩm bám vào, giúp làm giảm tình trạng viêm nướu.

Chuối:

Một ít lát chuối chín mát lạnh khi mọc răng không chỉ giúp cung cấp năng lượng cho bé yêu nhờ các loại đường thiên nhiên là sucrose, fructose và glucose mà còn mang đến cảm giác dễ chịu, giảm sưng, giảm đau. Đặc biệt, cảm giác mát rượi của lát chuối còn mang đến cho bé mọc răng sự sảng khoái giữa những cơn đau đang hoành hành.

Bơ:

Quả bơ là kho dưỡng chất dồi dào với khoảng 20 loại vitamin và khoáng chất như A, C, D, E, K, a-xít béo Omega 3, Kali, canxi… Ngoài ra, trong quả bơ còn chứa phân tử chống viêm Polyhydroxylated Fatty Alcohols (PFAs) và rất nhiều chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng rất hiệu quả. Nhờ đó, một vài lát bơ để mát khi bé mọc răng có thể mang đến cho con cảm giác dễ chịu hơn rất nhiều.

Đậu lăng:

Từ thời Hy Lạp cổ đại, con người đã biết dùng đậu lăng như một thực phẩm bổ dưỡng, không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Đậu lăng rất giàu chất xơ, a-xít folic, magiê, vitamin B, C, sắt và carbonhydrat phức thấp. Vì thế, đây chính là nguồn bổ sung năng lượng, giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể, tăng cường trao đổi chất.

Khi bé bị đau răng, mẹ có thể dùng đậu lăng nấu chín để giúp xoa dịu cơn đau nướu và hỗ trợ mầm răng nhanh mọc lên.

Dưa chuột:

bé mọc răng

Nhờ đặc tính kháng viêm, dưa chuột trở thành một trong những “dũng sĩ” trong việc chống lại các cơn đau răng. Vì thế, khi thấy bé mọc răng quấy khóc, khó chịu vì mọc răng, mẹ có thể ép lấy nước cho con uống hoặc thái mỏng dưa chuột đã được cất trong tủ lạnh, đặt vào chỗ nướu đang sưng đỏ để giảm đau.

Những lưu ý khi bé mọc răng

– Khi mọc răng, cơ thể bé yêu cần nhiều canxi để hỗ trợ cho sự phát triển của răng. Vì thế, mẹ nên tăng cường khoáng chất này trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày như bổ sung sữa, sữa chua, phô mai….

– Nếu bé bị sốt hay tiêu chảy sẽ dễ bị mất nước, mẹ nên tăng cường sữa mẹ và nước. Đồng thời, đừng quên dùng tăm bông sạch thấm ướt môi để bé cảm thấy dễ chịu hơn.

– Chú ý vệ sinh răng miệng thật kỹ lưỡng: cho bé tráng miệng bằng nước lọc sau khi ăn, lau sạch nước miếng chảy ra. Dùng gạc mềm thấm nước ấm nhẹ nhàng lau và mát-xa nướu cho bé, đặc biệt là sau khi bé ăn hay uống sữa.

– Kiểm tra các vật dụng bé có thể tiếp xúc, tránh đồ đạc có hình khối sắc nhọn, quá cứng kẻo làm tổn thương nướu khi bé gặm.

Vậy là mẹ đã biết chăm sóc bé mọc răng rồi, đúng không nào? Chúc bé yêu của ba mẹ khỏe mạnh chào đón những chiếc răng xinh xuất hiện nhé! 

Bài viết liên quan