Điều đó có nghĩa là nếu không có kế hoạch bảo vệ trái tim phù hợp, bạn rất dễ biến mình thành một “con bệnh” của khoa tim mạch. Và việc này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh mạng của bạn mà tệ hơn nữa, nó còn ảnh hưởng đến cả bé yêu.
Tại sao trái tim dễ quá tải trong thai kỳ?
Khoảng 1 – 2% phụ nữ mang thai có bệnh tim, nhưng tỷ lệ này đang ngày càng tăng, do những tiến bộ y khoa cho phép nhiều phụ nữ bệnh tim nhẹ được mang thai hơn (trong khi trước đây, nếu mắc bệnh tim, người phụ nữ có thể phải từ giã luôn ước mơ làm mẹ).
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân đầu tiên, dễ thấy nhất là bất kỳ bà bầu nào cũng phải chịu những cơn stress, những áp lực lo lắng dù ít dù nhiều trong 9 tháng thai kỳ. Mới có thai thì lo thai ngoài tử cung, rồi phập phồng chờ đến lúc có tim thai, hồi hộp theo từng kết quả siêu âm độ mờ da gáy cũng như các khuyết tật thai nhi, v.v.. Rồi thì tăng cân cũng lo, giảm cân cũng lo. Lo khi con bỗng dưng máy ít hơn mọi ngày. Lo khi sáng sớm vào nhà vệ sinh bỗng thấy có chút máu hồng hồng, v.v..
Chỉ những ai đã trải qua 9 tháng thai kỳ mới hiểu rằng việc mang thai và làm mẹ là một công việc vĩ đại đến nhường nào. Tuy nhiên, việc căng thẳng, lo lắng, chịu stress thường xuyên đó dường như là một sự quá tải với trái tim. Việc này khiến không ít người ban đầu chỉ bị bệnh tim nhẹ, nhưng đến khi mang thai thì lại trở nặng, gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Vì vậy, lời khuyên đầu tiên cho bạn là cần hiểu rõ tình trạng tim mạch của mình từ trước lúc mang thai. Nếu có nguy cơ gì đó dù rất nhỏ, cần trao đổi với bác sĩ, tiên lượng những việc có thể xảy ra. Ngoài ra, trong suốt quá trình mang thai, bạn phải được theo dõi thường xuyên và cẩn thận.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng bệnh tim mạch dễ trở nặng hơn khi mang thai là vì cơ thể thai phụ sẽ có những thay đổi đáng kể. Ví dụ như tăng nhu cầu oxy, tăng cân, cơ thể dễ bị phù nề, tích tụ nước và muối, cơ thể có những biến đổi huyết động học, v.v.. Những tình trạng này rất dễ đưa đến tình trạng suy tim, mất bù (không đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể), gây ra những nguy hiểm nghiêm trọng cho thai phụ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân bác sĩ luôn khuyến cáo thai phụ mang thai ở độ tuổi cơ thể và quả tim sung mãn nhất: từ 25 – 30 tuổi.
Những triệu chứng về tim mạch trong lúc mang thai thường rất dễ phát hiện. Ví dụ như có tiếng thổi ở tim, tim lớn, rối loạn nhịp tim, người xanh tím, mạch đập bất thường. Khi bệnh tiến triển, thai phụ sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng bị phù, thở khó, hồi hộp, mệt vã mồ hôi, v.v.. Bác sĩ khi có nghi ngờ thai phụ gặp vấn đề về tim mạch sẽ có thể cho bạn thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu như làm điện tâm đồ, siêu âm tim, v.v..
Làm gì để bảo vệ thai nhi và bảo vệ chính mình?
Sẽ chẳng dễ chịu chút nào nếu như đang giữa thai kỳ, bác sĩ lại báo cho bạn biết rằng bạn có vấn đề về tim mạch. Chuyện này có thể xảy ra với bất kỳ ai, kể cả những người ban đầu, trước khi mang thai luôn cảm thấy mình khỏe mạnh, chẳng có vấn đề gì về tim cả. Tuy nhiên, bạn không cần quá hoảng hốt. Thay vào đó, hãy hợp tác tốt nhất với bác sĩ để có thể bảo vệ chính mình cũng như thai nhi trong bụng.
Việc đầu tiên bạn có thể làm là nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Bạn nên xin phép nghỉ sớm nếu như có đi làm. Không được gắng sức với bất kỳ chuyện gì nữa. Ví dụ như công việc nhà, hãy nhờ đến người thân giúp đỡ. Bạn kẹt một chương trình học nào đó sắp hoàn tất, hãy xin phép để bảo lưu và dời lại sau này. Bạn cần biết rằng sự nghỉ ngơi lúc này có giá trị rất quan trọng, để chống lại những biến chứng và hạn chế tối đa tiến triển của bệnh. Giảm stress cho mình ở mức tối đa. Thư giãn, nghe nhạc, nói chuyện với những người lạc quan để chia sẻ và nhận được những lời khuyên tích cực.
Nếu tình trạng rối loạn tim mạch khá nặng, bạn cần thiết phải nhập viện để được theo dõi chặt chẽ. Trong một số trường hợp, bạn sẽ phải điều trị bằng thuốc. Bác sĩ sẽ cố gắng chọn lựa cho bạn những loại thuốc có độ an toàn cao nhất với thai nhi, và sẽ dùng ở liều lượng thấp nhất nhằm giảm tối đa ảnh hưởng có hại cho bé yêu đang còn trong bụng. Bạn hãy tuân thủ tuyệt đối các chỉ định dùng thuốc này.
Ngoài ra, nếu mắc bệnh tim mạch, bạn cần chuẩn bị tinh thần vì đa số trường hợp sẽ phải sinh mổ, hỗ trợ thai ra nhằm tránh cho bạn gắng sức quá nhiều gây tăng nặng bệnh tim. Trong một số trường hợp quá cấp thiết, bác sĩ buộc phải chỉ định mổ bắt con hoặc đình chỉ thai kỳ. Ngay cả sau khi bé chào đời, bạn cũng cần phải ở lại bệnh viện lâu hơn những sản phụ khác, để theo dõi và có chế độ chăm sóc đặc biệt nhằm tránh các biến chứng suy tuần hoàn, gây tử vong cho mẹ sau khi sinh.
Một số trường hợp sản phụ có vấn đề nặng về tim mạch, bác sĩ sẽ đề nghị bạn cho trẻ bú sữa ngoài thay sữa mẹ. Vì việc cho con bú có thể khiến tình trạng bệnh của người mẹ nặng thêm.