Mẹ và Con - Trong giai đoạn bé còn răng sữa, mẹ cần có kế hoạch bảo vệ, chăm sóc răng miệng cho trẻ thật chu đáo theo hướng dẫn sau đây của Tạp chí Mẹ và Con. Đảm bảo bé yêu của mẹ sẽ có hàm răng trắng đều như hạt bắp.

Có khoảng 85% trẻ em ở nước ta bị sâu răng sữa. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề cho sức khỏe của trẻ về sau. Vì thế, Tạp chí Mẹ và Con mách ba mẹ cách chăm sóc răng miệng cho trẻ thật khoa học như sau nhé!

Chăm sóc răng miệng cho trẻ từ chiếc răng sữa 

Răng sữa gồm 20 chiếc (10 chiếc hàm trên và 10 chiếc hàm dưới), thường mọc khi trẻ được 5-6 tháng tuổi và hoàn tất quá trình này khi trẻ được 3 tuổi. Chức năng của những chiếc răng bé nhỏ này là giúp bé ăn uống, phát âm, cố định răng vĩnh viễn và phát triển xương hàm thông qua hoạt động nhai.

Thông thường, nhiều người cho rằng răng sữa chỉ tồn tại trong khoảng một vài năm đầu đời của trẻ rồi được thay thế bằng răng vĩnh viễn, nên lơ là việc chăm sóc răng miệng cho trẻ, thậm chí là bỏ qua để cho những tổn thương ban đầu có cơ hội phát triển, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ như:

  • Nguy cơ khiến răng vĩnh viễn không thể mọc lên do vi khuẩn tấn công nướu, làm hại mầm răng.
  • Răng vĩnh viễn mọc lệch, mọc sai vị trí vì răng sữa bị hư.
  • Trẻ bị lệch khớp cắn và xương hàm do không có răng sữa định hình vị trí cho răng vĩnh viễn.
  • Khả năng phát âm của trẻ bị hạn chế do bị mất răng.
  • Trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, kém phát triển cơ hàm do răng bị hư.
  • Cuối cùng, nguy hiểm nhất chính là nguy cơ tủy răng bị vi khuẩn tấn công gây viêm dẫn đến hoại tử, áp xe, nhiễm trùng máu…
Chăm sóc răng miệng cho trẻ
Chăm sóc răng miệng cho trẻ

Bí kíp chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ bằng thực phẩm 

Điều này thoạt nghe có phần vô lý, nhưng thực tế lại mang đến hiệu quả bất ngờ và việc áp dụng lại khá nhẹ nhàng, thoải mái đối với cả mẹ và bé. Những thực phẩm mà Mẹ và Con gợi ý cho bạn đều rất lành mạnh, giúp răng chắc khỏe lại có thể ngăn ngừa tình trạng axít trong khoang miệng tăng cao, bảo vệ lớp men răng, chống lại việc răng bị bào mòn…

Thực phẩm chứa canxi

Đứng đầu nhóm những thực phẩm có khả năng bảo vệ hàm răng sữa cho trẻ chính là canxi. Bởi lẽ, khoáng chất này là thành phần cơ bản cấu tạo nên xương và răng, được hấp thu ở đầu ruột non và chuyển vào máu để đáp ứng nhu cầu cốt hóa và khoáng hóa răng.

Mỗi ngày, trẻ nhỏ dưới 7 tuổi cần khoảng 1.000 mg canxi để đảm bảo nhu cầu của cơ thể, trong đó có việc phát triển men răng và ngà răng, ngăn ngừa nguy cơ bị sâu răng.

Do đó, muốn bảo vệ những chiếc răng sữa xinh xắn của bé, mẹ đừng quên bổ sung vào thực đơn của con các loại thực phẩm giàu canxi như: sữa và các chế phẩm từ sữa; hải sản như tôm, cua, hàu…; các loại rau như rau chân vịt, súp lơ xanh, cải xoăn…; các loại ngũ cốc như đậu nành, vừng (mè)…

Thực phẩm chứa magiê

Các nhà nghiên cứu cho biết, khoảng 50-75% magiê trong cơ thể tập trung ở xương. Vì thế, chúng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển hệ xương khớp và cả răng.

Khoáng chất này có khả năng hỗ trợ cho cơ thể tổng hợp canxi, giúp răng chắc khỏe, chống lại các tác nhân gây bệnh răng miệng. Vì thế, mẹ có con nhỏ trong độ tuổi mầm non cần ưu tiên những thực phẩm giàu magiê trong bữa ăn hàng ngày.

Đó là các loại cá béo như cá hồi, cá thu và cá bơn… Các loại rau giàu magiê gồm có khoai tây, bí ngô, dưa chuột, atisô… Ở trái cây, mẹ có thể chọn bơ, chuối, xoài, dưa hấu… Cuối cùng là các loại đậu và hạt như đậu đen, đậu phụng (lạc), hạt bí, hạt hướng dương… cũng là nguồn cung cấp magiê dồi dào cho trẻ nhỏ.

Thực phẩm chứa vitamin D

Có thể nói “bộ ba” canxi, magiê và vitamin D luôn có mặt trong quá trình phát triển hệ xương và răng của con người. Nếu thiếu vitamin D, việc cung cấp canxi và magiê cũng không thể đạt được mục đích bảo vệ răng miệng cho trẻ nhỏ.

Nguyên nhân là do vitamin D đóng vai trò điều hòa sự cân bằng canxi trong cơ thể, tăng cường hấp thu canxi nên có thể giúp duy trì sự khỏe mạnh của xương. Ngoài ra, chức năng kháng viêm nướu của vitamin D là một trong những điểm ưu việt giúp bảo vệ răng miệng của bé yêu khỏi nguy cơ bị vi khuẩn tấn công.

Có thể mẹ quan tâm: Dấu hiệu thiếu vitamin D

Thông thường, lượng vitamin D khuyến nghị cho người bình thường là 600 IU/ngày. Ngoài cách hấp thu vitamin D qua ánh nắng, mẹ cũng có thể bổ sung vi chất này qua thực phẩm. Đó là các loại cá nhiều mỡ, dầu gan cá, phô mai, lòng đỏ trứng, sữa, nấm…

chăm sóc răng miệng cho trẻ với các thực phẩm chứa vitamin D

Thực phẩm chứa flour

Flour có vai trò cực kỳ quan trọng với quá trình tạo ngà răng và men, phát triển răng, nhất là ở giai đoạn bé yêu cần hấp thu, tích lũy dưỡng chất để hình thành răng vĩnh viễn. Chất dinh dưỡng này thường ít được biết đến nhưng lại có thể giúp ngừa sâu răng cho trẻ từ 20-40%.

Xem thêm: 1001 điều cần biết về sâu răng ở trẻ em

Nếu thiếu flour, trẻ sẽ dễ bị sâu răng, mòn cổ răng do lớp ngà và men răng không đủ chắc nên bị các loại axít từ thức ăn tấn công. Ngoài ra, thiếu flour, xương còn dễ bị xốp do quá trình chuyển hóa canxi và phốt pho bị rối loạn.

Chính vì vậy, mẹ cũng cần chú ý đến việc bổ sung vi chất này cho trẻ qua các loại thực phẩm dễ tìm hàng ngày như sữa tươi, cá trích, cà rốt, chuối tiêu, khoai lang, đậu tương, nấm mỡ…

Chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách

Hầu hết trẻ sẽ bắt đầu thay răng lúc 5-6 tuổi, một số trường hợp sớm hơn là khi trẻ được 4 tuổi và muộn hơn là khi trẻ được 8 tuổi. Quá trình thay răng sữa hoàn tất khi bé được 12-13 tuổi. Ba mẹ nên:

  • Nhắc nhở và giám sát bé đánh răng ít nhất 2 lần/ngày.
  • Hạn chế ăn vặt giữa các bữa ăn chính và nhất là trước khi đi ngủ.
  • Hạn chế thức ăn và nước uống nhiều đường như kẹo, nước ngọt.
  • Thực hiện khám răng định kỳ 6 tháng/lần.
  • Nếu bé bị sâu răng, cần phải điều trị sớm theo hướng dẫn của nha sĩ.

Thời gian mọc và thay răng sữa

Có thể chênh lệch từ 6-12 tháng là hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, quá trình thay răng cũng tuân theo thứ tự như khi trẻ mọc răng. Răng nào mọc trước thì sẽ được thay trước. Muốn chăm sóc răng miệng cho trẻ, ba mẹ nên biết:

Thứ tự và thời gian mọc răng sữa:

  • Răng cửa giữa                    : 6-8 tháng tuổi
  • Răng cửa bên                     : 9-12 tháng tuổi
  • Răng hàm sữa thứ nhất      :12-15 tháng tuổi
  • Răng nanh sữa                   : 18-21 tháng tuổi
  • Răng hàm sữa thứ hai      : 24-30 tháng tuổi

Theo dõi thời gian mọc và thay răng sữa

Thời gian thay răng:

  • Răng cửa giữa: 5-7 tuổi
  • Răng cửa bên: 7-8 tuổi
  • Răng hàm sữa thứ nhất: 9-10 tuổi
  • Răng nanh sữa: 10-11 tuổi
  • Răng hàm sữa thứ hai: 11-12 tuổi

Chăm sóc răng miệng cho trẻ là một hành trình nhiều vất vả. Tuy nhiên, vì sự phát triển sức khỏe toàn diện của con thì mọi cố gắng đều xứng đáng, đúng không ba mẹ?  

Bài viết liên quan