Cảm lạnh là vấn đề sức khỏe rất thường gặp ở trẻ nhỏ, mang theo những cơn mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi khiến con khó chịu. Trung bình mỗi năm, trẻ có thể bị cảm lạnh đến 6 – 8 lần. Vì vậy, việc hiểu rõ cách trị cảm lạnh tại nhà cho trẻ sẽ giúp con vượt qua những cơn cảm lạnh an toàn, nhẹ nhàng chính là cách để ba mẹ đồng hành cùng con lớn khôn khỏe mạnh mỗi ngày.
Vì sao trẻ dễ bị cảm lạnh?
Cảm lạnh ở trẻ nhỏ thường do virus gây ra, phổ biến nhất là rhinovirus. Virus dễ dàng lây lan khi con tiếp xúc gần người bệnh, hít phải giọt bắn từ ho, hắt hơi hay chạm tay vào đồ vật có dính virus rồi vô tình đưa lên mắt, mũi, miệng.
Vì hệ miễn dịch của con còn non nớt nên con dễ bị cảm lạnh hơn người lớn, nhất là khi đi học, sống trong môi trường ô nhiễm hay những ngày thời tiết chuyển mùa. Hiểu rõ những điều này, ba mẹ sẽ thêm yên tâm và vững tin khi đồng hành cùng con trong hành trình khôn lớn.
Cách trị cảm lạnh tại nhà cho trẻ hiệu quả
Những cơn cảm lạnh không chỉ làm con mệt mỏi, chán ăn, kém vui mà còn khiến ba mẹ không khỏi lo lắng, xót xa. Dù đây là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Những cách trị cảm lạnh tại nhà cho bé chủ yếu tập trung làm dịu triệu chứng, giúp con cảm thấy dễ chịu hơn.
Vì cảm lạnh do virus gây ra nên kháng sinh không có tác dụng, trừ khi con gặp biến chứng nhiễm khuẩn. Để con mau khỏe, ba mẹ có thể áp dụng những cách trị cảm lạnh tại nhà cho trẻ dưới đây:
Cho con nghỉ ngơi thật thoải mái
Những cơn cảm lạnh khiến con uể oải, mệt mỏi và khó chịu hơn bình thường. Những lúc này, mẹ hãy để con được nghỉ ngơi nhiều hơn, tạm gác lại chuyện học hành hay những buổi vui chơi ở trường để con có thời gian hồi phục. Cho con nghỉ ngơi là cách trị cảm lạnh tại nhà hiệu quả, đồng thời hạn chế lây bệnh cho các bạn xung quanh.
Xoa dịu cơn sốt, giúp con dễ chịu hơn
Cảm lạnh có thể khiến con hơi sốt, nhưng phần lớn chỉ là những cơn sốt nhẹ. Mẹ có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách cho con nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo thoải mái, thấm hút tốt, lau người bằng khăn ấm để con dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nếu cơn sốt kéo dài hoặc tăng cao, mẹ đừng ngần ngại đưa con đến bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn dùng thuốc phù hợp.
Nếu con bị ho hay đau họng, mẹ có thể cho con nhấp chút mật ong ấm, thêm vài giọt chanh hoặc bạc hà để con dễ chịu hơn. Tuy nhiên, với các bé dưới 2 tuổi, mẹ lưu ý không dùng mật ong nhé.
Cách trị cảm lạnh tại nhà: Cho trẻ uống nhiều nước
Khi bị cảm lạnh, cơ thể con dễ mất nước hơn bình thường. Cách trị cảm lạnh tại nhà hiệu quả là hãy chú ý nhắc con uống nhiều nước, có thể là nước ấm, nước trái cây hoặc các món súp, cháo loãng dễ ăn. Nếu con còn đang bú mẹ, mẹ có thể cho con bú nhiều hơn để vừa bổ sung nước, vừa tăng cường sức đề kháng cho con.
Vệ sinh mũi nhẹ nhàng cho con
Mẹ đừng quên làm sạch mũi cho con mỗi ngày để con bớt nghẹt mũi, dễ thở và nhanh khỏi bệnh hơn. Không cần dùng thuốc xịt mũi, mẹ chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý và dùng dụng cụ hút mũi nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào mũi con, đợi khoảng 5 phút.
- Dùng dụng cụ hút mũi để làm sạch dịch mũi.
- Thực hiện nhẹ nhàng ở cả hai bên, giúp mũi con thông thoáng hơn.
Để con ngủ thật ngon, thật đủ giấc
Giấc ngủ luôn là liều thuốc tự nhiên giúp con khỏe mạnh và mau lành bệnh. Mẹ hãy tạo không gian yên tĩnh, thoải mái để con ngủ sâu giấc, đủ từ 8 – 12 tiếng mỗi ngày tùy độ tuổi.
Khi con ngủ ngon, cơ thể sẽ có thêm năng lượng để chống lại những cơn cảm lạnh khó chịu. Đây cũng là cách trị cảm lạnh tại nhà đơn giản nhưng rất tốt cho sự phục hồi của các thiên thần nhỏ đấy!
Khi nào nên đưa trẻ đi khám?
Cảm lạnh ở trẻ nhỏ tuy là bệnh thường gặp, nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách và theo dõi sát sao, bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những cơn cảm lạnh tưởng chừng vô hại đôi khi lại có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng tai, viêm họng, viêm xoang hay thậm chí viêm phổi.
Vì vậy, bên cạnh áp dụng những cách trị cảm lạnh tại nhà, ba mẹ cũng cần chú ý quan sát kỹ những dấu hiệu bất thường của con, để kịp thời đưa con đi khám khi cần thiết. Đặc biệt, nếu con còn quá nhỏ hoặc những triệu chứng cảm lạnh trở nên nghiêm trọng, ba mẹ tuyệt đối không nên chủ quan. Hãy đưa con đến cơ sở y tế ngay khi con có những biểu hiện sau:
- Con dưới 3 tháng tuổi và có dấu hiệu cảm lạnh. Với những bé sơ sinh, hệ miễn dịch còn quá non nớt, nên mọi dấu hiệu bất thường đều cần được bác sĩ thăm khám cẩn thận.
- Trẻ sốt cao hoặc cơn sốt kéo dài không dứt, dù đã áp dụng nhiều biện pháp hạ sốt.
- Các triệu chứng như bị nghẹt mũi khó chịu, ho, sổ mũi… không có dấu hiệu thuyên giảm sau nhiều ngày chăm sóc.
- Cảm lạnh kéo dài hơn 10 ngày hoặc ngày càng nặng hơn.
- Con ho nhiều kèm theo đờm đặc, có màu vàng, nâu hoặc xanh lá cây. Đây có thể là dấu hiệu bội nhiễm.
- Con có biểu hiện đau tai, quấy khóc, khó chịu — nghi ngờ nhiễm trùng tai.
- Con nôn mửa liên tục, không thể ăn uống bình thường.
- Hơi thở của con nhanh, gấp gáp, có dấu hiệu khó thở.
- Con có biểu hiện mất nước như môi khô, mắt trũng, tiểu ít, lười uống nước hay không chịu bú.
Trên đây là những cách trị cảm lạnh tại nhà hiệu quả được nhiều ba mẹ áp dụng. Tạp chí Mẹ và Con hy vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp ba mẹ yên tâm hơn khi chăm con ốm tại nhà. Đừng quên theo dõi sát sao tình trạng của con và đưa con đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường. Ba mẹ cũng lưu ý, chỉ dùng thuốc cho con khi có chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bé yêu nhé!