Cách nấu bánh đa cua tại nhà rất đơn giản, bí quyết nằm ở khâu chọn được nguyên liệu tươi ngon để nước dùng ngọt nước và phần cua thanh ngọt tự nhiên. Cùng Mẹ và Con học ngay công thức nấu bánh đa cua thơm ngon qua bài viết dưới đây nhé!
Cách nấu bánh đa cua Hải Phòng
- Dụng cụ: Muỗng, đũa, giấy thấm dầu, nồi, chảo, rây lọc…
- Thời gian chế biến: Khoảng 60 – 70 phút
- Giá thành: Khoảng 300.000 đồng
- Độ khó: Trung bình
Nguyên liệu làm bánh đa cua
- 400gr Bánh đa đỏ
- 400gr Cua đồng xay
- 300gr Sườn
- 150gr Thịt lợn xay
- 100gr Chả cá – mỡ phần – tôm khô
- Rau muống
- 6 quả Cà chua
- Rau sống
- 20gr mộc nhĩ
- 10gr Lá lốt
- 10gr Hành khô (bạn có thể tham khảo cách làm hành tỏi phi tại đây)
- 10gr Hành lá – mùi tàu
- Chanh
- Các loại gia vị nêm nếm thông thường (đường, muối, nước mắm, bột ngọt…
Cách nấu bánh đa cua
Bước 1: Sơ chế cua và thịt sườn
- Sườn sau khi mua về các bạn đem rửa sạch rồi cho vào nồi nước đang sôi, trụng khoảng 2 phút để sườn sạch các bọt bẩn. Rửa sạch với nước
- Tiếp đến các bạn cho phần sườn vào nồi rồi đổ ngập nước, sau đó bạn nấu lửa nhỏ trong khoảng 30 – 40 phút cho sườn ra nước ngọt (bạn có thể dùng nồi áp suất để sườn mềm hơn)
- *Bí quyết của cách nấu bánh đa cua thơm ngon là các bạn có thể thả thêm vài củ hành khô (đã nướng) để nước dùng thơm ngon hơn
- Các bạn hòa tan phần cua xay cùng với nước sạch, sau đó bạn dùng tay khuấy đều rồi bóp nhẹ cho phần thịt cua hòa đều. Sau đó bạn đặt phần ray lên nồi, rồi đổ hỗn hợp cua xay và nước qua rây. Lúc này phần vỏ và xương cua sẽ được giữ lại
- Bạn dùng tay bóp phần vỏ này đến khi hết nước rồi đổ lại vào nước sạch. Bạn lặp lại bước bóp và lọc cua qua rây thêm 1 – 2 lần đến khi hết sạch thịt cua. Lúc này các bạn sẽ thu được phần nước lọc cua trong nồi
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
- Sơ chế những nguyên liệu khác đúng cách cũng là bí quyết giúp cách nấu bánh đa cua đơn giản thêm phần thơm ngon.
- Đối với phần mỡ các bạn đem rửa sạch rồi để ráo nước, thái thành các hạt lựu nhỏ
- Tôm khô các bạn đem ngâm cùng với nước ấm cho nở mềm, rồi vớt ra rửa sạch
- Mộc nhĩ (nấm mèo) các bạn đem ngâm cùng nước ấm trong khoảng 10 – 15 phút cho nở mềm rồi vớt ra rửa sạch. Cắt bỏ chân (vì chân nấm mèo chứa nhiều cát và bị cứng), thái thành sợi nhỏ
- Lá lốt do chế biến nguyên lá nên bạn hãy rửa sạch từng lá. Giữ lại những lá to, nguyên vẹn. Các lá nhỏ (lá non) hay lá rách bạn thái nhỏ để trộn cùng thịt
- Cà chua các bạn đem rửa sạch rồi bổ thành múi cau. Hành khô bạn bóc vỏ, thái thành những lát mỏng. Hành lá và mùi tàu các bạn nhặt rồi rửa sạch, thái nhỏ. Rau muống và rau sống bạn ngâm với nước muối loãng khoảng 15 phút, rửa sạch với nước rồi để ráo
- Nếu các bạn dùng bánh đa khô thì ngâm với nước ấm khoảng 5 phút cho bánh nở mềm rồi vớt ra để ráo. Bánh đa tươi, các bạn có thể trụng với nước sôi (trụng nhanh) là được
Bước 3: Làm phần nước lọc cua
- Nước lọc cua được xem là yếu tố quan trọng quyết định cách nấu bánh đa cua có thành công hay không.
- Bạn đổ nước lọc cua vào nồi sau đó gạn bỏ cặn dưới đáy bát. Sau đó bạn cho chút muối ăn vào nồi, bật bếp với lửa vừa
- Dùng đũa khuấy đều để thịt cua không dính và cháy dưới đáy nồi. Khi nước đã bắt đầu đục, phần thịt cua sẽ nổi lên trên thì bạn không dùng đũa khuấy nữa vì cua sẽ khó đóng thành miếng
- Khi nước cua đã đóng thành bánh, nổi lên mặt nước các bạn dùng muôi để vớt phần gạch cua này ra bát riêng. Phần nước trong giữ lại (có thể tận dụng để nấu bánh canh cua hoặc món canh cua rau đay thanh mát tại nhà)
Bước 4: Làm chả lá lốt
- Các bạn trộn đều phần thịt xay, mộc nhĩ và lá lốt đã thái nhỏ cùng ít tiêu. Sau đó nêm vào ½ muỗng cà phê hạt nêm cùng ít hành khô vào, trộn đều rồi để yên khoảng 5 phút cho ngấm đều gia vị
- Các bạn trải lá lốt ra mặt phẳng, phần lá xanh bóng úp xuống dưới . Sau đó lấy khoảng 1 thìa thịt nhỏ đặt ngang với mặt lá. Cuộn tròn miếng chả rồi dùng cuống của lá hoặc tăm nhọn để găm lại, lúc này phần chả sẽ cố định và không bung ra khi chiên
- Làm nóng dầu ăn trong chảo sau đó các bạn lăn tròn những miếng chả lên chảo để phần lá lốt hơi se lại và bám vào thịt. Bạn chiên với lửa vừa cho tới khi phần chả vàng xém rồi gắp ra đĩa (đã lót sẵn giấy thấm dầu)
Bước 5: Luộc rau muống
Các bạn đun sôi 1 một nồi nhỏ nước rồi thả rau muống vào luộc. Cho thêm ít muối để rau giữ được độ xanh. Luộc trong khoảng 3 – 5 phút, đến khi phần rau đã chín thì bạn vớt ra rồi thả ngay vào bát nước lạnh, ngâm rau muống khoảng 5 phút cho rau muống được giòn.
Bước 6: Chế biến mỡ và chả cá
- Bạn làm nóng chảo sau đó cho mỡ vào áp chảo với lửa vừa. Đến khi phần mỡ đã chín vàng thì vớt ra chén riêng, sau đó các bạn cho hết phần hành khô vào và phi vàng thơm (vớt hành ra khi hành vừa chuyển vàng, độ nóng của mỡ sẽ giúp hành chín đều hơn)
- Chắt bớt mỡ nước ra, chỉ để lại khoảng 15 ml trong chảo, cho gạch cua vào đảo đều, cho tiếp tóp mỡ và hành phi vào đảo cùng
- Bạn cho gạch cua vào xào thơm, phần gạch cua chính là bí quyết của cách nấu bánh đa cua thêm phần hấp dẫn
- Bạn vẫn sử dụng phần chảo xào gạch cua lúc nãy cho thêm ít mỡ vào, đợi đến khi mỡ nóng thì cho cà chua vào xào cho chín mềm (nhưng không nát). Sau đó cho thêm ít nước mắm, đảo lần nữa rồi vớt ra chén riêng
- Làm nóng chút dầu ăn trong chảo, cho chả cá vào rán trên lửa vừa tới khi vàng đều 2 mặt thì gắp ra đĩa, cắt thành miếng nhỏ vừa ăn dày khoảng 1 cm
Bước 7: Chế biến nước dùng
- Đây được xem là bước quan trọng trong cách nấu bánh đa cua Hải Phòng. Để nấu được nồi nước dùng ngon, bạn thực hiện như sau:
- Bạn vớt phần sườn đã ninh ra khỏi nồi (có thể dùng sườn để ăn kèm với bánh đa cua). Các bạn cho phần nước lọc cua vào nồi nước ninh sườn rồi đun sôi trở lại. Bạn cho tôm vào trụng đến khi tôm mềm thì vớt ra
- Tiếp đến cho cà chua vào đun sôi, nêm vào ½ muỗng cà phê hạt nêm
- Cho bánh đa vào trụng sơ qua trong nồi nước sôi riêng khoảng 2 phút cho chín tới (không trụng vào nồi nước dùng vì sẽ làm đục và đặc nước). Vớt bánh đa ra và chia đều vào các bát. Xếp chả lá lốt, chả cá, rau muống, tôm, gạch cua chưng, hành phi, hành mùi để ăn kèm
*Cách nấu bánh đa cua Hải Phòng nước: Bạn chan đều phần nước dùng lên bát rồi thưởng thức cùng rau sống
*Cách nấu bánh đa cua Hải Phòng trộn: Bạn pha nước sốt trộn theo công thức: 30ml nước mắm, 30ml xì dầu, 30gr đường, 50ml nước lọc, nước cốt của nửa quả chanh (khoảng 25 ml), khuấy đều. Sau đó cho 2 muỗng cà phê nước sốt rồi trộn đều, thưởng thức cùng 1 chén nước dùng nhỏ
Thành phẩm
Sau khi hoàn thành cách nấu bánh đa cua ngon, các bạn sẽ được thưởng thức bánh đa mềm dai vừa phải nhưng không bị nát. Phần nước dùng có phần đậm đà, thanh ngọt vị cua và thơm mùi gạch cua đặc trưng. Xen lẫn là mùi thơm và béo của chả lá lốt.
Cách nấu bánh đa cua miền Bắc
- Dụng cụ: Muỗng, đũa, giấy thấm dầu, nồi, chảo, rây lọc…
- Thời gian chế biến: Khoảng 40 – 45 phút
- Giá thành: Khoảng 350.000 đồng
- Độ khó: Dễ
Cách nấu bánh đa cua thịt bò (công thức phổ biến ở miền Bắc) mang nét đặc trưng khi sử dụng ít nguyên liệu hơn, từ đó cách nấu cũng có phần đơn giản hơn
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 500 – 700gr cua đồng
- 3 quả cà chua
- 1 quả khế chua
- 300gr thịt bò (có thể tăng giảm tùy khẩu vị)
- 200gr tôm
- 200gr chả mực
- Bánh đa
- Hành khô, rau răm, chanh, ớt
- Các loại rau ăn kèm
- Gia vị nêm nếm thông thường: Nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, hạt tiêu…
Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Sau khi mua cua đồng về các bạn đem rửa sạch rồi bóc bỏ phần mai cua, lấy nhẹ nhàng phần gạch cua ra. Phần thịt cua các bạn cho vào máy xay nhuyễn rồi đem lọc lấy nước (bạn có thể thực hiện theo bước 1 của cách nấu bánh đa cua Hải Phòng)
- Cà chua sau khi rửa sạch, cắt thành múi cau
- Rau răm, hành lá bạn đem rửa sạch và cắt nhỏ
- Hành khô bạn đem bóc vỏ rồi rửa sạch, băm nhỏ
- Bánh đa cua bạn đem rửa thật sạch rồi trụng qua nước sôi, sau đó để ráo nước
- Tôm bóc vỏ, bỏ phần đầu và chỉ đen ở lưng tôm. Rửa sạch rồi để ráo nước
- Thịt bò các bạn đem rửa sạch bằng nước muối loãng rồi đem rửa nhiều lần với nước lọc. Bạn thái thành miếng mỏng
- Chả cá đem rửa sạch, cho vào chảo chiên chín vừa
Bước 2: Nấu nước dùng
- Các bạn đặt nồi lên bếp, rồi đổ phần hỗn hợp nước cua vừa lọc được vào đun sôi. Thêm ít bột canh rồi đem đun sôi đến khi cua đóng thành miếng, các bạn nhẹ nhàng vớt ra tô
- Sau đó các bạn đặt chảo lên bếp, thêm ít dầu ăn rồi cho hành khô vào phi thơm. Tiếp đến các bạn cho cà chua cùng khế vào đảo đều khoảng 3 phút thì đổ hỗn hợp này vào nước dùng
Bước 3: Luộc tôm và chiên chả
- Bạn bắc nồi nước sôi lên rồi trụng đến khi tôm chín hẳn
- Phần chả mực đã chín sẵn, nhưng các bạn có thể chiên lại một lần nữa để chả nóng và thơm hơn
Bước 4: Trình bày và thưởng thức
Sau khi hoàn thành cách nấu bánh đa cua thịt bò. Các bạn cho bánh đa cua, tôm, chả mực và thịt bò lên trên. Rưới thêm nước dùng cua vào, nhiệt độ của nước sẽ giúp thịt bò chín tái và thơm ngọt nước hơn.
Bí quyết nấu món bánh đa cua Hải Phòng thành công
Cách nấu bánh đa cua đơn giản nhưng để thành công các bạn cần chọn được nguyên liệu tươi ngon
Bí quyết chọn cua đồng tươi ngon
Để chọn được cua đồng ngon, các bạn cần ghi nhớ những lưu ý sau:
- Bạn chọn chọn mua phần cua có vỏ sáng bóng, thân cua mập chắc. Ưu tiên những con cua còn đủ càng và chân, bò nhanh để nước cua ngọt hơn
- Nếu thích phần nước dùng có màu đẹp và béo hơn, các bạn nên chọn cua cái để tận dụng phần gạch nhiều. Cua cái sẽ có phần yếm hình bầu dục và rộng hơn
- Bạn không nên chọn mua những con cua có phần vỏ mềm, phần bụng có lông hoặc cua bị yếu, chạy chậm. Vì đây là cua bị ngạt, có phần thịt bị bở và hôi
*Để rút ngắn thời gian nấu các bạn có thể mua cua đồng xay sẵn tại chợ hay các sản phẩm chế biến sẵn. Một lưu ý quan trọng là hãy chọn những thương hiệu rõ nguồn gốc, ngày sản xuất và hạn dùng rõ ràng.
Bí quyết chọn tôm tươi
Cách nấu bánh đa cua có ngon hay không phụ thuộc rất lớn vào cách chọn nguyên liệu, một trong số đó là tôm. Cùng học cách chọn tôm tươi ngon sau đây nhé!
- Tôm tươi ngon sẽ có chân màu trong suốt và dính chặt vào thân tôm. Không mua tôm có chân đã chuyển sang màu lỏng lẻo
- Tôm tươi sẽ có phần thịt săn chắc, vỏ tôm vẫn còn trong và có thể nhìn vào phần thịt không chuyển sang màu trắng đục
- Bạn chú ý mua tôm có phần thân hơi cong, thịt săn chắc vỏ tôm nguyên vẹn và đầu tôm dính chặt vào thân
- Không mua tôm có phần đuôi xòe ra, lỏng lẻo mất vây đuôi và không xếp gọn vào nhau. Vì có thể tôm đã bắt lên đã lâu hay đã ngâm qua chất bảo quản
Cách chọn thịt bò tươi ngon
Tuy rằng thịt bò chỉ là món ăn kèm nhưng nếu chọn được miếng thịt bò ngon vẫn sẽ giúp tăng hương vị của cách nấu bánh đa cua:
- Nên chọn những miếng thịt bò có màu đỏ tươi xen lẫn là các đường gân màu trắng cùng phần mỡ vàng của bò. Bạn có thể dùng tay ấn nhẹ vào miếng thịt bò, thịt bò tươi sẽ có độ đàn hồi tốt và không dính tay hay tiết nhớt
- Thịt bò tươi sẽ có mùi sữa bò thoang thoảng, không có mùi lạ hay mùi hôi bất thường
- Ngoài ra, bạn cũng nên chọn mua những thớ thịt bò mềm, nhỏ và nhìn không quá mịn.
- Nếu được các bạn có thể ưu tiên chọn bò tơ để phần thịt chắc và ngon hơn
- Trái lại, bạn nên tránh mua những miếng thịt bò có màu tái xanh hoặc màu đỏ sẫm, phần mỡ màu vàng đậm, xuất hiện những nốt trắng trên thớ thịt và khi sờ vào có cảm giác nhão và bị nhớt tay
Cách nấu bánh đa cua Hải Phòng hay cách nấu bánh đa cua miền Bắc đều có thể thực hiện tại nhà. Mẹ và Con hy vọng với 2 công thức trên đây, các bạn sẽ có thêm một món ngon để chiêu đãi gia đình vào dịp cuối tuần này nhé!