Mẹ&Con – Sốt virus, tay chân miệng, tiêu chảy… là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh trong những ngày nắng nóng. Vậy mẹ cần làm gì để con không bị các loại bệnh này “ghé thăm”? Tham khảo ngay bài viết này để có câu trả lời, mẹ nhé!
Các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh – Sốt virus
Trẻ sốt vius thường sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C kèm theo một số triệu chứng khác như:
- Đau đầu, đau cơ bắp khiến trẻ hay vặn mình, quấy khóc;
- Trẻ ngủ li bì;
- Có thể nổi ban sau 2 – 3 ngày bị sốt, khi xuất hiện ban thì bé sẽ bớt sốt;
- Trẻ sơ sinh chảy nước mắt, có thể bị đỏ, có nhiều ghèn;
- Một số triệu chứng đi kèm khác, bao gồm: ho, hắt hơi, tiêu chảy, chảy nước mũi;
- Trẻ sơ sinh bị sốt virus nặng có thể bị co giật, khó thở.
Khi trẻ bị sốt virus, mẹ cần đưa bé đi khám ngay tại các trung tâm y tế. Các biện pháp thường áp dụng khi trẻ chẳng may sốt virus là dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, chườm mát, vệ sinh mắt, mũi của trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9%, bù nước và điện giải.
Trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, khi cảm thấy cơ thể trẻ nóng hơn, mẹ có thể dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ cơ thể của trẻ. Khi thân nhiệt trẻ lớn 38,5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng; lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần, mẹ cần đưa bé đến ngay các trung tâm y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Tay chân miệng
Ở trẻ sơ sinh, sức đề kháng còn non yếu, không thể chống cự trước virus gây bệnh. Do đó, tay chân miệng cũng là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh trong mùa hè.
Khi nhiễm bệnh tay chân miệng, trẻ sơ sinh thường có triệu chứng nóng sốt khiến bé khó ngủ và hay quấy khóc. Sau đó, miệng, môi, lợi, lưỡi của trẻ… sẽ có các vết lở loét đỏ làm bé đau đớn và bỏ bú. Bên cạnh đó, trên đầu gối, mông, khủy tay hoặc trong lòng bàn chân, bàn tay của trẻ cũng có những vết phát ban dạng phỏng nước, rất dễ vỡ.
Một số trường hợp ngoại lệ, trẻ sơ sinh không có biểu hiện rõ ràng, không có các mụn nước hay hồng ban cụ thể, nhưng không vì thế mà mẹ lơ là, chủ quan. Chỉ cần con bỏ bú và quấy khóc thường xuyên, mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi khám bác sĩ để có cách điều trị hợp lý, kịp thời.
Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn dịch tiết ô nhiễm từ người mắc bệnh khi họ ho, hắt hơi. Các giọt nước bọt nhiễm virus có thể làm ô nhiễm các bề mặt đồ vật hoặc bé hít phải sẽ dẫn đến mắc bệnh. Ngoài ra, nguồn lây bệnh cũng có thể là chất dịch từ các mụn nước vỡ mà bé tiếp xúc phải. Vì vậy, muốn phòng tránh bệnh cho con, mẹ chú ý không để bé tiếp xúc với những đứa trẻ khác đang mang bệnh, đồng thời nhớ vệ sinh thường xuyên các đồ chơi, đồ dùng như khăn mặt, bình sữa, quần áo hay bất kỳ dụng cụ nào mà bé có thể tiếp xúc.
Tiêu chảy
Mùa hè, nếu con có biểu hiện đi ngoài nhiều hơn bình thường, bú kém, khóc vì đau khi bị sờ nắn bụng, phân lỏng hơn hoặc chỉ toàn nước, có mùi tanh, lợn gợn, đôi khi lẫn cả máu thì mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay. Trong trường hợp này, bé rất có thể đang bị tiêu chảy. Tiêu chảy cũng là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh mỗi khi hè về.
Tình trạng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như mất nước khiến quá trình trao đổi chất, cân bằng thân nhiệt của bé bị ảnh hưởng. Thậm chí, mất nước nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng của bé.
Với các bé dưới 6 tháng tuổi, để phòng bệnh tiêu chảy, mẹ cần cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn, tránh thêm thực phẩm khác vào chế độ ăn uống của bé.
Bên cạnh đó, các mẹ đang cho con bú cũng lưu ý đến đến chế độ dinh dưỡng của bản thân, thực hiện ăn chín uống sôi, vì dinh dưỡng của mẹ cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bé. Đặc biệt, người lớn trước khi tiếp xúc với bé cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là lúc cho bé ăn.
Bệnh về da
Rôm sảy, hăm kẽ, mụn nước, bóng nước, chàm, thủy đậu, lang ben… là các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh liên quan đến da khi mùa nắng nóng tới. Bệnh về da thường khiến bé ngứa ngáy, khó chịu, quấy khóc, bỏ ăn làm ảnh hưởng đến sự phát triển.
Để phòng ngừa các bệnh về da cho bé trong mùa hè, mẹ cần giữ cho da bé luôn sạch sẽ và thoáng mát. Mẹ có thể dùng nước ấm, dùng xà phòng dành riêng cho trẻ sơ sinh để không khiến da trẻ bị kích ứng.
Thêm vào đó, mẹ cũng cần chọn chất liệu vải thoáng hơi và thấm hút mồ hôi tốt, chẳng hạn như vải cotton. Ngoài ra, quần áo, chăn màn, khăn lau… của bé cũng cần được quan tâm giặt giũ cẩn thận, tránh dùng đồ bị ẩm hoặc thấm nước tiểu của bé.
Lời khuyên cuối cùng, các bà mẹ nhớ đưa con đi khám bác sĩ nếu có những biểu hiện bất thường về da. Mẹ tránh việc bôi các loại thuốc kem hay thuốc uống mà không có chỉ định của bác sĩ. Ngay cả việc tắm các loại lá theo kinh nghiệm dân gian, mẹ cũng cần tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn.
Bệnh đường hô hấp
Thời tiết ngày hè tạo cơ hội thuận lợi cho nhiều bệnh hô hấp lây lan diện rộng. Tuy không mạnh mẽ như mùa lạnh nhưng mẹ cũng không nên lơ là.
Tiết trời nóng kèm theo độ ẩm không khí cao của mùa hè là điều kiện cho vi khuẩn và virus lây qua đường hô hấp “thăm hỏi” bé nhiều hơn. Như mẹ đã biết, sức đề kháng của bé còn kém thì khó lòng mà chống chọi lại được sức tấn công như vũ bão của chúng. Hơn nữa, việc cho bé nằm điều hòa nhiều hơn trong mùa nóng cũng là nguyên nhân khiến màng nhầy đường hô hấp ở mũi bị khô khiến con dễ mắc bệnh.
Có thể nói, sổ mũi, ho và viêm phế quản chính là các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh trong mùa hè. Cách tốt và khoa học nhất khi thấy trẻ có hiện tượng sổ mũi, ho lâu ngày không khỏi là mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chữa trị đúng cách.
Muốn phòng chống các bệnh hô hấp cho trẻ trong mùa hè, mẹ cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé, tránh để bé đi vào những môi trường thay đổi nhiệt độ đột ngột. Bên cạnh đó, mẹ cũng chú ý tiêm phòng cho bé đầy đủ, thường xuyên vệ sinh cá nhân, môi trường sống để tránh virus, vi khuẩn, nguồn bệnh sinh sôi, phát triển.
Cách đo nhiệt độ cho trẻ sơ sinh trong mùa hè đúng chuẩn
Ở những vị trí khác nhau, nhiệt độ cơ thể của trẻ cũng có sự khác nhau, cụ thể:
- Hậu môn khoảng 36,6 – 38 độ C;
- Tai khoảng 35,8 – 38 độ C;
- Nách khoảng 34,7 – 37,3 độ C.
Cách đo thân nhiệt trẻ sơ sinh
Đo ở hậu môn: Trước khi tiến hành đo tại đây, mẹ cần khử trùng hậu môn bằng cách đắp gạc vô trùng với cồn lên đầu nhiệt kế. Sau đó, mẹ thoa một chút dầu để tạo độ trơn rồi từ từ đẩy nhiệt kế vào khoảng 3cm. Mẹ chờ tối thiểu 3 phút trước khi đọc kết quả.
Đo ở tai: Đo nhiệt độ ở tai thường chỉ áp dụng đối với trẻ sơ sinh trên 3 tháng tuổi, vì các bé dưới 3 tháng có ống tai hẹp. Khi đo ở tai, mẹ cần dùng dụng cụ có dây hồng ngoại để đo. Khoảng 1 phút sau đó, mẹ có thể đọc kết quả.
Đo ở nách: Mẹ đặt nhiệt kế trực tiếp lên vùng da giữa nách của bé. Mẹ ép sát cánh tay có cặp nhiệt độ dọc theo chiều dài cơ thể khoảng từ 5 – 7 phút rồi đọc kết quả.
Một số lưu ý khi đo thân nhiệt cho trẻ sơ sinh
- Hậu môn là nơi phản ánh chính xác nhất nhiệt độ cơ thể bé. Đối với trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi trở xuống, mẹ ưu tiên thăm dò nhiệt độ cơ thể bằng cách đo nhiệt độ ở hậu môn.
- Khi đo nhiệt độ cho trẻ, mẹ tránh cho bé mặc quần áo quá dày và vận động nhiều. Ngoài ra, chỉnh nhiệt độ phòng trung bình cũng giúp việc đo thân nhiệt của trẻ có độ chính xác cao hơn.
- Thân nhiệt trẻ sơ sinh vào buổi chiều luôn cao hơn so với buổi sáng. Vì vậy, muốn nắm được nhiệt độ chính xác của bé, mẹ đừng quên lưu lại các kết quả trong ngày khoảng 3 lần (khi trẻ vừa thức dậy, trước khi tắm và lúc chập tối) để đối chiếu.
- Mẹ lưu ý không dùng cùng một nhiệt kế cho hai vị trí cùng lúc.
Trên đây là các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và cách phòng chống. Hy vọng bài viết đã đem lại những thông tin hữu ích cho mẹ. Đừng quên ghé thăm Mẹ&Con mỗi ngày để cập nhật thêm nhiều kiến thức về sức khỏe và cách chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ nhé!