Cyberbullying là tình trạng bị bắt nạt thông qua các thiết bị công nghệ và Internet. Đó có thể là những hành vi tấn công đến sức khỏe thể chất nhưng cũng có thể làm tổn hại sức khỏe tinh thần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý. Với thời buổi công nghệ 4.0 như hiện tại, việc bảo vệ trẻ tránh khỏi nguy cơ bị bắt nạt qua mạng cũng như hướng dẫn con xử trí đúng khi bị bắt nạt là vô cùng quan trọng.
Cyberbullying (bắt nạt qua mạng) là gì?
Cyberbullying hay còn được gọi là bắt nạt qua mạng, là một thuật ngữ dùng để chỉ việc ai đó sử dụng công nghệ để quấy rối, đe doạ, làm xấu hổ hoặc nhắm mục tiêu tấn công vào người khác. Việc này có thể xảy ra trên các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng, trên các trang game online,…. Việc bắt nạt qua mạng có thể làm tổn thương nạn nhân và trong một số trường hợp còn vi phạm pháp luật.
Chúng ta có thể bắt gặp việc bắt nạt qua mạng ở khắp mọi nơi, chẳng hạn như việc một người bình luận công kích vào bài đăng trên trang cá nhân của người khác, việc lan truyền video “nhạy cảm” của người khác, việc gửi tin nhắn quấy rối,…
Một thống kê cho thấy, khoảng 37% thanh niên trong độ tuổi từ 12 đến 17 từng bị bắt nạt qua mạng. 30% đã bị bắt nạt nhiều hơn một lần.
Các dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị bắt nạt qua mạng
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ không muốn chia sẻ với bố mẹ, thầy cô khi bị bắt nạt qua mạng. Con có thể sợ bị trách phạt, sợ nhiều người biết đến sẽ xấu hổ hay đơn giản là sợ bị bố mẹ tịch thu thiết bị điện tử. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn có thể chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ để biết con có đang bị bắt nạt hay không.
Thông thường, trẻ bị bắt nạt qua mạng sẽ có một số dấu hiệu như:
- Cảm thấy khó chịu trong hoặc sau khi sử dụng Internet hoặc điện thoại
- Luôn giữ bí mật các vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến kỹ thuật số
- Dành nhiều thời gian hơn bình thường để trong phòng
- Thiếu quan tâm đến các thành viên trong gia đình, bạn bè
- Không hào hứng hoặc không tham gia các hoạt động
- Tránh né, sợ đến trường
- Sợ tham gia các buổi tụ tập nhóm
- Thay đổi tâm trạng, hành vi, giấc ngủ hoặc cảm giác thèm ăn
- Đột nhiên muốn ngừng sử dụng mạng xã hội, máy tính hoặc thiết bị điện tử
- Lo lắng hoặc hồi hộp khi nhận được một tin nhắn, văn bản hoặc email
- Tránh các cuộc thảo luận về các hoạt động trên máy tính hoặc điện thoại
Cần làm gì nếu trẻ bị bắt nạt qua mạng?
Không giống như việc bạo lực học đường hay bắt nạt trực tiếp, với hình thức đe dọa và bắt nạt qua mạng, đôi khi chúng ta sẽ không thể biết được “thủ phạm” đứng phía sau là ai. Việc bắt nạt qua mạng cũng có thể kéo dài liên tục, đe dọa tinh thần của trẻ và gây nên những sang chấn nặng nề về mặt tâm lý. Nếu phát hiện con đang bị bắt nạt, bố mẹ có thể:
Nói với con đó không phải lỗi của con
Trẻ không dám đề cập đến việc con đang bị bắt nạt qua mạng bởi sợ sẽ bị bố mẹ, người lớn khiển trách. Hiện nay, chúng ta vẫn còn tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân khá nhiều. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, chẳng ai thích mình bị bắt nạt cả và chẳng ai có thể chủ động được trong việc mình bị bắt nạt.
Do đó, bố mẹ cần hiểu rằng việc con bị bắt nạt qua mạng không phải lỗi của con. Không phải do con sử dụng điện thoại quá nhiều, con hay chơi game, con hay dùng mạng xã hội,… Khi hiểu được điều này, hãy chia sẻ cho con biết để con có thể yên tâm hơn, không cần lo lắng việc bị trách mắng chỉ bởi vì bản thân mình bị bắt nạt.
Cho con biết bố mẹ luôn ở cạnh con
Khi bị bắt nạt qua mạng, trẻ sẽ phát sinh tâm lý rụt rè, sợ hãi với tất cả mọi thứ. Vì thế, điều mà bạn cần làm chính là cho con biết, bạn vẫn luôn ở đây bên cạnh con để con có thể yên tâm. Sự đồng hành của bố mẹ chính là “liều thuốc an thần” hiệu quả nhất giúp con vượt qua mọi khó khăn mà con đang phải đối mặt.
Ngoài ra, bạn có thể khen ngợi con vì con đã chia sẻ với bố mẹ việc mình bị bắt nạt qua mạng. Đây là một hành động đúng và bố mẹ khuyến khích con hãy chia sẻ với bố mẹ nhiều hơn.
Trao đổi với con về nguyên nhân
Liệu con có vô tình lộ thông tin nào nhạy cảm để bị đe dọa hay liệu con có vô tình cãi nhau với ai trên mạng xã hội để bị bắt nạt hay không? Bạn có thể nhẹ nhàng trò chuyện cùng con để tìm ra nguyên nhân và cách xử lý phù hợp.
Đừng cố gắng tra khảo con mà hãy nhẹ nhàng hỏi. Nếu con chưa sẵn sàng chia sẻ, bạn có thể hẹn một buổi khác thay vì miễn cưỡng con phải nói ra ngay lập tức.
Thông báo với nhà trường
Khi việc bắt nạt qua mạng được diễn ra bởi chính bạn bè cùng lớp, cùng trường của trẻ, điều bố mẹ cần làm giúp con chính là trao đổi trực tiếp với thầy cô, ban giám hiệu nhà trường về vấn đề này.
Vì bố mẹ không thể ở cạnh con trong suốt thời gian con đi học nên việc trao đổi với thầy cô sẽ giúp thầy cô để ý hơn đến trẻ, bảo vệ con tốt hơn. Ngoài ra, nhà trường cũng có thể có những hình thức can thiệp thích đáng với những học sinh đang bắt nạt bạn bè của mình. Và biết đâu, việc lên tiếng không chỉ bảo vệ được con bạn mà còn có thể giúp những bạn học khác của con cũng đang bị bắt nạt qua mạng.
Tuy nhiên, cũng cần trao đổi với con và đảm bảo con thật sự thoải mái trước khi chia sẻ câu chuyện với bất kỳ ai, kể cả đó là thầy cô của con.
Thu thập bằng chứng
Hãy lưu lại tất cả bằng chứng về việc con bị bắt nạt qua mạng, từ tin nhắn đến hình ảnh, video clip, chụp lại ảnh con bị bình luận xấu trên mạng xã hội,… Điều này có thể giúp bạn dễ làm việc với các bên liên quan trong trường hợp đối tượng bắt nạt con vẫn không chịu dừng lại.
Giám sát việc sử dụng thiết bị điện tử của con
Bạn không cần phải cấm trẻ sử dụng thiết bị điện tử nhưng hãy giám sát các thiết bị mà con đang sử dụng. Cần biết được con đang trò chuyện với ai, quản lý trẻ sử dụng mạng xã hội, biết trẻ đang làm gì,… để bảo vệ con an toàn khỏi tình trạng bạo lực qua mạng đang gia tăng.
Xem thêm: 5 cách quản lý trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn
Hướng dẫn con chặn kẻ bắt nạt
Hãy chỉ cho trẻ cách chặn nhận số điện thoại lạ trên điện thoại hoặc chặn những tài khoản đang công kích con trên mạng xã hội để con không phải nghe những lời cay nghiệt mà người khác dành cho con nữa.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cho phép con đổi số điện thoại để ngăn cản những kẻ bắt nạt tấn công con thông qua cuộc gọi, tin nhắn.
Đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý
Bị bạo lực qua mạng có thể là cú sốc tinh thần lớn với trẻ và gây nên những tổn thương về mặt tâm lý, dẫn đến các bệnh tâm lý thần kinh. Do đó, có thể đưa trẻ đến gặp các chuyên gia tâm lý để tìm được cách điều trị phù hợp.
Bắt nạt qua mạng – tình trạng đang ngày một gia tăng và có thể xem là hệ lụy khi công nghệ phát triển. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào hoàn toàn tách khỏi công nghệ. Vì thế, hãy bảo vệ con thật tốt để con có môi trường không gian mạng thật an toàn bạn nhé!