Dầu gấc không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn được sử dụng nhiều trong làm đẹp. Vì vậy, nhiều chị em muốn tự làm dầu gấc tại nhà để đảm bảo về chất lượng và độ an toàn. Nếu bạn cũng đang quan tâm, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tham khảo ngay cách làm dầu gấc cực kỳ đơn giản dưới đây nhé!
Công dụng của dầu gấc
Dầu gấc được chiết xuất từ quả gấc. Đây là một trong những tinh chất thiên nhiên giàu dưỡng chất, mang lại nhiều lợi ích cho cả sức khỏe và sắc đẹp.
Nhờ hàm lượng vitamin E dồi dào, dầu gấc giúp nuôi dưỡng làn da trở nên căng bóng, hồng hào và rạng rỡ. Đặc biệt, dầu gấc còn được ví như “thần dược” trong việc hỗ trợ điều trị nám da, được nhiều phụ nữ tin tưởng lựa chọn.
Chăm sóc và làm đẹp da
Dầu gấc chứa hàm lượng lycopene cao, có khả năng ngăn chặn sự hình thành các sắc tố gây sạm da, đồng thời bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và hỗ trợ chống lão hóa hiệu quả. Không chỉ vậy, các dưỡng chất như beta-caroten, vitamin A và E trong dầu gấc còn giúp nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh, giảm mụn, mang lại làn da trắng sáng, hồng hào tự nhiên.
Nguồn dinh dưỡng cho bé ăn dặm
Việc bổ sung tinh dầu gấc vào thực đơn ăn dặm của trẻ sẽ mang đến nguồn dưỡng chất dồi dào như chất béo, vitamin A, E, omega-3, omega-6… Những thành phần thiết yếu này không chỉ giúp tăng cường khả năng hấp thu và nâng cao sức đề kháng, mà còn hỗ trợ bé tăng cân khỏe mạnh, phát triển chiều cao tối ưu và đặc biệt thúc đẩy sự phát triển trí não, giúp bé thông minh hơn ngay từ giai đoạn đầu đời.
Tốt cho tim, phòng ung thư
Dầu gấc có khả năng ức chế một số tác nhân gây ung thư, hỗ trợ phòng ngừa hiệu quả các bệnh như ung thư gan, ung thư vú, ung thư cổ tử cung,… Đặc biệt, tinh dầu gấc chứa khoảng 15% axit béo omega-6 không bão hòa – một dưỡng chất quý giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, thúc đẩy quá trình chuyển hóa phospholipid, từ đó hỗ trợ giảm mỡ máu, kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Cách chọn mua gấc ngon
Trước khi khám phá cách làm dầu gấc, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách chọn những trái gấc ngon nhé. Khi chọn mua gấc, bạn nên ưu tiên những quả có hình tròn đều, gai nở đều, vỏ ngoài có màu đỏ cam rực rỡ và cầm lên thấy nặng tay. Đây là dấu hiệu cho thấy quả gấc chín đều, nhiều thịt.
Các chị em tránh chọn những quả bị dập, nứt vỡ hoặc có dấu hiệu ôi thiu. Vì khi gấc bị hư hỏng, không khí dễ xâm nhập vào bên trong, khiến gấc nhanh hỏng và chỉ bảo quản được trong 1 – 2 ngày.
Cách làm dầu gấc nguyên chất tại nhà
Sau khi đã chọn được những quả gấc tươi ngon, chúng ta hãy cùng vào bếp với cách làm dầu gấc dưới đây nhé.
Chuẩn bị nguyên liệu
Để tự làm dầu gấc tại nhà, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu và dụng cụ sau:
- 1 đến 2 quả gấc chín đều, vỏ đỏ cam, gai nở đều, trọng lượng khoảng 1 – 1,5kg, cầm chắc tay.
- 300ml dầu ăn (có thể thay bằng dầu dừa để tăng hiệu quả dưỡng da).
- 10ml rượu trắng.
- Các dụng cụ cần thiết: nồi hoặc chảo chống dính, dao sắc, rây lọc, khăn sạch để lọc dầu.
Cách làm dầu gấc
Sơ chế gấc
Bổ đôi quả gấc, dùng muỗng lấy phần ruột (gồm màng đỏ và hạt) ra. Sau đó, đem phần ruột này phơi ở nơi râm mát hoặc để vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 8 tiếng. Lưu ý: không phơi dưới nắng gắt vì nhiệt độ cao sẽ làm mất đi vitamin A và E trong gấc.
Lấy thịt gấc
Khi hạt gấc đã se lại và sờ vào không còn dính tay, bạn dùng dao nhẹ nhàng tách lớp màng đỏ (thịt gấc) bọc bên ngoài hạt. Sau đó đem phần này thái nhỏ hoặc xay nhuyễn để nấu dễ hơn.
Nấu dầu gấc
Cho phần thịt gấc vào chảo, bật lửa lớn đến khi hỗn hợp sôi thì hạ xuống lửa nhỏ. Thêm dầu ăn và rượu trắng vào, đảo đều tay. Giữ lửa liu riu trong khoảng 40 phút, đến khi lớp màng đỏ teo lại, khô giòn thì tắt bếp. Lưu ý khuấy đều để dầu không bị khét.
Cách làm dầu gấc: Lọc lấy dầu gấc
Đun nước sôi, cho khăn lọc vào ngâm 1–2 phút để diệt khuẩn, sau đó vắt khô. Đặt khăn lên rây lọc, bên dưới là một tô hoặc bát sạch để hứng dầu. Đổ phần hỗn hợp vừa nấu vào khăn, dùng tay vắt hoặc dùng thìa ép nhẹ để dầu gấc chảy hết xuống tô.
Tinh dầu gấc thành phẩm thường mang hương thơm đặc trưng từ gấc, màu đỏ tươi hay đỏ sậm rất đẹp mắt.
Lưu ý
Trong quá trình chế biến dầu gấc, bạn nên đeo găng tay để đảm bảo an toàn vệ sinh. Khi sơ chế, bạn tránh cố cạo lấy lớp gấc màu đỏ dính vào vỏ, vì sẽ dễ cháy khi nấu với dầu ăn. Ngoài ra, dầu gấc thành phẩm không nên đem chiên xào với đồ ăn vì sẽ làm phân hủy hàm lượng dinh dưỡng.
Cách bảo quản dầu gấc
Khi thực hiện cách làm dầu gấc ở trên xong, bạn hãy cho dầu vào lọ thủy tinh sạch, khô, đậy kín nắp và bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng. Dầu có thể dùng trong khoảng 12 tháng, nhưng tốt nhất nên dùng trong 3 tháng đầu để giữ trọn hương vị và dưỡng chất.
Cách dùng dầu gấc hiệu quả
- Dưỡng da: Rửa sạch mặt, thoa một lớp mỏng dầu gấc và massage nhẹ. Sau 15–20 phút, rửa lại với nước ấm. Thực hiện đều đặn 1–2 tháng để thấy hiệu quả rõ rệt.
- Cho bé ăn dặm: Mỗi tuần mẹ cho bé dùng 2–3 lần, mỗi lần khoảng 5ml, trộn vào thức ăn đã nấu chín như cháo, súp, bột… Bạn tránh kết hợp với thực phẩm giàu vitamin A (bí đỏ, cà rốt, đu đủ…) để tránh dư thừa.
Dầu gấc có nhiều hàm lượng dinh dưỡng tự nhiên rất tốt cho sức khỏe. Các chị em hoàn toàn vào bếp thực hiện cách làm dầu gấc trên một cách dễ dàng. Tạp chí Mẹ và Con hy vọng với những thông tin hữu ích về cách làm dầu gấc trên đây, bạn sẽ nhận được thành phẩm chất lượng và dùng thật hiệu quả nhé!