Bạn biết gì về vi rút Zika?
Bé gái 4 tháng tuổi ở Đắk Lắk là ca mắc hội chứng đầu nhỏ do vi rút Zika đầu tiên tại Việt Nam.
Vi rút Zika lây bệnh truyền nhiễm cấp tính từ người bệnh sang người lành qua muỗi Aedes và có thể gây thành dịch. Khi nhiễm vi rút Zika, người bệnh thường có các biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau cơ, đau khớp và đau đầu.
Người bệnh nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, uống đủ nước, sử dụng paracetamol để hạ sốt và giảm đau.
Ở trẻ nhỏ có mẹ nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu sẽ có biểu hiện đầu nhỏ. Trẻ bị chứng đầu nhỏ thường chậm phát triển về trí tuệ, thể chất và biến dạng khuôn mặt…
Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ mắc nhiễm vi rút Zika, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được khám, theo dõi và điều trị.
Cách phòng bệnh
Làm sạch các dụng cụ chứa nước ít nhất mỗi tuần một lần. (Ảnh minh họa)
Nguồn lây nhiễm chủ yếu của vi rút Zika chính là muỗi. Để phòng ngừa và kiểm soát bệnh lây lan, việc đầu tiên bạn cần làm chính là diệt bọ gậy, diệt muỗi… Ngoài ra, bạn nên:
– Mắc mùng (màn) cẩn thận khi ngủ, kể cả ban ngày. Làm thêm màng chắn muỗi ở cửa sổ.
– Mặc quần áo sáng màu, dài tay hoặc có thể bôi thuốc xua muỗi lên da.
– Tích cực phối hợp cùng ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
– Đậy kín các dụng cụ chứa nước. Thay nước, vệ sinh bên trong dụng cụ chứa nước ít nhất mỗi tuần 1 lần.
– Phụ nữ mang thai hoặc có ý định mang thai không nên đến các quốc gia đang có dịch khi không cần thiết.
– Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm hoặc nghi lây nhiễm vi rút Zika.
– Khi đi du lịch ở các nước thuộc khu vực Châu Phi, Châu Mỹ… bạn cần có các biện pháp phòng chống lây nhiễm vi rút Zika theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
– Sau khi về từ các khu vực có dịch cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm phát hiện sớm yếu tố lây nhiễm.