Mẹ và Con - Đau nửa đầu, đau đầu do thay đổi thời tiết sẽ thường xảy ra vào thời điểm giao mùa. Rất nhiều người nhạy cảm đến nỗi bản thân họ giống như một “máy dự báo thời tiết”.

Chứng đau đầu do thay đổi thời tiết này thường không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng lại rất khó chịu. Cụ thể thì điều gì đã kích hoạt cơn đau? Liệu có khi nào bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn? Có cần uống thuốc để trị đau đầu do thời tiết không? Mời bạn tìm hiểu chi tiết từng phần trong bài viết sau nhé.

Nguyên nhân gây đau đầu do thay đổi thời tiết

Nhiều người mắc chứng đau đầu, đau nửa đầu đã báo cáo tình trạng bệnh nặng hơn vào những khi trái gió trở trời. Một số nghiên cứu đã thống kê được các tác nhân chính kích hoạt cơn đau đầu do thay đổi thời tiết thường là:

  • Thay đổi độ ẩm trong không khí.
  • Chênh lệch nhiệt độ trong ngày
  • Điều kiện môi trường quá khô hanh
  • Ô nhiễm không khí, bụi mịn
  • Thời tiết cực đoan như bão
Đau đầu do thay đổi thời tiết
Đau đầu do thay đổi thời tiết

Bên cạnh đó, áp suất khí quyển thay đổi cũng có thể gây đau đầu. Khi áp suất bên trong xoang và bên ngoài cơ thể chênh lệch sẽ gây đau nhức đầu, mặt.

Một khảo sát nhỏ tại Nhật cho thấy chỉ cần áp suất thay đổi một lượng nhỏ cũng làm chứng đau đầu nghiêm trọng hơn. Điều này khá tương tự như khi bạn đi máy bay và bị ù tai, chóng mặt do áp suất đột ngột thay đổi khi cất/hạ cánh. 

Xem thêm: Bị ù tai phải làm sao ?

Một số nhà nghiên cứu cho rằng các cơn đau đầu do thay đổi thời tiết là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Cơn đau đầu chính là dấu hiệu cơ thể cảnh báo rằng bạn đang trong môi trường có thời tiết không thuận lợi. Thúc đẩy chúng ta tìm kiếm một môi trường sống có thời tiết tốt hơn để hạn chế các cơn đau này.

Triệu chứng đi kèm đau đầu do thay đổi thời tiết

Thông thường các cơn đau không xuất hiện đơn lẻ. Người bị đau đầu, đau nửa đầu do thời tiết, do giảm áp suất khí quyển khả năng cao sẽ nhận thấy một số triệu chứng đính kèm như:

  • Buồn nôn hoặc ói mửa
  • Cảm giác tê mỏi cổ và mặt
  • Đau ở một hoặc cả hai bên thái dương
  • Nhạy cảm với ánh sáng hơn

Dấu hiệu của đau đầu do thay đổi thời tiết thay đổi khá mơ hồ và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do vậy, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu cơn đau và các triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sinh hoạt của mình.

Hãy nhớ cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt. Nhất là bệnh sử, tình trạng sức khỏe để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nhất. Một số câu hỏi bác sĩ sẽ hỏi thêm:

  • Bạn thường bị đau đầu vào thời gian nào?
  • Con đau đầu kéo dài trong bao lâu?
  • Các yếu tố nào làm tăng/giảm mức độ đau đầu?

Cách làm giảm đau đầu do thay đổi thời tiết

Việc xử lý cơn đau đầu cần dựa trên mức độ nặng nhẹ cũng như tình hình sức khỏe người bệnh. 

Phòng ngừa đau đầu không dùng thuốc

Nếu đã xác định được nguyên nhân cụ thể thì bạn có thể chủ động phòng ngừa chứng đau đầu này. Dưới đây là một vài biện pháp giúp cải thiện tình trạng đau đầu do thay đổi thời tiết:

  • Duy trì thói quen sinh hoạt điều độ và xây dựng chế độ ăn uống hợp lý.
  • Thường xuyên vận động nhẹ nhàng vào các ngày trong tuần.
  • Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày và ngủ vào khung giờ cố định để tạo thói quen cho hệ thần kinh.
  • Tăng cường vitamin C và chất xơ, khoáng chất qua rau củ, trái cây.
  • Giữ ấm cơ thể đặc biệt là chân tay, cổ trong những ngày trời lạnh nhằm tránh trúng gió, cảm lạnh gây đau nhức đầu.

Không cần thuốc giảm đau, cơ thể chúng ta có thể tự tổng hợp các chất giảm đau rất hiệu quả. Serotonin và dopamine là hai chất dẫn truyền thần kinh giảm đáng kể mức độ đau mà chúng ta cảm giác được. Chúng cũng liên quan mật thiết tới trạng thái tâm trạng.

Đó là lý do tại sao trong những ngày trước cơn đau nửa đầu, mọi người thường thèm socola (chứa chất hóa học chuyển thành serotonin trong cơ thể chúng ta) và sự gần gũi, giúp tăng cường serotonin, dopamine và hormone liên kết, oxytocin – vốn cũng được biết tới như là một loại thuốc giảm đau mạnh.

Cách làm giảm đau đầu do thay đổi thời tiết

Khi có dự báo thời tiết xấu hoặc khi áp suất không khí thay đổi bạn có thể nhai kẹo cao su để giữ cân bằng áp suất trong xoang miệng, mũi và đặc biệt là ống Eustachian. Eustachian chạy từ tai giữa đến cổ họng và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cân bằng áp suất trong ngoài.

Sử dụng thuốc giảm đau

Trong trường hợp cơn đau ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống thì bạn có thể dùng thuốc cắt cơn. Phổ biến nhất hẳn là thuốc giảm đau không kê đơn chứa paracetamol. Ngoài ra còn có Ibuprofen và Excedrin, một loại thuốc kết hợp giữa caffeine, acetaminophen và aspirin. Khi dùng thuốc bạn cần lưu ý đến liều lượng cũng như tương tác thuốc. Tốt hơn hết vẫn là tham khảo thêm ý kiến chuyên gia.

Nhìn chung việc đau đầu do thay đổi thời tiết không phải dấu hiệu bệnh lý nghiêm trọng. Hầu hết mọi người có thể giảm đau bằng các biện pháp không can thiệp thuốc. Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau nếu cần cắt cơn gấp nhưng hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng nhé.

Bài viết liên quan