Mẹ và Con - Rubella là một bệnh sốt phát ban còn gọi là Sởi Đức. Căn bệnh tương đối lành tính với người bình thường như Rubella khi mang thai lại là vấn đề hoàn toàn khác.

Rubella khi mang thai nguy hiểm và có nguy cơ gây ra hội chứng Rubella bẩm sinh. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể phòng ngừa cũng như có các biện pháp xử lý nếu mẹ chẳng may mắc bệnh khi mang thai. Cụ thể hơn thì mời bạn tìm hiểu trong bài viết sau.

Bệnh Rubella là gì ?

Rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Rubella gây ra. Đây là virus chuyên lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu là dịch cơ thể khi ho, hắt hơi. Bệnh ít khi diễn tiến nặng và thường gặp ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên.

Bệnh phổ biến trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Rubella thường khởi phát vào mùa đông và xuân. Virus chỉ sống được trong cơ thể người nên người bệnh là tác nhân lây bệnh duy nhất. Người từng nhiễm Rubella sẽ có miễn dịch tự nhiên suốt đời.

Người đã từng mắc bệnh hoặc đã chủng ngừa thì sẽ không bị nhiễm lại dù tiếp xúc với nguồn bệnh. Bên cạnh đường hô hấp, Rubella còn lây từ mẹ sang con nếu phụ nữ mang thai nhiễm virus trong thai kỳ. Đây cũng là lý do bạn cần phải cẩn trọng với căn bệnh này nếu đang hoặc có ý định mang thai.

Dấu hiệu nhiễm Rubella khi mang thai

Các triệu chứng Rubella cũng tương tự như cúm, bạn không nên chủ quan:

  • Nóng sốt có thể lên đến hơn 38 độ trong vài ngày.
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
  • Đau họng và ho.
  • Sưng, viêm hoặc đỏ mắt, kèm theo đó là chảy nước mắt.
  • Sưng đau hạch bạch huyết, có thể kéo dài hơn một tuần.
  • Nổi phát ban hồng hoặc đỏ, trước tiên là xuất hiện trên đầu mặt sau đó lan dần ra khắp cơ thể. Các nốt ban có hình tròn hoặc bầu dục, đường kính 1-2mm và chỉ tồn tại trong 3 ngày nên còn được gọi là bệnh sởi 3 ngày.
  • Đau đầu hoặc đau nhức cơ khớp.
Rubella khi mang thai
Rubella khi mang thai

Một số trường hợp nặng thì virus có thể gây nhiễm trùng tai, sưng viêm não. Đây là biến chứng nguy hiểm nhưng hiếm gặp, các dấu hiệu gồm:

  • Đau tai liên tục, khó nghe
  • Đau đầu liên tục và cường độ đau tăng dần
  • Cứng cổ

Nhìn chung nếu phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm Rubella khi mang thai thì mẹ cần đến cơ sở y tế để kiểm tra ngay lập tức. Hiện nay có hai phương pháp phổ biến để chẩn đoán chính xác bệnh:

  • Xét nghiệm máu: có thể xác định được khả năng miễn dịch của cơ thể dựa trên nồng độ kháng thể.
  • Nuôi cấy virus: kiểm tra một mẫu dịch cơ thể như dịch họng hoặc mũi để kiểm tra xem người bệnh có nhiễm virus hay không.

Rubella khi mang thai nguy hiểm ra sao?

Nếu mẹ bầu đã từng nhiễm Rubella hoặc đã tiêm chủng từ trước mà bị tái nhiễm thì không cần lo lắng. Điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, mẹ chỉ cần yên tâm dưỡng bệnh là được.

Ngược lại, trường hợp mẹ bị Rubella khi mang thai nhưng chưa có miễn dịch với bệnh thì đây là mối nguy hiểm lớn với bé vì trẻ có khả năng mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS). Tỷ lệ này phụ thuộc vào tuổi thai tương đối như sau:

  • Dưới 11 tuần: 90%
  • 11-12 tuần: 33%
  • 13-14 tuần: 11%
  • 15-16 tuần: 24%
  • Trên 16 tuần: Hiếm 0%

Bởi vì bệnh có dấu hiệu nhẹ, đôi khi không có dấu hiệu ở người lớn nên mẹ có thể bỏ qua và cho rằng chỉ là bệnh cảm vặt. Điều này rất nguy hiểm bởi Rubella khi mang thai truyền sang bào thai sẽ ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe, sự phát triển của thai nhi.

Khi vào đến bào thai, virus tấn công hệ miễn dịch và làm rối loạn quá trình phát triển cơ quan của thai nhi. Trẻ có nguy cơ cao mắc các dị tật bẩm sinh về tim, hô hấp, viêm màng não, xuất huyết, đái tháo đường…

Các dị tật bẩm sinh này thường không thể khắc phục hoặc chỉ có thể khắc phục một phần dù phát hiện từ sớm. Những biến chứng nghiêm trọng có thể khiến trẻ mắc Rubella bẩm sinh tử vong. Tỷ lệ này vào khoảng 25% tổng số ca có biểu hiện bệnh.

Do đó, trong một số trường hợp bất khả kháng là nhiễm Rubella khi mang thai dưới 3 tháng thì có thể có chỉ định đình thai. Nếu nhiễm virus vào giữa thai kỳ thì cần theo dõi sát sao cũng như chẩn đoán, kiểm tra thêm để đưa ra quyết định sau cùng.

Làm gì nếu nhiễm rubella khi mang thai?

Tuy nguy hiểm là thế nhưng nếu phụ nữ mang thai có xét nghiệm dương tính với virus Rubella thì trước hết phải bình tĩnh. Không phải trường hợp nào cũng cần bỏ thai. Điều quan trọng là thăm khám ở cơ sở uy tín để có kết luận điều trị phù hợp, đảm bảo sức khỏe cả mẹ lẫn bé.

Hiện tại, chúng ta chưa có thuốc trị đặc hiệu đối với virus Rubella. Các triệu chứng có thể được theo dõi và kiểm soát để giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Nếu mẹ bầu mắc Rubella khi mang thai nhưng không muốn chấm dứt thai kỳ, thì bác sĩ có thể tiêm kháng thể globulin siêu miễn dịch cho bạn.

Mũi tiêm này không có khả năng chữa bệnh hay bảo vệ 100% thai nhi khỏi nhiễm trùng. Nó chỉ có tác dụng hạn chế nguy cơ mắc phải dị tật ở trẻ mà thôi.

Cách phòng ngừa Rubella cho thai phụ

Bạn có thể thấy mức độ nghiêm trọng nếu chẳng may mắc Rubella khi mang thai. Việc phòng ngừa bệnh là rất đơn giản. Phụ nữ có ý định sinh con thì nên tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra khả năng miễn dịch.

Sau đó, nếu chưa có miễn dịch thì chỉ cần tiêm vaccine ngừa Rubella trước khi mang thai tối thiểu 4 tuần. Bạn cần lưu ý tiêm vaccine trong thai kỳ cũng có thể gây ảnh hưởng lên thai nhi.

tiêm rubella khi đang mang thai
Tiêm rubella khi đang mang thai

Nhiễm Rubella khi mang thai là điều không ai mong muốn. Vì vậy khi mang thai, mẹ và gia đình nên chủ động kiểm tra, phòng ngừa để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh nhé.

Bài viết liên quan