Sốt virut
Sốt virut là một trong các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ. (Ảnh minh họa)
Thời tiết giao mùa như hiện nay luôn là điều kiện thuận lợi để các loại virus gây bệnh phát triển mạnh. Với các bé có hệ miễn dịch yếu thì đây là thời điểm dễ mắc sốt virus hơn cả.
Khi mắc bệnh, bé thường sốt cao trên 39 độ C, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, quấy khóc kèm các biểu hiện về hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, ho đờm. Tuy nhiên, mẹ không cần phải quá lo lắng, vì đây là bệnh lành tính.
Bệnh được điều trị chủ yếu bằng bù nước điện giải, hạ sốt, bổ sung dinh dưỡng và chăm sóc mũi họng tốt để tránh bội nhiễm.
Để phòng bệnh, mẹ cần nâng cao sức đề kháng của con bằng việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống nhiều nước mỗi ngày, chú ý mặc đồ theo thời tiết, nghỉ ngơi khoa học, vệ sinh cá nhân, môi trường sống sạch sẽ và hạn chế tiếp xúc với người mắc sốt virus.
Sốt xuất huyết
Không để bé bị muỗi đốt để phòng sốt xuất huyết vào mùa hè. (Ảnh minh họa)
Mùa hè luôn là thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh. Trẻ mắc sốt xuất huyết thường sốt cao đột ngột trên 38 độ C, chán ăn, buồn nôn, đau dữ dội vùng trán, đau nhức mình mẩy kéo dài trong nhiều ngày, không kèm theo ho, sổ mũi. Khi trở nặng, bé sẽ bị xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chân tay lạnh, nôn ra máu, đi cầu phân đen.
Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh cho bé là không để bé bị muỗi đốt, loại bỏ nơi làm tổ và sinh sản của “lũ muỗi”.
Bệnh tay chân miệng
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ. (Ảnh minh họa)
Tay chân miệng cũng nằm trong danh sách các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ. Bệnh có triệu chứng sốt nhẹ khoảng 38 độ C, kèm đau họng, sổ mũi trong thời gian ủ bệnh 3-6 ngày đầu. Giai đoạn phát bệnh, các mụn nước sẽ nổi nhiều ở xung quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay và bàn chân của bé.
Bệnh có thể được chỉ định điều trị tại nhà bằng phương pháp chườm mát hạ sốt, bù nước và chất điện giải cũng như đảm bảo dinh dưỡng cho bé bằng đồ ăn lỏng, dễ tiêu. Bên cạnh đó, mẹ cũng chú ý quan sát xem con có các biến chứng như co giật, sốt cao, hôn mê, mạch đập nhanh, chảy nhiều nước bọt hồng… hay không, để đưa con đi cấp cứu.
Cách phòng bệnh cho bé là tránh để bé tiếp xúc với người bệnh, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh sạch sẽ đồ chơi, bộ bát chén ăn của bé, nhà vệ sinh và nhớ cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Trên đây là những kiến thức về các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ. Khi nghi ngờ bé có dấu hiệu mắc bệnh, mẹ cần đưa bé đi khám ngay.