Mẹ và Con - Các xét nghiệm khi mang thai quan trọng vô cùng vì giúp xác định tình trạng sức khỏe mẹ lẫn bé. Hơn nữa phải thực hiện xét nghiệm đúng thời điểm mới có thể chẩn đoán chính xác nhất.

Việc mang thai và nuôi dưỡng em bé chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhất là các mẹ mang thai lần đầu, ít kinh nghiệm có thể không nhận biết được các dấu hiệu bất thường. Các xét nghiệm khi mang thai giúp bác sĩ theo dõi được tình trạng sức khỏe mẹ và bé từ đó đưa ra nhắc nhở, cách điều trị kịp thời.

Để giữ một cơ thể mạnh khỏe và tinh thần ổn định, mẹ đừng bỏ qua các mốc xét nghiệm quan trọng khi mang thai sau đây.

Vì sao nên làm các xét nghiệm khi mang thai?

Các xét nghiệm khi mang thai giúp kiểm tra và đánh giá toàn diện tình trạng sức khỏe mẹ và bé. Quá trình mang thai tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người không có chuyên môn cũng như không thông qua các xét nghiệm là khó có thể biết được.

Xét nghiệm khi mang thai giúp biết con đang phát triển đến giai đoạn nào, có dị tật gì cần được can thiệp không, mẹ có cần điều chỉnh gì để giúp con phát triển khỏe mạnh không. Có thể nói, xét nghiệm trong khi mang thai ảnh hưởng đến cả cuộc đời của đứa trẻ sau này.

các xét nghiệm khi mang thai rất quan trọng

Các mốc xét nghiệm quan trọng khi mang thai

Có một điều mẹ cần lưu ý đó là, hầu hết các xét nghiệm cần làm khi mang thai phải thực hiện vào một vài mốc thời gian xác định. Do đó, hãy ghi lại lịch các xét nghiệm cần làm khi mang thai để tránh bỏ sót.

Các xét nghiệm khi mang thai giai đoạn đầu

Tùy thuộc vào tuổi thai mà các xét nghiệm quan trọng cần thực hiện sẽ khác nhau. Dưới đây là danh sách xét nghiệm cơ bản bạn nên làm đầy đủ:

Tổng phân tích tế bào máu (CBC)

Tổng phân tích tế bào máu là xét nghiệm tỷ lệ các tế bào trong thành phần máu:

  • Hồng cầu: Kiểm tra xem có thiếu máu không.
  • Bạch cầu: Khả năng miễn dịch của cơ thể.
  • Tiểu cầu: Liên quan tới vấn đề đông máu

Xét nghiệm nhóm máu

Một trong các xét nghiệm khi mang thai quan trọng đó là xét nghiệm nhóm máu, nhất là kiểm tra yếu tố Rh. Yếu tố Rh là một loại protein thường bám trên bề mặt hồng cầu và có trong thành phần máu của hầu hết mọi người (trường hợp Rh+). Rh- nghĩa là trên tế bào hồng cầu không có protein Rh.

Và nếu nhóm máu của em bé là Rh+ trong khi mẹ lại thuộc nhóm Rh- thì có thể kích phát phản ứng miễn dịch. Lúc này, cơ thể của mẹ có thể tạo ra kháng thể để chống lại yếu tố Rh của con. Những kháng thể này sẽ phá hủy tế bào hồng cầu thai nhi. Đây là trường hợp nguy hiểm do đó cần phải xét nghiệm sớm để có sự chuẩn bị trước.

các xét nghiệm khi mang thai rất quan trọng gồm xét nghiệm máu

Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện các bệnh:

  • Bệnh đường tiết niệu và có bị xuất huyết không.
  • Có nhiễm trùng đường tiết niệu không.
  • Mẹ bầu có bị đái tháo đường không.
  • Ngoài ra, nếu xét thấy nồng độ protein niệu tăng cao thì có khả năng đó là dấu hiệu tiền sản giật.

Nuôi cấy mẫu nước tiểu

Nuôi cấy giúp kiểm tra xem trong nước tiểu có các loại vi khuẩn nào. Qua đó xác định sớm tình trạng nhiễm trùng tiết niệu – vốn cũng phổ biến khi có thai.

Rubella

Mắc Rubella khi mang thai không nguy hiểm cho mẹ nhưng có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Nếu trong mẫu máu của mẹ chưa có kháng thể rubella thì cần phải cẩn trọng và tránh xa bất cứ ai nghi nhiễm rubella.

Mặt khác, phụ nữ có thai không nên tiêm ngừa rubella khi đã có thai. Do đó, nếu chưa có kháng thể, mẹ nên chích ngừa ngay sau khi sinh. Vắc-xin rubella có thể tiêm trong giai đoạn cho con bút.

Các xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C khi mang thai

Viêm gan B, viêm gan C có khả năng lây truyền từ mẹ sang con. Viêm gan B là một trong các xét nghiệm bắt buộc khi mang thai. Đối với viêm gan C thì bạn chỉ cần xét nghiệm nếu bác sĩ yêu cầu.

Các bệnh nhiễm lây truyền qua đường tình dục (STIs)

Bệnh giang mai và chlamydia là các bệnh nguy hiểm lây lan qua đường tình dục. Những bệnh lý này có nguy cơ cao gây biến chứng cho mẹ lẫn bé. Nếu nhiễm bệnh thì mẹ sẽ được điều trị triệt để trước khi sinh. Ngoài ra tùy vào từng trường hợp bạn có thể sẽ cần làm thêm xét nghiệm bệnh lậu.

HIV cũng là một trong các xét nghiệm khi mang thai quan trọng. HIV là nguyên nhân gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). HIV lây truyền từ mẹ sang con nhưng nếu phát hiện và dùng thuốc từ sớm thì sẽ giảm được đáng kể nguy cơ lây cho con.

Xét nghiệm lao

Những thai phụ có nguy cơ mắc bệnh lao cao (ví dụ, phụ nữ bị nhiễm HIV hoặc sống và sinh hoạt gần gũi với người mắc bệnh lao) nên làm xét nghiệm kiểm tra khả năng mắc căn bệnh này.

Xét nghiệm sàng lọc virus Zika

Virus Zika có thể ảnh hưởng đến thai, thường là gây ra chứng đầu nhỏ, nếu như bà mẹ bị nhiễm khi thai dưới 12 tuần tuổi. Bệnh truyền qua muỗi nên nếu bạn sống trong vùng dịch thì mới cần xét nghiệm.

các xét nghiệm khi mang thai rất quan trọng gồm xét nghiệm sàng lọc virus zika

Các xét nghiệm khi mang thai giai đoạn sau

Lặp lại tổng phân tích tế bào máu

Tiếp tục phân tích tế bào máu nhằm theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe.

Xét nghiệm kháng thể Rh

Nếu khi làm xét nghiệm ở giai đoạn đầu mẹ có kết quả Rh- thì vào khoảng 28-29 tuần tuổi sẽ cần làm lại xét nghiệm này. Nếu vẫn là Rh- thì mẹ được tiêm immunoglobulin Rh nhằm ức chế sự tạo thành kháng thể Rh. Ngược lại, nếu kết quả là Rh+ thì cần theo dõi đặc biệt.

Thử nghiệm dung nạp glucose

Đo nồng độ đường để kiểm tra liệu mẹ có bị tiểu đường thai kỳ hay không. Xét nghiệm này làm trong khoảng tuần 24 đến 28 của thai kỳ.

Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B

Liên cầu khuẩn nhóm B thường không gây hại cho mẹ nhưng có thể truyền sang bé trong quá trình chuyển dạ sinh con. Hầu hết các em bé nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B cũng không gặp nguy hiểm nhưng trong số ít trường hợp lại gây biến chứng nặng. Xét nghiệm này thực hiện vào tuần 35 đến 37. Nếu dương tính, mẹ có thể được chỉ định dùng kháng sinh.

Tóm lại, các xét nghiệm khi mang thai trên đây đều rất quan trọng và giúp theo dõi sát sao tình hình sức khỏe mẹ lẫn bé. Mẹ đừng quên đi khám thai định kỳ cũng như đến bệnh viện kiểm tra nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu lạ nào.

Bài viết liên quan