Mẹ và Con - Xác định mình có thuộc nhóm đối tượng dễ mắc bệnh ung thư tuyến giáp hay không sẽ rất có ích cho việc phòng ngừa và điều trị sau này.

Những ai dễ bị bệnh ung thư tuyến giáp là câu hỏi rất được quan tâm. Thông thường, đây là căn bệnh xuất hiện ở phụ nữ trẻ tuổi.

Tuy nhiên, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra bệnh ung thư tuyến giáp. Vậy hãy cùng tìm hiểu khái niệm ung thư tuyến giáp, mức độ nguy hiểm và cách chữa trị trong bài viết sau.

Ung thư tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là bộ phận ở cổ, có chức năng kiểm soát trao đổi chất và chuyển hóa trong cơ thể. Bệnh ung thư tuyến giáp xuất hiện là do sự hình thành và phát triển khác thường những tế bào trong tuyến giáp.

Bệnh ung thư tuyến giáp là ung thư tuyến nội tiết phổ biến nhất ở Việt Nam và cả thế giới. Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu là lúc mà tổn thương chỉ mới có ở tuyến giáp, chưa đi đến những bộ phận xung quanh.

bệnh ung thư tuyến giáp

Xét trên đặc điểm mô bệnh học, bệnh ung thư tuyến giáp hay được phân ra làm 2 thể đó là thể biệt hóa và không biệt hóa, cùng sự khác biệt về mặt lâm sàng, tiên lượng và cách điều trị. Ung thư tuyến giáp hầu hết là ở thể biệt hóa, khi bệnh phát triển chậm, nhận biết được sớm và có thể cắt bỏ và tiên lượng tốt.

Đối với thể không biệt hóa, bệnh sẽ phát triển rất nhanh, thường chỉ phát hiện ở giai đoạn muộn khi khối u đã di căn rộng và xa, tiên lượng lúc này cũng xấu hơn.

Những dấu hiệu sớm của ung thư tuyến giáp bạn cần biết

Mọi người sẽ thắc mắc ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không? Câu trả lời là nếu phát hiện sớm khi ung thư mới ở giai đoạn đầu thì tỉ lệ khỏi bệnh tương đối cao.

Tỷ lệ bệnh nhân sống hơn 5 năm có thể đạt 100%. Tuy vậy, do chỉ mới khởi phát, dấu hiệu ung thư tuyến giáp lúc này vẫn chưa rõ ràng và có thể bị nhầm lẫn với các căn bệnh khác.

Bệnh nhân thông thường chỉ biết mình mắc bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi bệnh đã tiến triển nặng hơn. Nếu bản thân chưa chắc mình có mắc bệnh ung thư tuyến giáp hay không thì sau đây là những dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu bạn nên để ý:

  • Cổ xuất hiện khối u: Đối với nam giới, có thể thấy khi đang cạo râu còn nữ giới là khi trang điểm. Nếu khối u là ác tính thì nó sẽ cứng chắc, không dịch chuyển khi nuốt, khác với khối u lành tính thường mềm và dịch chuyển được.
  • Giọng bị khàn: Khối u tuyến giáp phát triển sẽ chèn lên thần thanh quản, khí quản, thần kinh thanh quản, làm ta khàn giọng, tệ hơn là khó thở hay thở khò khè.
  • Khó khăn khi nuốt: Thực quản bị khối u gây áp lực nên thức ăn không thể dễ dàng đi qua.
  • Ở cổ có hạch: Xuất hiện hạch ở cổ cũng là một dấu hiệu ung thư tuyến giáp.

Khi mắc bệnh ung thư tuyến giáp thì phải làm sao?

Bạn nên đến thăm khám càng sớm càng tốt các cơ quan y tế khi thấy bản thân xuất hiện các triệu chứng bệnh ung thư tuyến giáp. Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe của bạn để theo dõi.

Một số xét nghiệm lâm sàng sẽ được chỉ định cho bạn để có phương hướng điều trị thích hợp như: Siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm máu, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, xạ hình tuyến giáp, phẫu thuật…

Nếu xác định bạn đã mắc bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ đưa ra một số phương án điều trị cần thiết và bạn nên tuân theo một cách chính xác. Đó là những phương pháp như: Phẫu thuật, điều trị Iod phóng xạ, điều trị nội tiết…

bệnh ung thư tuyến giáp

Những ai có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp?

Hãy chú ý nếu bạn thuộc những đối tượng có nguy cơ cao dưới đây:

Phụ nữ trẻ tuổi

Tuy điều này vẫn chưa thể giải thích được nhưng đúng là phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh ung thư tuyến giáp gấp 3 lần so với nam giới. Căn bệnh thường xuất hiện ở người phụ nữ trong độ tuổi từ 40 hoặc 50.

Còn đối với nam giới thì trễ hơn, từ khoảng 60 đến 70 tuổi mới khởi bệnh. Tuy vậy, độ tuổi này đang có chiều hướng trẻ hóa cả ở nữ giới lẫn nam giới.

Người có gen đột biến di truyền dễ mắc ung thư tuyến giáp

Một vài điều kiện di truyền được xem là có liên quan đến bệnh ung thư tuyến giáp. Nhưng đa số người mắc căn bệnh này lại không theo di truyền hay có người thân đã từng mang bệnh.

Người cũng đang có những bệnh lý khác trong cơ thể

Bạn sẽ dễ bị bệnh ung thư tuyến giáp hơn nếu thuộc những nhóm người sau:

  • Người mang hội chứng FAP: Đây là hội chứng do sự phát triển nhiều polyps đại tràng – một tác nhân của ung thư ruột già. Vì vậy, người mắc dễ phát triển thêm những khối u khác, dĩ nhiên có cả khối u tuyến giáp.
  • Người có bệnh Cowden: Căn bệnh này khá nguy hiểm khi làm tăng khả năng mắc các dạng ung thư ác tính như: Ung thư tuyến giáp, ung thư tử cung, ung thư vú.

Người có người thân đã hoặc đang mắc bệnh ung thư tuyến giáp

Nếu thân nhân bậc một như: Cha, mẹ, anh, chị, con có bệnh thì có nguy cơ bạn cũng sẽ gặp phải. Tuy nhiên, cơ sở về mặt di truyền của loại ung thư này vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Người có chế độ ăn không đủ i-ốt

Những dân cư ở các khu vực, châu lục có chế độ ăn uống không đủ i-ốt có tỉ lệ cao mắc bệnh ung thư tuyến giáp, đặc biệt nếu cơ thể cũng đã bị phơi nhiễm phóng xạ trước đây.

Người bị ảnh hưởng bởi bức xạ

Một tác nhân đã được kiểm chứng có khả năng cao gây bệnh ung thư tuyến giáp chính là phóng xạ. Bạn có thể bị nhiễm bức xạ này khi điều trị y tế, hoặc do ảnh hương từ những vụ tai nạn nhà máy điện, vũ khí hạt nhân.

Việc đã từng điều trị chiếu xạ đầu và cổ khi còn bé cũng là một nguy cơ cao. Mức độ bức xạ nếu quá cao và độ tuổi lúc ấy của bạn là quá nhỏ thì dĩ nhiên rủi ro sẽ rất lớn. Còn đối với người trưởng thành thì nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp trong trường hợp này lại không đáng kể.

Một số cách để ngăn ngừa bệnh ung thư tuyến giáp

Những phương pháp sau sẽ giúp ngăn ngừa khả năng mắc bệnh ung thư tuyến giáp:

  • Tránh xa các tia bức xạ: Cố gắng không lại gần tia bức xạ ngay từ bé. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với chúng (trường hợp điều trị y tế), nên làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.
  • Chế độ ăn uống khỏe mạnh: Giảm việc dung nạp nhiều chất béo vào cơ thể. Tăng cường bổ sung rau xanh, hoa quả, trái cây, những món ăn nhiều vitamin, chất dinh dưỡng cần thiết.

chế độ ăn uống cho người bệnh ung thư tuyến giáp

Đặc biệt, phải chú ý cân bằng hàm lượng i-ốt của cơ thể, không để thiếu hoặc thừa i-ốt để không gây hại đến tuyến giáp.

  • Giữ cân nặng ở mức hợp lý: Hãy thường xuyên vận động, tập thể thao và tránh sử dụng các đồ ăn ngọt, nhiều chất béo để có một chỉ số cân nặng khỏe mạnh. Nếu đang trong tình trạng thừa cân, béo phì, bạn nên nhanh chóng lên kế hoạch giảm cân nhé.
  • Quan tâm đến các dấu hiệu sớm của bệnh ung thư tuyến giáp: Khi thấy các dấu hiệu bất thường ở tuyến giáp, không được chủ quan mà hãy đến thăm khám y tế một cách sớm nhất. Ngoài ra, chủ động khám sức khỏe định kỳ để sàng lọc, nhận biết sớm khi khối u chưa phát triển rộng, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao.

Nếu có thể phát hiện và chữa trị kịp thời, khả năng kéo dài cuộc sống cho người bệnh là vô cùng lớn.

Bệnh ung thư tuyến giáp tuy nguy hiểm nhưng sẽ chữa trị được khi phát hiện kịp thời. Nếu thuộc nhóm đối tượng dễ mắc căn bệnh này thì bạn hãy chủ động phòng ngừa sớm và thực hiện đúng những tư vấn của bác sĩ nhé!

Bài viết liên quan