Với bố mẹ, thật khó để chấp nhận việc nghe những lời nói tục, chửi bậy được phát ra từ chính chiếc miệng nhỏ xinh của đứa con mà mình yêu thương. Tuy nhiên, thực tế ngày càng có nhiều trẻ chửi thề, đặc biệt là đối tượng học sinh lên cấp 2, cấp 3. Vậy lúc này, bố mẹ cần phải làm gì?
- Ôi các chị ạ, em sốc quá. Trước giờ con em ở nhà rất ngoan ngoãn, gọi dạ bảo vâng. Vậy mà hôm nay thấy nó chat với bạn trên mạng xã hội, vô tình đọc được thì có rất nhiều câu chửi thề trên đó. Em chưa dám nói với ông xã vì sợ anh ấy sẽ đánh con. Giờ em nên phớt lờ coi như không có gì hay nên nói chuyện với nó đây. Em sợ nói ra nó lại tự ái vì mẹ đọc trộm tin nhắn của con.
(Tâm sự từ bạn đọc V.T)
- Giờ bọn trẻ chửi thề kinh lắm, mới lớp 3 lớp 4 đã bắt chước người lớn, nói chuyện với nhau hay cãi nhau gì cũng nói tục chửi bậy được hết. Bố mẹ mà không quản con thì con hư có ngày.
(Bạn đọc M.A chia sẻ)\
- Chuyện con chửi thề em cũng biết lâu rồi. Nói mãi mà con cũng có thay đổi đâu. Trước mặt ba mẹ thì con hứa không chửi vậy thôi chứ ra ngoài gặp bạn bè một cái là lại thay đổi soành soạch, dùng những ngôn từ không thể chấp nhận nỗi. Thấy em la nên con cố “gồng” không phát ngôn những từ đó trước mặt người lớn, còn sau lưng thì… em cũng chịu, chẳng biết phải làm thế nào.
(Chị H.T.T)
Đây là những bình luận tiêu biểu trên một diễn đàn khi đề cập đến vấn đề trẻ chửi thề. Quả thật, chuyện trẻ chửi bậy, nói tục ngày càng một phổ biến và không có gì làm xa lạ trong những năm gần đây. Nhưng câu hỏi được đặt ra là, cần làm gì để giáo dục khi trẻ chửi thề? Liệu đòn roi có cắt đứt được hoàn toàn tình trạng này?
Nguyên nhân trẻ chửi thề do đâu?
Có rất nhiều lý do khiến trẻ chửi thề mà một khi bố mẹ có thể “giải mã” được thì sẽ tìm được cách dạy con phù hợp. Tùy theo độ tuổi, việc chửi thề của trẻ sẽ xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau:
Trẻ dưới 3 tuổi
Thông thường, khi trẻ 3 tuổi hoặc nhỏ hơn, việc trẻ chửi thề xuất phát từ việc con lặp lại theo âm thanh từ những người xung quanh. Khi nghe người khác nói, con sẽ nói theo mà không biết được ý nghĩa thật sự của những lời nói này là gì.
Xem thêm: Làm sao để cùng con vượt qua khủng hoảng tâm lý trẻ 3 tuổi
Trẻ trên 3 tuổi
Với trẻ trên 3 tuổi, nguyên nhân chửi thề có thể là do:
- Muốn khẳng định mình: Việc chửi về ở độ tuổi từ 8 tuổi trở lên thường là do trẻ đang loay hoay trong việc gây ấn tượng với bạn bè xung quanh và nghĩ rằng, càng dùng những từ nói tục thì càng giúp bạn bè “nể” mình.
- Để bộc lộ cảm xúc: Không như người lớn, trẻ con không biết phải làm sao để bộc lộ cảm xúc của bản thân, đặc biệt là khi cảm xúc đang dâng trào mạnh mẽ, khi con tức giận nhất hoặc khi con đang cảm thấy hạnh phúc đến tột độ. Và lúc này, những lời chửi thề như một “phương tiện” để con làm điều này.
- Không biết dùng từ sao cho đúng: Trẻ con vẫn đang trong quá trình học hỏi, tiếp thu ngôn ngữ mới. Do đó, đôi khi con sẽ dùng những từ nói bật mà không biết được những từ này có đúng hay không.
Và dù ở trong độ tuổi nào đi chăng nữa, môi trường sống cũng có ảnh hưởng đến việc trẻ chửi thề. Nếu người lớn trong nhà, hàng xóm, bạn bè trong khu phố thường xuyên chửi thề. những lời nói bậy sẽ được “tiêm nhiễm” vào đầu của trẻ, khiến con xem đó là một việc bình thường.
Trẻ chửi thề, bố mẹ làm sao để trách phạt đúng cách?
Giải thích cho con về ý nghĩa của những từ chửi thề
Không phải lúc nào trẻ cũng hiểu hết về ý nghĩa của những gì mình đang nói mà đôi khi chỉ bắt chước bạn bè xung quanh, sợ bị bạn bè “kỳ thị”, nghỉ chơi vì mình không dùng những ngôn ngữ giống với bạn. Vì thế, khi nghe trẻ chửi thề, bạn có thể hỏi thử xem con có thật sự hiểu được ý nghĩa của những từ mà con đang sử dụng hay không.
Sau đó, đừng quên giải thích cho con về ý nghĩa của những từ mà con sử dụng một cách nhẹ nhàng để con hiểu được những từ này không đúng như thế nào, từ đó việc trẻ chửi thề sẽ không xảy ra nữa.
Xem thêm: Cách dạy con ngoan không cần đòn roi
Dạy con cách gây ấn tượng với bạn bè
Trong độ tuổi dậy thì, khao khát được khẳng định mình của trẻ thường rất lớn. Do đó, con sẽ tìm mọi cách để gây ấn tượng với bạn bè, trong đó có cả việc trẻ chửi thề. Vì thế, hãy ngồi lại và trò chuyện với trẻ, cho con biết rằng có rất nhiều cách để con khẳng định chính mình, để mọi người nhớ về mình, chẳng hạn như học thật giỏi, chơi thể thao thật tốt hay đơn giản chỉ là một người bạn tốt, hòa đồng với mọi người là đã được mọi người yêu mến mà không cần chửi thề.
Dạy con cách thể hiện cảm xúc
Đôi khi, trẻ chửi thề vì lúc đó cảm thấy vui sướng hoặc tức giận quá mức nhưng không biết phải bộc lộ tâm trạng lúc đó của mình như thế nào để mọi người có thể hiểu được. Do đó, để giảm thiểu việc trẻ nói tục chửi bậy, bạn có thể hướng dẫn con làm sao để thể hiện và kiềm chế cảm xúc của mình. Khi con biết được có thể thể hiện tâm trạng theo những cách khác, con cũng sẽ tự động giảm việc chửi thề dần dần.
Làm tấm gương cho con
Bên cạnh việc khích lệ con sử dụng những từ ngữ khác, ngăn cấm trẻ chửi thề thì bố mẹ cũng nên làm một tấm gương tốt cho con. Bố mẹ không chửi thề thì trẻ cũng sẽ ít chửi thề hơn. Vì thế, nên cố gắng để kiểm soát hành vi của mình, đặc biệt là những lúc tức giận, vợ chồng cãi nhau, la mắng con cái,… để trẻ thấy được dù bố mẹ có khó chịu đến đâu cũng không chửi thề để con có thể học hỏi bố mẹ.
Đặt ra hình phạt và phần thưởng với con
Sau khi trò chuyện, giải thích với trẻ, một chút nghiêm khắc từ bố mẹ cũng giúp con cải thiện tình trạng này. Bạn có thể đặt ra hình phạt cụ thể với con, chẳng hạn như nếu lần sau trẻ chửi thề thì không được xem tivi 1 tuần hoặc không được đi công viên chơi 1 tuần.
Ngược lại, nếu bố mẹ nghe con không chửi thề trong vòng 1 tháng con sẽ được một món quà nhỏ chẳng hạn. Điều này sẽ khích lệ trẻ cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói của mình hơn.
Trẻ chửi thề không phải là chuyện hiếm gặp. Thậm chí hiện nay, cứ 10 trẻ thì có đến 8,9 trẻ chửi thề. Do đó, việc quan trọng là bố mẹ tìm được phương pháp nuôi dạy con đúng để có thể hướng dẫn trẻ tránh xa thói xấu này.