Chúng ta cũng có thể thấy được vai trò rất lớn của công nghệ đối với từng gia đình của chúng ta. Song song đó cũng có những tác hại của công nghệ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của mỗi người. Vậy làm sao để có thể sử dụng công nghệ đúng cách?
Vai trò của công nghệ trong cuộc sống
Hàng chục ngàn trẻ đã ra đời nhờ công nghệ IVF
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một loạt các thủ tục phức tạp được sử dụng để hỗ trợ sinh sản, giúp những đôi vợ chồng không may mắn trong đường sinh nở có thể mỉm cười khi chào đón đứa con đầu lòng của mình.
Có thể nói, IVF là hình thức hiệu quả nhất của công nghệ hỗ trợ sinh sản. Không chỉ có cơ hội mang thai, nếu có nhiều hơn một phôi được chuyển đến tử cung, IVF có thể dẫn đến việc mang đa thai, mẹ có thể sinh đôi hoặc sinh ba, sinh bốn,…
Nhìn chung, IVF mang đến cơ hội cho những đôi vợ chồng để có thể chào đón đứa con của mình một cách khỏe mạnh nhất.
Tác dụng giải trí, kết nối với mọi người
Thời điểm dịch Covid-19 là lúc con người sử dụng công nghệ nhiều hơn cả. Những ngày dịch bệnh ở nhà, nhờ vào sự tiện ích của công nghệ, chúng ta vẫn có thể xem phim mà không cần đi đến rạp chiếu, có thể trò chuyện với người thân và bạn bè mà không cần phải tiếp xúc gần với nhau.
Tuy điều này không thể nào thay thế hoàn toàn cho những cuộc gặp gỡ thân tình, cho buổi hẹn hò cùng bạn bè đến rạp chiếu phim nhưng ít ra, chúng ta vẫn có phương tiện để giải trí, thư giãn, kết nối với nhau, an ủi động viên nhau cố gắng hơn mỗi ngày.
Phương tiện để học tập, làm việc
Với những ứng dụng công nghệ, chưa bao giờ con người phải ngừng học, ngừng làm việc, kể cả trong thời điểm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng nhất. Học trực tuyến cùng thầy cô trên Internet, làm việc tại nhà,… chính là “điểm sáng” mà công nghệ đã mang đến cho tất cả chúng ta.
Bố mẹ có thêm nhiều thông tin để chăm sóc sức khỏe con một cách khoa học
Không phải ai cũng có đủ kiến thức trong việc nuôi dạy con cái, đặc biệt là những người làm bố, làm mẹ. Bế con như thế nào thì đúng cách, trẻ sốt bao nhiêu độ thì cần đưa đến bệnh viện, trẻ tăng cân như thế nào thì được xem là béo phì,… Sẽ có 1001 vấn đề mà bố mẹ chưa biết.
Thế nhưng, ngày nay, hầu hết các thông tin về việc nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe con sao cho khoa học đều được cập nhật trên Internet và các phương tiện truyền thông xã hội. Nhờ vào đó, bố mẹ có thể sử dụng công nghệ để tìm kiếm được những thông tin phù hợp để có thể nuôi con sao cho đúng cách nhất.
Trẻ có thể tự cập nhật những kiến thức sức khỏe cho bản thân
Không chỉ bố mẹ mà chính trẻ cũng có thể sử dụng công nghệ để tìm hiểu những thông tin liên quan đến sức khỏe bản thân. Chỉ cần gõ những từ khóa trên Internet, thế là hàng ngàn nguồn thông tin đã hiện ra. Nhờ đó, con sẽ “bỏ túi” được cách để đánh răng sao cho đúng, những món ăn nào thì tốt cho sức khỏe, nên đi ngủ lúc mấy giờ để cao lớn hơn,… Như vậy, con sẽ có lối sống khoa học hơn hơn.
Không chỉ vậy, hiện nay có rất nhiều người trẻ lập các diễn đàn chia sẻ về việc sống lành mạnh, ăn uống dinh dưỡng, tập thể dục như thế nào,… Trẻ có thể tham gia các diễn đàn này để được truyền thêm cảm hứng cho việc bảo vệ sức khỏe của mình thay vì chỉ miễn cưỡng làm theo vì bị bố mẹ nhắc nhở.
Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần nhớ rằng, Internet là một nguồn thông tin mở mà bất kỳ ai cũng có thể thay đổi kiến thức được phổ biến. Vì thế, không phải nguồn thông tin nào cũng chính xác. Nên cẩn thận với những thông tin mà trẻ tiếp cận để hạn chế tình trạng con hiểu sai, biết sai và làm sai, gây ảnh hưởng xấu với sức khỏe.
Lan tỏa những thông điệp tích cực cho cộng đồng
Sự xuất hiện của công nghệ mang vai trò rất lớn đối với cộng đồng, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn. Công nghệ đã len lỏi vào trong cuộc sống của chúng ta, mang đến cho chúng ta những thông tin tích cực, giúp chúng ta có cái nhìn lạc quan hơn.
Mở rộng thế giới quan
Có thể nói, công nghệ đến và mang cho chúng ta vô vàn những lợi ích thiết thực. Sử dụng công nghệ có thể giúp mở rộng thế giới quan, tiếp cận thông tin từ nhiều hướng khác nhau để nhìn nhận sự việc ở nhiều góc độ hơn, biết cân nhắc và phân tích lý lẽ hơn.
Bố mẹ “xuất chiêu” dạy con sử dụng công nghệ
Song song với những lợi ích thường thấy, sử dụng công nghệ cũng gây nên nhiều ảnh hưởng xấu nếu không sử dụng đúng cách. Chúng ta dễ dàng thừa cân béo phì, cận thị, đau mỏi vai gáy, xương khớp,… Ngoài ra, việc tiếp cận với công nghệ quá nhiều mà không sống “thực” khiến con người dần quên đi cách giao tiếp, thiếu kỹ năng sống cơ bản, dễ bị tiếp cận thông tin sai lệch, mắc các bệnh tâm lý thần kinh, dễ cảm thấy cô đơn,…
Nếu trẻ không biết sử dụng công nghệ, con sẽ dễ bị thụt lùi so với bạn bè và không được tiếp cận với những lợi ích của công nghệ đối với cuộc sống. Vì thế, việc quan trọng không phải là cấm con sử dụng công nghệ, mà cần hướng dẫn con cách dùng công nghệ như thế nào để tận dụng hết mọi lợi ích mà công nghệ mang lại nhưng vẫn không nghiện công nghệ, đảm bảo có sức khỏe tốt, luôn lạc quan, hạnh phúc.
Hướng dẫn con sử dụng công nghệ sao cho đúng
Trước khi cấp cho trẻ bất kỳ thiết bị điện tử nào, dù là tivi hay điện thoại, dù là máy tính bảng hay chiếc laptop, bạn cũng cần nhớ hướng dẫn con những nguyên tắc sau đây:
- Hãy hướng dẫn con cách để khởi động thiết bị cũng như tắt thiết bị mỗi khi dùng xong. Và với các thiết bị có sử dụng dây sạc, đừng quên căn dặn con phải rút dây điện sau mỗi lần sử dụng.
- Không sử dụng điện thoại trong lúc sạc, không được đặt máy tính bảng đang sạc ở gần khu vực bếp ăn, đặc biệt là khu vực lò vi sóng/lò nướng đang hoạt động, không dùng dây sạc có dấu hiệu đứt, hở mạch,… là những vấn đề cần dạy con ngay từ đầu để đảm bảo trẻ dùng công nghệ một cách an toàn nhất.
- Ngoài ra, đừng quên chia sẻ với con cách để bảo mật thông tin nếu sử dụng mạng xã hội, không được truy cập vào các ứng dụng không rõ ràng, thông báo ngay với ba mẹ nếu con bị đe dọa trên mạng,…
Bố mẹ cũng có thể sử dụng công nghệ trong việc hướng dẫn, dạy con
Với sự thiết thực của con nghệ trong cuộc sống ngày nay, bố mẹ có thể sử dụng công nghệ để dạy con đúng cách:
Chơi game cùng con
Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc chơi game cùng con? Những ông ba, bà mẹ hi-tech có thể tìm hiểu các trò chơi có ứng dụng công nghệ để cùng chơi với con của mình. Một gợi ý cho bạn chính là trò chơi thảm nhảy thông minh có kết nối với TV. Với trò chơi này, trẻ không chỉ được thư giãn mà còn được vận động, tránh tình trạng ù lì chỉ ngồi một chỗ cùng với chiếc điện thoại hoặc máy tính. Bên cạnh đó, thảm nhảy cũng có tích hợp với ba môn yoga, bạn có thể cùng con đặt ra thử thách như “ai tập yoga được lâu hơn” để vừa chơi, vừa vận động, lại khiến ba mẹ gần gũi với con hơn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các trò chơi giáo dục cho trẻ trên điện thoại, chẳng hạn như các trò chơi khám phá từ vựng tiếng Anh và chơi cùng con. Khoảng thời gian bên con sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều phải không nào?
Xem TV cùng con
Không cần phải làm những việc “đao to búa lớn”, đôi khi ba mẹ chỉ cần dành thời gian để ngồi xem TV cùng con là đủ. Hiện nay, các kênh truyền hình có rất nhiều nội dung ba ích, chẳng hạn như chương trình “Thế giới động vật” giúp con khám phá cuộc sống của những “người bạn” lớn trong thiên nhiên hoang dã, cập nhật được nhiều thông tin ba ích liên quan đến hoạt động hằng ngày đầy thú vị của những “người bạn” này.
Hoặc truyền hình còn có các khung giờ học tiếng Anh, giải bài tập, các nội dung hướng dẫn tái chế đồ vật trong gia đình,… ba mẹ có thể cùng con xem TV và ba túi thêm nhiều thông tin hữu ích cho cả gia đình.
Hoặc đơn giản, chúng ta cũng có thể dành thời gian để xem phim cùng con. Những ba phim hoạt hình ngày nay được lồng ghép với nhiều thông điệp ý nghĩa mà bạn có thể chia sẻ, hướng dẫn con sau khi kết thúc ba phim thay vì để con tự xem những ba phim không phù hợp.
Khi công nghệ giúp ba mẹ hiểu con hơn
Mạng xã hội là một nơi mà nhiều đứa trẻ sử dụng để chia sẻ thông tin về cuộc sống của mình. Con có thể ngại khi tỉ tê với ba mẹ về cậu bạn lớp bên mà con cảm mến, nhưng lại sẵn sàng viết thật nhiều về cậu ấy trên trang cá nhân của mình. Con có thể không bộc lộ niềm đam mê về các hoạt động vẽ tranh trước mặt ba mẹ, nhưng lại ấn “thích” vô vàn bài viết trên Facebook có liên quan đến những hoạt động này.
Khi công nghệ đang dần trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của con, ba mẹ có thể sử dụng công nghệ để kết nối cùng con. Chúng ta có thể kết bạn cùng con trên Facebook, để thấy được tâm sự của con. Chúng ta có thể tạo một tài khoản ảo, trở thành một người bạn “ảo” của con để trò chuyện cùng con, lắng nghe nỗi niềm của con.
Nhờ vào đó, ba mẹ có thể hiểu con hơn, đồng cảm và chia sẻ với tâm tư tình cảm của con. Nhờ vào đó, ba mẹ có thể biết con cần gì, muốn gì. Nhờ vào đó, ba mẹ cũng có thể biết được những suy nghĩ nào của con là chưa đúng, những hành động nào chưa phù hợp, những vấn đề nào mà con đang gặp phải, để kịp thời can thiệp, giúp con tốt hơn từng ngày.
Hiểu những câu chuyện, sở thích của con
Đã bao giờ bạn cảm thấy “bí lù” khi nghe con nhắc đến một bộ phim mới ra mà con đang yêu thích? Đã bao giờ bạn tự hỏi, Tiktok có gì mà con sẵn sàng dành nhiều thời gian để xem đến vậy? Chỉ khi thực sự tiếp cận với công nghệ, xem những gì con xem, làm những gì con làm, chúng ta mới có thể hiểu được hết những câu chuyện, sở thích của con. Và chỉ như vậy, chúng ta mới có thể trở thành những người bạn đúng nghĩa của con.
Tập thói quen con chia sẻ với ba mẹ
Khi chưa quen với việc chia sẻ cùng ba mẹ, trẻ sẽ cảm thấy ngại ngùng và không biết nên bắt đầu việc này từ đâu. Và dĩ nhiên, trẻ sẽ càng cảm thấy khó khăn hơn khi phải kể hết mọi tâm tư thầm kín của mình trước mặt ba mẹ.
Nếu đây là một việc khó nhằn với con như thế, bạn có thể khéo léo bày con cách “tâm sự online” cùng ba mẹ. Thay vì phải ngồi trò chuyện với nhau, con có thể nhắn tin với ba mẹ để kể về một ngày của con. Lâu dần, kho con hình thành thói quen chia sẻ cùng ba mẹ, bạn có thể giúp con dần chuyển sang việc tâm sự trực tiếp. Như vậy, trẻ sẽ không còn cảm thấy việc nói ra là một điều không khả thi nữa.
Liên lạc với con
Với bố mẹ thường xuyên đi công tác, bạn có thể sử dụng công nghệ để liên lạc, trò chuyện với con hằng ngày, hạn chế tạo khoảng cách giữa bố mẹ và con cái.
Làm sao để trẻ sử dụng công nghệ một cách có ích nhất?
- Cho con sử dụng Internet như nguồn tài nguyên học tập: Thay vì cấm con sử dụng điện thoại hoặc xem YouTube, hãy giúp con tìm cách sử dụng chúng như một nguồn tài nguyên học tập hiệu quả. Bạn có thể cùng con tìm kiếm những video clip hướng dẫn nói tiếng Anh, hướng dẫn con tự làm đồ handmade, cách giải các bài toán hay,… để con có thể học nhiều hơn thông qua các thiết bị điện tử và Internet.
- Cho trẻ tiếp xúc với các nền tảng khác nhau: Công nghệ sẽ tiếp tục phát triển. Vì vậy, tốt nhất bạn nên khuyến khích trẻ làm quen với nhiều thiết bị điện tử và nền tảng công nghệ khác nhau, từ iPad đến Windows, MAC, IOS, Android,.. Điều này sẽ giúp con có thể nhanh chóng thích ứng với các công nghệ khác nhau trong tương lai.
- Giới hạn và tối đa hóa thời gian sử dụng công nghệ: Để con dùng công nghệ một cách hữu ích nhất, hãy hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử của trẻ. Thay vào đó, hãy hướng tới việc tối ưu hóa thời gian sử dụng thiết bị hoạt động bằng các trò chơi, ứng dụng và trang web giáo dục trực tuyến thú vị giúp trẻ có cơ hội học tập thêm nhiều điều hay ho thông qua Internet và các thiết bị điện tử.
- Khi con làm “thầy cô”: Bạn có thể khuyến khích trẻ học tập nhiều hơn, sử dụng công nghệ có ích hơn bằng cách đặt ra những lớp học giả định. Trẻ có thể đóng vai “thầy cô”, chia sẻ với bố mẹ những bài học hữu ích mà con học được sau khi sử dụng công nghệ. Điều này sẽ giúp cảm thấy hứng thú hơn khi dùng công nghệ để học tập thay vì chỉ dùng với mục đích giải trí.
Cách thiết kế “quy định” sử dụng công nghệ, mạng xã hội trong gia đình
Theo các chuyên gia y tế, trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiếp cận với điện thoại hoặc các thiết bị điện tử từ quá sớm vì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, thần kinh cũng như hành vi của trẻ trong tương lai. Đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên, bố mẹ nên cho trẻ dùng điện thoại dưới 1-2 tiếng/ngày và dưới sự kiểm soát chặt chẽ về kênh cũng như nội dung các chương trình, video giải trí.
Để trẻ có thể sử dụng công nghệ đúng, bạn nên đặt ra một số nguyên tắc như:
- Mỗi ngày con đều có thời gian cho phép để chơi game, xem phim. Tuy nhiên, con chỉ được phép giải trí sau khi đã hoàn thành các “nhiệm vụ” mà bố mẹ đặt ra trong ngày như làm xong bài tập về nhà, đã gấp hết quần áo của mình, ăn xong cơm,…
- Cả gia đình phải đảm bảo có ít nhất 30 phút để trò chuyện cùng nhau mỗi ngày. Trong thời gian này, cả bố mẹ cũng không được phép sử dụng công nghệ.
- Để tránh trẻ thức quá khuya chơi game, nên tắt hết các kết nối wifi sau 10 giờ tối.
- Cài đặt chế độ tự động tắt trên các thiết bị điện tử của trẻ. Sau thời gian quy định, điện thoại/máy tính sẽ tự động tắt nguồn và con cần hiểu rằng đã đến lúc không chơi nữa nữa.
- Đặt ra hình thức khen thưởng – phạt cho cả gia đình. Nếu ai sử dụng công nghệ nhiều hơn thời gian quy định, “vi phạm” các lỗi như dùng điện thoại lúc đang ăn cơm thì phải chịu hình phạt không được dùng điện thoại trong ngày tiếp theo, phải đi rửa chén cho bữa ăn hôm nay. Ngược lại, nếu cả tuần tuân thủ đúng các quy định thì sẽ được thưởng thêm 30 phút chơi game chẳng hạn. Và cả người lớn cũng phải làm gương để con có thể học tập theo.
Trong thời đại kỹ thuật số hóa ngày nay, những người bố, người mẹ có thể sử dụng công nghệ để dạy con, giúp con trở thành những “công dân kỹ thuật số” đầy thành công. Thay vì để con là một đứa nhóc mải mê với những bộ phim vô thưởng vô phạt, hãy sử dụng công nghệ để trở thành đòn bẩy cho sự phát triển của con trong cuộc sống, bạn nhé!