Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vấn đề tiền bạc là nguyên nhân thứ ba trong tất cả các vụ ly hôn và nguyên nhân này chiếm đến hơn 20% tổng số các vụ ly hôn.
Chuyện vợ chồng cãi nhau vì tiền cũng rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Vậy làm sao để chúng ta có thể đối mặt với căng thẳng tài chính trong hôn nhân mà không khiến cho tình cảm vợ chồng rạn nứt, đổ vỡ?
Hôn nhân và tài chính gắn liền với nhau
Tiền bạc thường có thể gây ra hàng loạt bất đồng và xung đột trong hôn nhân giữa hai vợ chồng. Có rất nhiều câu chuyện xoay quanh vấn đề tài chính như chi tiêu gia đình sao cho hợp lý, tiền lương của chồng có nên đưa hết cho vợ hay không, sự khó khăn trong tài chính gây tâm lý căng thẳng cho hai vợ chồng,… Đây là những vấn đề mà hầu như cặp đôi nào cũng gặp phải khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
Đừng để vấn đề tiền bạc, những căng thẳng tài chính trong hôn nhân phá hỏng mối quan hệ của bạn với người bạn đời của mình. Thay vào đó, cả hai có thể trao đổi và chia sẻ với nhau, đặt ra những nguyên tắc, xây dựng và thực hiện kế hoạch để ổn định tài chính và tránh việc tiền bạc khiến vợ chồng mâu thuẫn.
Đối mặt và giải quyết căng thẳng tài chính trong hôn nhân
Nói chuyện cởi mở với nhau về vấn đề mà cả hai đang gặp phải
Nói chuyện với nhau một cách trung thực và cởi mở chính là giải pháp cho bất kỳ vấn đề nào mà bạn gặp phải, không chỉ riêng việc căng thẳng tài chính. Đừng giữ bất kỳ bí mật nào nếu bạn muốn thoát khỏi những áp lực về mặt tiền bạc.
Bạn đang gặp khó khăn khi công ty chậm lương? Chi tiêu trong gia đình đang vượt quá số tiền mà chồng đưa cho bạn hằng tháng? Bạn muốn tiết kiệm nhiều hơn để có kế hoạch mua nhà? Hãy trao đổi những điều này với người bạn đời của bạn và cho người ấy biết những vấn đề mà bạn đang gặp phải, suy nghĩ của bạn như thế nào,… để cả hai có thể cùng nhau thảo luận và tìm ra hướng giải quyết cho tình trạng căng thẳng tài chính này.
Đặt ra thứ tự ưu tiên
Một lần nữa, bạn cần nhớ rằng, trong hôn nhân có rất nhiều vấn đề mà bạn phải giải quyết, trong đó bao gồm cả vấn đề chi tiêu của hai vợ chồng. Sẽ có một danh sách với hàng tá những hạng mục cần chi tiêu như tiền điện, tiền nước, tiền gửi cho bố mẹ hai gia đình, tiền mua sắm,…
Để tránh những căng thẳng tài chính, cả hai nên ngồi lại với nhau và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những thứ cần chi tiêu này. Hai vợ chồng phải cùng đồng ý với nhau về danh sách ưu tiên mà bạn và người ấy đã lập cùng nhau và sau đó tuân theo danh sách để đảm bảo tránh rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền bạc không nên có.
Ngừng giữ bí mật
Căng thẳng tài chính và bất kỳ vấn đề tài chính nào không bao giờ có thể được giải quyết một mình. Hãy trung thực chia sẻ điều này với người bạn đời của bạn. Điều này thể hiện bạn thật sự tôn trọng người ấy, tránh gây những hiểu lầm không đáng có dẫn đến vợ chồng cãi nhau.
Chia sẻ hết những bí mật chính là chìa khóa để các cặp đôi giải quyết tình trạng khủng hoảng, không chỉ trong tài chính mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.
Không đổ lỗi
Bạn có thể gặp áp lực khi là trụ cột tài chính trong gia đình. Hoặc một biến cố bất ngờ xảy ra với người ấy, chẳng hạn như bị tai nạn giao thông và cần tốn nhiều chi phí cho việc điều trị khiến tài chính xuống dốc và làm bạn trở nên căng thẳng hơn.
Tuy nhiên, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa cũng hãy học cách không đổ lỗi cho người bạn đời của mình bởi điều này sẽ gây tổn thương đến họ và khiến chuyện căng thẳng tài chính trở nên nghiêm trọng hơn. Đổ lỗi hay chỉ trích sẽ chỉ khiến tình hình tệ thêm và không giải quyết được bất cứ vấn đề gì.
Xem thêm:
- Vợ chồng độc lập tài chính: Tiền ai nấy xài, có phải ý hay?
- Vợ chồng nên nói gì về nợ nần khi kết hôn?
Học cách thỏa hiệp
Trong hôn nhân, có khả năng sẽ luôn có một người chi tiêu và một người tiết kiệm, dẫn đến căng thẳng tài chính không thể tránh khỏi. Hãy học cách thỏa hiệp, đặt ra những quy định cho cả hai để tránh tình trạng căng thẳng tài chính đè nặng lên cuộc hôn nhân của hai người.
Đừng ngại nhận sự giúp đỡ
Gánh nặng do căng thẳng tài chính có thể là một gánh nặng to lớn đối với bất kỳ cuộc hôn nhân nào và việc chấp nhận sự giúp đỡ có thể khó khăn đối với nhiều cặp vợ chồng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn phải thừa nhận rằng mình thật sự cần giúp đỡ.
Nếu có thể, hãy cân nhắc đến việc nhận trợ giúp từ gia đình hoặc bạn bè thân thiết trong một khoảng thời gian nào đó để vượt qua khó khăn hiện tại bạn nhé.
Lập ra kế hoạch chi tiêu
Những cặp đôi không có kế hoạch chi tiêu thường dễ rơi vào tình trạng căng thẳng tài chính do “vung tay quá trán”. Vì thế, tốt nhất bạn nên có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, thống kê lại những khoản mình đã tiêu xài trong tháng và có kế hoạch cắt giảm, thay đổi để không rơi vào khủng hoảng tài chính.
Xem thêm:
- 6 dấu hiệu hôn nhân không hạnh phúc thường gặp ở nhiều gia đình
- Chị em cẩn thận với 7 dấu hiệu chồng chán vợ “báo động đỏ” này!
Căng thẳng tài chính rất dễ dẫn đến vợ chồng cãi nhau và trở thành mồi lửa khiến hôn nhân tan vỡ. Hy vọng những chia sẻ từ Tạp chí Mẹ và Con sẽ giúp bạn tìm ra hướng giải quyết cho cuộc hôn nhân của mình. Đừng quên theo dõi và cập nhật những thông tin mới, bổ ích nhất từ Mẹ và Con bạn nhé!