Mẹ và Con - Trong cuộc sống, ai cũng sẽ có lúc cảm thấy áp lực, nhất là khi dịch bệnh hoành hành, công việc bị xáo trộn như hiện nay. Những gì bạn cần lúc này chính là học cách giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi để năm mới thật khởi sắc.

Căng thẳng, áp lực có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn nếu bạn không mau chóng tìm cách giải tỏa căng thẳng. Vậy, phải làm sao để đánh bay stress trong vòng 1 nốt nhạc? Câu trả lời sẽ được Tạp chí Mẹ và Con bật mí dưới đây, cùng thực hiện theo để năm mới có nhiều thay đổi tích cực cho bản thân nhé!

căng thẳng áp lực

Vì sao chúng ta cảm thấy thấy căng thẳng, áp lực?

Căng thẳng là tình trạng cảm xúc tiêu cực phải đối mặt khi gặp áp lực hoặc chuyện buồn trong cuộc sống. Xã hội ngày nay, con người sống luôn bận rộn với công việc và dần thu mình lại nhiều hơn do đó những căng thẳng ngày một đè nén nhiều hơn. Dưới đây là một số nguyên nhân gây căng thẳng ở người: 

  • Các vấn đề gia đình: người thân mất, chuyển nhà, tài chính, nuôi dạy con…
  • Các vấn đề việc làm: việc nhiều, chưa có lương, thiếu thời gian, không tiền sống, bị sếp la mắng, mâu thuẫn nơi làm việc, thất nghiệp…
  • Các vấn đề cá nhân: mối quan hệ vợ chồng, tình yêu, bạn bè, phá thai, có con, bệnh tật…
  • Các vấn đề khác: kẹt xe, ô nhiễm, nghỉ hưu, mong chờ một điều gì đó chưa chắc chắn như kết quả xét nghiệm, điểm thi…

Một số người bị căng thẳng nhưng không tìm ra nguyên nhân cụ thể. Cảm giác bực bội, lo lắng thậm chí là trầm cảm khiến bản thân stress hơn những trường hợp khác. 

Căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến bạn như thế nào?

giải tỏa căng thẳng

Khi bị căng thẳng, người ta thường có các triệu chứng như đổ mồ hôi, đau lưng, đau ngực, chuột rút hoặc co thắt cơ, đau cơ, ngất xỉu, nhức đầu, cao huyết áp, giảm ham muốn, rối loạn chức năng cương dương, đau bụng, khó ngủ, cắn móng tay, nhức cơ, suy yếu khả năng miễn dịch…

Bên cạnh đó, khi không thể giải tỏa căng thẳng thì suy nghĩ và cảm xúc cũng bị ảnh hưởng tiêu cực như thường xuyên tức giận, lo lắng, trầm cảm, cảm thấy bất an, hay quên, khó chịu, mất tập trung, bồn chồn, buồn bã, mệt mỏi…

Ngoài ra, người bị căng thẳng cũng có những thay đổi trong hành vi hàng ngày như ăn quá nhiều hoặc quá ít, tức giận dữ dội, lạm dụng ma túy, rượu bia, hút thuốc nhiều, có các biểu hiện chống đối xã hội, thường xuyên khóc, các mối quan hệ cũng bị ảnh hưởng…

Các bí quyết giúp giải tỏa căng thẳng

Căng thẳng, áp lực, đặc biệt là áp lực công việc là cảm xúc thường thấy trong xã hội hiện đại ngày nay. Để không ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như công việc, hãy tham khảo những cách giải tỏa căng thẳng dưới đây, bạn nhé!

Viết ra những điều phiền muộn, gây căng thẳng

Viết nhật ký về các tình huống gây stress có thể giúp bạn tìm được nguyên nhân cũng như điều đang khiến bạn cảm thấy căng thẳng. Đó có thể là những yếu tố khách quan như không gian làm việc có mùi khó chịu, chỗ ngồi không thoải mái… Nội dung có thể bao gồm cả con người, địa điểm, sự kiện khiến bạn có những phản ứng về thể chất, tinh thần và cảm xúc. 

stress

Quản lý thời gian

Nhiều người bị stress công việc là do không biết cách quản lý thời gian biểu. Hãy thử lập ra một danh sách ưu tiên mỗi ngày bằng cách chuẩn bị các nhiệm vụ và xếp hạng chúng theo mức độ quan trọng. Mỗi ngày chỉ nên tập trung làm 2 nhiệm vụ để có thể hoàn thành được tốt nhất. Đây là cách giải tỏa căng thẳng cực kỳ hiệu quả và nâng cao năng suất, chất lượng công việc cho bạn.

Tránh xa khu vực “thị phi”

Xung đột với đồng nghiệp cũng có thể gây ra stress, mệt mỏi trong công việc. Ai cũng muốn hòa nhập với tập thể công ty, văn phòng, song bạn nên tránh xa những câu chuyện thị phi hoặc nói xấu sau lưng người khác. Tốt nhất nên chuyển hướng tới những chủ đề tích cực hơn hoặc nếu cảm thấy khó chịu thì quay lại công việc của mình. 

đồng nghiệp

Chăm sóc sức khỏe bản thân

Áp lực, căng thẳng cũng có thể là do bệnh tật, ốm yếu, thiếu ngủ, ăn không đủ chất. Do đó, để giải tỏa căng thẳng bạn cần chú trọng chăm sóc sức khỏe của bản thân. Bắt đầu bằng việc cải thiện giấc ngủ, hạn chế thức khuya và đi ngủ sớm hơn. Ăn ít, ăn nhiều bữa và ăn những thức ăn lành mạnh để có một sức khỏe dẻo dai và đủ dưỡng chất. Khi ở nơi làm việc cảm thấy căng thẳng, hãy nghe nhạc thiền và nghỉ ngơi 5 phút để những áp lực tiêu tan. Ngoài ra, vào buổi sáng trước khi bắt đầu công việc, thay vì ăn sáng hoặc tán gẫu hãy dành 2-3 phút hít thở sâu và không suy nghĩ gì để tiếp năng lượng cho ngày mới.

Dành thời gian thư giãn cho bản thân

Hạn chế việc mang công việc chưa làm xong về nhà làm hoặc kiểm tra tin nhắn công việc, vì như vậy sẽ khiến bản thân có quá ít thời gian để nghỉ ngơi dẫn tới căng thẳng, áp lực. Sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi, hãy cho phép mình được nghỉ ngơi trọn vẹn. Bạn có thể ngâm mình trong bồn tắm nước nóng để đầu óc được thư giãn hoặc chơi đùa cùng thú cưng, chơi những trò chơi trực tuyến, xem phim, hẹn bạn đi chơi…để giải tỏa căng thẳng cho bản thân. 

thú cưng

Đừng lo lắng người khác nghĩ gì về bạn

Nhiều người cảm thấy căng thẳng, áp lực vì không biết người khác nghĩ gì về mình, có đang nói xấu mình không hay có đang chửi thầm mình không… Thay đổi góc nhìn của bản thân để mọi thứ trở nên tích cực.

Như câu chuyện của một nữ ca sĩ người Hàn Quốc, Lee Hyori và chồng của mình tự tay đóng một chiếc ghế gỗ. Sau khi chà nhám phần mặt ghế để ngồi thì anh chồng tiếp tục chà nhám phần đáy ghế. Khi được vợ hỏi tại sao lại mất công chà phần mà không ai nhìn thấy thì anh trả lời rằng anh ấy nhìn thấy. Lúc này người vợ chợt nhận ra rằng việc người khác nghĩ về mình không quan trọng mà bản thân nghĩ như thế nào  mới thật sự quan trọng. 

Chia sẻ tâm sự

Nếu cảm thấy lo lắng, muộn phiền thì hãy chia sẻ tâm sự với các thành viên gia đình, bạn bè thậm chí có thể nhờ giúp đỡ khi cần thiết. Gia đình và bạn bè sẽ cùng bạn vượt qua áp lực, giúp bạn giải tỏa căng thẳng và cân bằng lại cuộc sống.

Cuộc sống bộn bề lo toan, sẽ có hàng vạn thứ khiến bạn phải suy nghĩ. Nhưng lo lắng sẽ không khiến các vấn đề tự nhiên biến mất. Vì thế, hãy giải tỏa căng thẳng, áp lực để đầu óc được thảnh thơi, tập trung đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho bản thân bạn nhé! Mẹ và Con chúc bạn có một năm mới thật thành công! 

Bài viết liên quan