Tư thế cho con bú
Cho con bú sai tư thế không chỉ khiến bé không nhận được đủ lượng sữa mà núm vú của mẹ còn có nguy cơ bị rạn và đau nhức. Vì thế, mẹ nên:
– Đặt bé nằm nghiêng một bên, bụng bé chạm vào bụng mẹ.
– Dùng một cái gối để đỡ bé và ôm bé sát trước ngực mẹ, không đưa cơ thể của mẹ ra phía bé. Để các ngón tay của mẹ vào xung quanh quầng vú.
– Nhẹ nhàng nghiêng đầu của bé lại, hướng môi trên của bé chạm nhẹ tới núm vú của mẹ.
– Khi bé mở miệng ra, hướng núm vú vào vòm miệng của bé.
– Nghiêng đầu bé về trước, đưa hàm trên của bé vào bầu ngực sâu hơn – đảm bảo bé đã ngậm được toàn bộ núm vú. Khi cho con bú, bạn cần để ý đến cách bé ngậm núm vú để luôn tạo cho bé tư thế thoải mái nhất.
Tần suất cho bé bú
Trong giai đoạn sơ sinh, bạn cần cho bé bú mẹ bất cứ khi nào bé muốn. Mỗi lần bú, bé sẽ không bú nhiều vì dạ dày của bé vẫn còn rất nhỏ. Hầu hết trẻ sơ sinh đều bú liên tục khoảng 10 – 12 cữ bú/24 giờ.
Những dấu hiệu cho thấy bé đang đói:
– Bé khóc
– Bé rúc vào ti mẹ
– Bé mở mắt và tìm kiếm ti mẹ
– Bé có cử động bú mút như cho tay vào miệng.
Nhận biết bé đã bú đủ sữa
Không như bú sữa bình, cho bé bú mẹ, bạn không thể biết được bé đã bú được bao nhiêu sữa. Để đảm bảo bé nhận được đủ lượng sữa, mẹ hãy quan sát số lần đi tiểu tiện và đại tiện của bé. Khi bé từ 7 ngày tuổi trở đi, bé sẽ tè 6 – 8 lần và ít nhất là 2 lần “đi nặng” mỗi ngày. Ngoài ra, bé bú đủ sữa mẹ cũng thường lên cân đều đặn khoảng từ 0,11 đến 0,17 kg mỗi tuần. Bé cũng sẽ tỏ ra thỏa mãn sau mỗi lần bú và có thể ngủ thiếp đi.
Làm quen với máy hút sữa
Mẹ bỉm sữa cần biết những kiến thức cơ bản về nuôi con bằng sữa mẹ. (Ảnh minh họa)
Máy hút sữa sẽ là bạn đồng hành trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ của bạn. Chúng giúp tạo nguồn sữa dự trữ cho bé, đồng thời giúp giải quyết cơn căng tức ngực và duy trì nguồn sữa mẹ khi bạn bận việc. Bạn có thể bắt đầu hút sữa khi bé từ 3 – 4 tuần tuổi trở lên và nên hút sữa thường xuyên vào cùng một thời điểm nhất định, tương ứng với những cữ bú của bé trước đó.
Dùng máy hút sữa là cách giúp bé có cơ hội làm quen với việc bú sữa bình, đồng thời giúp bạn dự trữ được nhiều sữa mẹ trong tủ lạnh.
Đối phó với tắc tia sữa
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa là việc thay đổi thời gian và số lượng sữa mà bạn từng cho bé bú, ví dụ như thay đổi khi bé bắt đầu ngủ xuyên đêm hoặc bắt đầu quá trình ăn dặm.
Cách tốt nhất để đối phó với tắc tia sữa là bạn nên cho bé bú hoặc dùng máy hút sữa thường xuyên. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng miếng gạc, nhúng nước ấm và vắt khô rồi đắp lên bầu ngực. Bạn cũng chú ý uống nhiều nước và nghỉ ngơi khoa học.
Khi bé thích cắn
Thông thường, bé thích cắn ti mẹ thường do một trong các nguyên nhân sau đây: Bé vừa nhú lên những chiếc răng đầu tiên khi đủ 4, 5 tháng tuổi nên cảm thấy bứt rứt hay ngứa lợi và cắn một thứ gì đó sẽ làm bé dễ chịu hơn. Bé buồn ngủ hoặc đã bú no cũng thích cắn ti mẹ. Tư thế cho bé bú không đúng như ôm bé không chặt khiến bé cảm thấy không an toàn, sắp rơi xuống nên cắn ti mẹ…
Để xử trí với bé thích cắn ti mẹ, trước tiên bạn hãy đặt bé bú đúng tư thế và không bao giờ ép bé bú khi bé không đói. Trong lúc cho bé bú, bạn hãy đặt ngón tay gần miệng. Khi phát hiện bé có dấu hiệu lạ như bắt đầu day đầu ti, bạn hãy nhanh chóng kéo núm ti ra khỏi miệng bé.
Tránh thai khi cho con bú
Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, bạn nên lựa chọn thuốc tránh thai hoặc loại que cấy tránh thai chỉ chứa progestin. Các loại thuốc tránh thai thông thường chứa estrogen có thể làm giảm nguồn sữa mẹ. Ngoài ra, sau khoảng 6 tuần sau sinh bạn mới được sử dụng thuốc tránh thai và trước đó, bạn có thể dùng bao cao su.
Giờ thì mẹ đã có thể yên tâm thực hiện thiên chức làm mẹ của mình rồi đấy.