Để tránh tình trạng mua hàng bị hớ giá, bạn cần có những hiểu biết nhất định về mặc cả. Hãy ghi nhớ ngay những “bí kíp” sau đây để tiết kiệm tốt nhất có thể, đặc biệt là khi bạn đang có những chuyến du lịch nước ngoài. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con học cách mặc cả giá trong bài viết sau đây nhé!
Cách mặc cả giá đơn giản, hiệu quả
Giá rao bán không phải mức giá thật
Nếu bạn hỏi giá đi xe tuk tuk, xe “ôm” truyền thống, mua hàng trong chợ, hỏi giá bất kỳ ai đang bán hàng trên đường, dọc bờ biển hoặc các khu vui chơi… bạn không nên chấp nhận thỏa thuận ngay với giá tiền được báo.
Người buôn nói thách mọi thứ, đặc biệt là ở các nước Châu Á, từ quần áo đến tơ lụa… Bạn sẽ thấy đáng giá nếu chịu khó mặc cả thấp xuống hơn, nhất là khi với ngân sách eo hẹp nhưng bạn vẫn muốn vui chơi thỏa thích ở chợ Bến Thành, Delhi, Mumbai, Bangkok…
Nên tham khảo giá trước khi mua
Khi bạn yêu thích món đồ nào đó, trước khi hỏi giá bạn nên tham khảo trên mạng xem mặt hàng đó có mức giá trung bình tầm bao nhiêu. Nếu bạn muốn mua quần áo, khi thích món đồ đó, bạn nên đi tham khảo nhiều giá ở các cửa hàng khác vì các mẫu mã trong các cửa hàng cùng khu chợ tương đối giống nhau, nhưng một số chỗ sẽ có mức giá thấp hơn. Cửa hàng nào đưa ra mức giá thấp nhất hoặc bạn có thể mặc cả xuống thấp nhất và họ đồng ý bán, bạn có thể mua được sản phẩm với mức giá hợp lý với túi tiền của mình.
Việc khảo sát các mặt hàng mình muốn mua ở những cửa hàng hoặc tìm thông tin trên mạng sẽ giúp bạn có thêm nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về mức giá để có cách mặc cả giá phù hợp.
Chọn thời gian mua hàng
Hãy đến các cửa hàng lúc họ chuẩn bị đóng cửa. Khi đó, người bán sẽ nóng lòng muốn dọn hàng về sớm nhưng vẫn muốn bán thêm được vài món đồ. Đây là thời điểm bạn có thể dễ dàng mặc cả được giá thấp vì họ muốn thỏa thuận nhanh để đóng cửa hàng.
Mạnh dạn trả nửa giá
Đừng ngại khi trả giá thật “mạnh”. Nhiều bạn có tâm lý ngại ngùng khi phải đứng mặc cả giá hoặc nghĩ rằng mình không thể trả được giá tốt nhất, thông thường những người này đều không dám trả giá hoặc trả thấp một chút. Tuy nhiên bạn nên biết rằng, người bán thường nắm được tâm lý mua hàng đó qua cách họ nhận xét bạn, nên họ thường nói thách khá cao, đôi khi là cao hơn giá họ thường bán với người khác. Vì thế, hãy trả giá xuống thật thấp (khoảng một nửa).
Nếu như người bán không đồng ý, bạn có thể nâng dần lên, khoảng 10 – 50 nghìn đồng một lần nâng giá. Theo kinh nghiệm được đúc kết từ nhiều người, người bán sẽ nhanh chóng “chốt giá” và đưa ra mức giá chót họ có thể bán cho bạn,
Cách mặc cả giá được chấp nhận rộng rãi và được các bà các mẹ “truyền tai” nhau là hãy bắt đầu trả bằng một nửa giá niêm yết. Nghe có vẻ lố bịch, bạn có thể cũng sẽ chẳng mua được với mức giá đó, nhưng bạn có thể mua được với mức giá phù hợp nhất. Hãy chuẩn bị đón nhận mức giá từ người bán và bày ra biểu cảm: nhướng mày, thở dài, biểu lộ kinh ngạc rằng món này quá đắt đỏ.
Tuy nhiên, hãy tự tin rằng với cách mặc cả giá mạnh tay ngay từ đầu, bạn sẽ tạo ra được không gian để mức giá nhích dần lên trong khoảng bạn và người bán có thể chấp nhận được. Nếu bạn bị từ chối, hãy đi đến chỗ khác vì chủ cửa hàng khác có thể đồng ý thương lượng với bạn, hoặc có thể người bán sẽ níu bạn lại và đồng ý bán với mức giá hợp lý nhất.
Thái độ mua hàng
Khi bạn muốn mua một đón đồ nào đó, chắc chắn là bạn đang vô cùng thích nó. Tuy nhiên khi mua và khi trả giá, bạn nhất quyết không được thể hiện cho người bán biết rằng mình đang cực kỳ muốn mua nó. Nếu người bán nắm bắt được tâm lý của bạn đang rất muốn mua, họ sẽ nhất quyết không hạ giá vì cho rằng có thể bạn sẽ đồng ý với mức giá cao hơn. Cách mặc cả giá tốt nhất là bạn nên tỏ ra mình cũng không quá thích sản phẩm đó.
Hãy mang nhiều tiền mặt, đặc biệt là mệnh giá nhỏ
Bạn nên bảo quản tiền bạc thật cẩn thận nếu đi đến những nơi đông đúc như chợ, hội chợ. Hãy để tiền ở nhiều túi khác nhau, bạn có thể để trong đeo thắt lưng, tất, túi…
Hãy chắc chắn không nên rút ra cả xấp tiền mệnh giá lớn khi đang mặc cả. Bạn có thể bị đánh giá là tham lam bủn xỉn nếu như đòi hỏi người bán hàng giảm vài chục nghìn khi trong tay đang có cả cọc tiền 500.000 đồng.
Bên cạnh đó, họ có thể nói rằng họ không có đủ tiền lẻ để thối lại tiền thừa cho bạn nhằm nâng giá bán. Hoặc bạn có thể nói rằng, bạn chỉ còn vừa đủ để mua với khoảng tiền lẻ còn trong túi và hy vọng họ bán cho bạn. Bạn cũng nên nhớ rằng hình thức thanh toán bằng thẻ vẫn chưa phổ biến ở các chợ châu Á hoặc di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Hiệu ứng đám đông
Khi đi mua sắm, tốt hơn hãy rủ thêm vài người bạn đi cùng nhau. Việc này có thể mang đến nhiều tác dụng như: được vui vẻ vì có thêm người tư vấn cho những món đồ nên và đáng mua. Đặc biệt là khi đi theo đám đông thì việc mặc cả cũng diễn ra thuận lợi hơn, mỗi người thêm một câu “xuống giá” hoặc “mua nhiều thì giảm giá giúp cháu” sẽ giúp bạn nhanh chóng mua được món đồ đó hơn.
“Dìm hàng” sản phẩm
Khi bạn thực sự yêu thích món hàng nào đó và trong quá trình trả giá, để mua được sản phẩm bạn nên cố gắng tìm ra những khuyết điểm nhỏ của sản phẩm đó như: đường may chưa khéo, có phần dơ ở vải, chỉ thừa nhiều… với cách mặc cả giá này bạn có thể mua được với mức giá vừa thấp vừa đơn giản hơn nhiều đấy!
Lưu ý khi mặc cả giá
Nhiều cửa hàng ở Châu Á sẽ có những mức giá cố định và không đồng ý thỏa thuận giảm giá. Trong các khu du lịch hoặc những cửa hàng này thường đặt một bảng hiệu ở cửa ra vào và ghi chú “Giá niêm yết/Giá cố định”, “Vui lòng không mặc cả/trả giá”.
Ở một số khu chợ như Chatuchak (Bangkok), nhiều mặc hàng không chấp nhận trả giá. Phần lớn cửa hiệu ở những trung tâm thương mại lớn đều không được mặc cả. Bạn cũng không nên trả giá khi mua đồ ở những khu trung tâm mua sắm, đồ ăn thức uống dù ở quán vỉa hè hay nhà hàng.
Hy vọng qua bài viết trên đây, Tạp chí Mẹ và Con đã gợi ý được cho bạn những cách mặc cả giá đơn giản, hiệu quả nhất. Chúc bạn áp dụng thành công để quản lý chi tiêu hợp lý nhất nhé!