Mẹ&Con – Gọi là bữa “phụ” nên không ít người lơ là, chỉ cho trẻ ăn vài lát bánh qua loa, thậm chí… bỏ luôn, vì cho rằng tăng cường gộp chung vào bữa chính là được rồi.

Tuy nhiên, thực tế với trẻ em, không có bữa nào gọi là bữa “phụ” cả, dù là bữa xế, bữa đệm giữa sáng và trưa thì vẫn cần được chăm sóc đầy đủ, cung cấp cho cơ thể trẻ mọi dưỡng chất cần thiết như bữa chính.

Bua phu co can

(Ảnh minh hoạ)

Vì sao cần coi trọng?

Người lớn chỉ cần 3 bữa chính trong ngày: bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Nhưng với trẻ nhỏ, ngoài 3 bữa chính này nhất thiết cần thêm từ 2-3 bữa phụ xen kẽ, tùy theo độ tuổi. Tất cả những bữa ăn “đệm” đều cần được coi trọng không thua kém gì bữa chính. Nguyên nhân là vì trẻ em còn nhỏ, thể tích dạ dày rất nhỏ (dạ dày lớn dần theo tuổi của trẻ). Nếu đưa vào cơ thể một lượng lớn thực phẩm trong 3 bữa chính như người lớn thì trẻ không đủ sức “nạp” vào hay hấp thụ. Còn nếu chỉ để trẻ ăn đủ no trong những bữa chính, không có bữa phụ, thì lại không đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nên nhớ rằng, trẻ nhỏ không chỉ cần ăn để sống như người lớn, mà còn cần chế độ dinh dưỡng hoàn hảo để tiếp tục tăng trưởng, phát triển chiều cao, cân nặng…

Chưa hết! Thức ăn của trẻ nhỏ (nhất là trẻ ở độ tuổi ăn dặm) thường là sữa và các món loãng, lỏng, nhiều nước hơn “cái”, ít năng lượng nên rất mau tiêu, mau đói. Thế nhưng, nhiều người lại không biết điều này, cứ cho rằng bữa đệm chỉ nhằm mục đích giúp trẻ “bớt đói” trong khi chờ đến bữa ăn chính trong ngày nên chỉ chuẩn bị qua loa vài món ăn vặt cho trẻ, xem như chừng đó là đủ. Thật ra, bữa đệm cần được đáp ứng các nhu cầu về chất đạm, chất béo, chất bột đường và các chất quan trọng khác như chất xơ, vitamin C, sắt, canxi… Nhu cầu dinh dưỡng này nghe có vẻ như là quá nhiều cho một bữa ăn “phụ”, song thực tế là bạn có thể thực hiện rất dễ dàng theo những hướng dẫn trong chuyên đề này, không quá mất công như bạn tưởng.

Tại trung tâm dinh dưỡng, bác sĩ cũng thường bắt gặp câu hỏi: “Tôi thấy con có vẻ hơi thừa cân, như vậy tôi có nên cắt các bữa phụ của con, chỉ cho con ăn 3 bữa chính thôi không?”. Câu trả lời là: Không nên! Nếu bé có dấu hiệu thừa cân, bạn có thể phối hợp cùng chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ, để lên những thực đơn phù hợp cho bữa phụ, giảm đi chất béo, chất đường. Tuy nhiên, hoàn toàn không nên bỏ hẳn bữa phụ vì như đã nói, mỗi bữa ăn trong ngày đều đóng một vai trò quan trọng để giúp trẻ phát triển hoàn thiện.

Cũng tuyệt đối không nên cho trẻ ăn vặt vào những bữa ăn phụ, nhất là ăn bánh kẹo. Vì tuy chất đường trong bánh kẹo có thể khiến trẻ cảm thấy no ngang, mất cảm giác đói, song thực chất bánh kẹo không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng mà cơ thể trẻ cần. Cũng nên phân biệt, bữa đệm / bữa phụ khác với chuyện… ăn vặt suốt ngày. Một khi trẻ ăn vặt luôn miệng thì nguy cơ béo phì sẽ tăng, cảm giác đói trong những bữa chính sẽ mất đi, cơ thể sẽ càng dễ trở nên thiếu chất (dù béo phì vẫn có thể bị thiếu chất). Nên nhớ, bữa phụ là bữa đệm giữa hai bữa chính, có thời gian ăn cố định trong ngày.

Ăn gì trong bữa phụ?

Không nên để khoảng cách giữa các bữa ăn lâu hơn 4 tiếng, trừ buổi tối, khi bé ngủ một giấc khoảng 6-8 tiếng mới thức dậy ăn bữa sáng. 

Ở độ tuổi khoảng 6 tháng tuổi, bữa đệm của bé cần đầy đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, đạm, rau, dầu) không khác gì bữa chính (ngoài ra còn kèm thêm 6-8 cữ sữa). Sau 8 tháng, bữa phụ có thể là một ít cháo, nui, bún… Khi được khoảng 2 tuổi, các bữa chính bé ăn cơm, bữa phụ có thể ăn các món tương đối loãng, lỏng để bé dễ ăn, đỡ ngán (vẫn kèm thêm lượng sữa theo yêu cầu). Trong trường hợp bé chưa theo kịp biểu đồ tăng trưởng, trẻ cần được bổ sung thêm trong bữa phụ ngoài món lỏng như cháo, bún những món như bánh flan, sữa chua, kem… Từ 3 tuổi trở lên, bữa phụ của bé có thể thay thế bằng những lát bánh mì sandwich, chè, bánh da lợn, xôi, v.v..

Bạn để ý rằng trong bữa phụ, nhớ bổ sung cho bé một ít trái cây tươi, để tăng cường lượng vitamin và chất xơ. Nếu bé không chịu ăn trực tiếp trái cây, có thể xay thành sinh tố, như một món “tráng miệng” ngon lành cho bé trong bữa phụ. Sau 2-3 tháng liên tục, trong trường hợp trẻ không ổn về biểu đồ tăng trưởng như không tăng cân, tăng quá chậm hoặc quá nhanh, mẹ cần xem lại các bữa ăn nói chung và bữa phụ nói riêng. Có thể gia giảm, ví dụ như trẻ thừa cân thì bữa phụ sẽ được tăng cường rau quả, trái cây ít ngọt nhiều hơn là các món khác. Ngược lại, nếu trẻ không theo kịp biểu đồ tăng trưởng, nên tăng cường những bữa phụ lên tương đương bữa chính, tăng cường sữa, chất đạm, chất béo, v.v..

Một số gợi ý cho bữa ăn phụ bạn có thể thực hiện cho bé từ 2 tuổi trở lên như: sữa chua trộn với trái cây xắt thật nhỏ; sữa chua với vài chiếc bánh quy mặn; bánh mì sandwich kẹp với một ít trứng hoặc cá ngừ / gà…, có thể cho thêm vào bánh mì một ít phô mai mềm. Những thực đơn dễ làm khác như một quả bơ xay nhuyễn, bánh mì với chuối chín, một chén mì, nui, cháo (có thịt bằm và rau), súp cua, súp bắp… (rót thêm vào những món lỏng này một chút dầu ô liu). Nếu không có nhiều thời gian để chuẩn bị những thực đơn hơi “phức tạp”, bạn có thể chọn cách đơn giản như mua các hộp bánh ngũ cốc (đầy đủ chất dinh dưỡng, có bán ở siêu thị của các thương hiệu uy tín). Bạn trộn bánh ngũ cốc này với một ít sữa tươi, cho thêm vào một ít trái cây xắt nhỏ là sẽ được bữa ăn đệm đầy đủ chất.

 

Một số món cho bé trong bữa phụ

Bua phu co can

Hỏi nhanh bác sĩ

Phân chia thời gian bữa ăn của bé ra sao? 

H: Bé nhà tôi được 4 tuổi. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp, tôi nên sắp xếp, phân chia thời gian các bữa ăn phụ của bé trong ngày như thế nào là tốt nhất? 

Đ: Bạn nên cho bé ăn bữa đầu tiên trong ngày sau khi bé thức dậy khoảng 30 phút. Bữa này có thể là một bữa ăn đặc như cơm, cháo, bún, bánh mì… Kế đến, sau khoảng 2-3 giờ nên cho bé ăn bữa phụ (bữa thứ hai). Nên đổi món để bé đỡ ngán, ví dụ như cho con uống một ly sữa, ăn một chút bánh kẹp thịt. Nếu bé nhà bạn đã đi mẫu giáo thì ở trường, các cô sẽ lo cho bé đầy đủ bữa này. Khoảng 2-3 giờ sau lại là bữa trưa. Khi bé ăn xong, ngủ trưa thức dậy (cách bữa trưa chừng 3 giờ), bé sẽ được ăn tiếp một bữa phụ (bữa thứ tư). Cứ thế đến bữa tối, rồi bữa phụ trước khi đi ngủ. Thông thường, trẻ cần khoảng 5-6 bữa ăn trong ngày, có thể xen kẽ giữa bữa ăn đặc với bữa ăn loãng. Khoảng cách giữa các bữa ăn trung bình là 2-3 giờ.   

Làm cách nào để bé hào hứng với bữa phụ? 

H: Bé nhà tôi rất lười ăn. Ba bữa chính bé còn chịu ăn một chút. Nhưng đến những bữa phụ thì bé chỉ ăn rất ít, thậm chí bỏ bữa. Tôi nên làm thế nào để con “hào hứng” hơn cùng những bữa ăn phụ này? 

Đ: Trước hết, bạn cần cố gắng đa dạng hóa thức ăn, thay đổi khẩu vị khiến bé thích ăn hơn, giúp phòng ngừa bệnh chán ăn và ăn lệch chất cho bé. Ngoài ra, nên khích lệ bé, làm mẫu cho bé, cùng ăn với bé một cách vui vẻ trong những bữa phụ này (nếu bé đi học mẫu giáo, việc ăn bữa phụ sẽ thuận lợi hơn vì bé thấy các bạn cùng ăn sẽ bắt chước, trong khi ở nhà bé thường chỉ ăn bữa phụ một mình).

Tags:

Bài viết liên quan