Sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan rất nhanh và dễ dàng bùng phát thành dịch. Bệnh sởi ở trẻ em đặc biệt nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh sởi ở trẻ em là gì?
Bệnh sởi là bệnh lý lây truyền cấp tính qua đường hô hấp, do virus sởi gây ra. Người bệnh thường có các triệu chứng như sốt, viêm kết mạc mắt, viêm long đường hô hấp và tiêu hoá, có phát ban dát đỏ mọc tuần tự từ mặt tới thân mình. Bệnh sởi ở trẻ em khi không được phát hiện sớm và có hướng can thiệp kịp thời có thể trở thành dịch.
Vì sao bệnh sởi ở trẻ em có diễn biến nhanh và nặng?
Thời điểm lý tưởng cho bệnh sởi ở trẻ em phát triển thường là mùa đông – xuân. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, dịch sởi có thể bùng phát bất kỳ lúc nào nào trong năm.
Đây là căn bệnh lây nhiễm cấp tính, thường lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh (virus sởi thoát ra ngoài khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi, ho…). Do đó, bệnh rất dễ lây lan nhanh chóng tại các khu vực đông người như trường học, khu dân cư, văn phòng…, từ đó bùng phát trở thành dịch.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sởi là trẻ em. Đây là nhóm người bệnh có sức đề kháng kém. Khi không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển theo chiều hướng xấu, gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy…, thậm chí là đe dọa tính mạng của bệnh nhi.
Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh sởi ở trẻ em. Phương pháp điều trị cơ bản thường là khắc phục các triệu chứng bệnh, kết hợp cải thiện chế độ dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân sạch sẽ ở mỗi người bệnh.
Bệnh sởi ở trẻ em có lây không?
Bệnh sởi em trẻ em có nguy cơ lây lan rất nhanh. Đây là căn bệnh do virus gây nên. Chủng virus này thường sinh sôi và phát triển trong chất nhầy ở mũi và cổ họng của người bệnh. Chúng có thể lây truyền từ người này sang người khác khi người mang virus nói chuyện, ho, hắt hơi… với người khỏe mạnh.
Ngoài ra, virus sởi còn có thể tồn tại ở trong không khí và trên những bề mặt ở môi trường bên ngoài tới 2 giờ. Do đó, khi trẻ chạm vào những giọt bắn có virus gây bệnh trong không khí hoặc dính trên những bề mặt (tay nắm cửa, bàn…), sau đó lại chạm lên miệng, mũi sẽ là cơ hội thuận lợi để virus xâm nhập và tấn công vào cơ thể.
Ngoài ra, trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh cao; đồng thời khi mắc bệnh, bệnh có thể tiến triển nặng hơn hơn nếu bé thuộc các trường hợp như:
- Trẻ có hệ thống miễn dịch suy giảm do bệnh lý như ung thư
- Trẻ chưa được tiêm vaccine phòng ngừa bệnh sởi
- Trẻ dưới 12 tháng tuổi
- Người mẹ bị bệnh sởi trong thai kỳ.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sởi
Các bậc phụ huynh nên áp dụng những biện pháp phòng ngừa bệnh sởi và liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn khi nghi ngờ bé mắc bệnh sởi hoặc con đã tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là các bé thuộc nhóm nguy cơ cao.
Những triệu chứng bệnh sởi ở trẻ em có thể làm các thiên thần nhỏ bị mệt mỏi, khó chịu. Ba mẹ có thể thử áp dụng các biện pháp dưới đây để giúp bé cưng cảm thấy dễ chịu hơn, giảm nhẹ những triệu chứng bệnh ở trẻ:
- Tham khảo ý kiến từ bác sĩ về những loại thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt như paracetamol hay ibuprofen với liều lượng phù hợp cho trẻ
- Cho trẻ uống nước nhiều và ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe, cơ thể không bị thiếu nước
- Khi con có dấu hiệu đau mắt, người chăm sóc có thể giảm độ sáng từ những loại đèn trong nhà và phòng của trẻ
- Vệ sinh cơ thể của trẻ cẩn thận với nước ấm để giúp da trẻ sạch sẽ, phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng da
- Tránh cho bé mặc đồ quần áo kín, quá dày khiến trẻ không thể hạ sốt được, dẫn tới tình trạng sốt cao co giật
- Chia nhỏ các bữa ăn, cho trẻ tiêu thụ những thực phẩm dễ tiêu để bổ sung đủ dưỡng chất, đặc biệt là vitamin và khoáng chất
- Cách ly trẻ mắc bệnh sởi với các bé khác để tránh lây bệnh
- Người chăm sóc cần đeo khẩu trang khi chăm sóc bệnh nhi, đồng thời nên rửa tay cẩn thận sau khi tiếp xúc với bé
- Ở các bệnh nhi còn bú mẹ, mẹ vẫn nên tiếp tục cho con bú sữa
- Hạn chế cho bé gãi, nếu được hãy cắt móng tay cho con để tránh trường hợp trẻ gãi, gây tổn thương da.
Phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em hiệu quả
Sởi là bệnh lý có nguy cơ lây lan rất nhanh. Bên cạnh đó, khả năng xuất hiện các biến chứng nguy hiểm ở trẻ là rất cao, đặc biệt là ở các bé chưa từng bị bệnh sởi và chưa được tiêm chủng vaccine sởi đầy đủ. Vì thế, các bậc phụ huynh nên chủ động áp dụng những biện pháp phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em như:
- Tiêm vaccine sởi đầy đủ và đúng lịch khi bé được 9 tháng tuổi trở lên. Các bé đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng sởi, sẽ có khả năng miễn dịch tới 99%
- Vệ sinh sạch sẽ cơ thể của trẻ mỗi ngày
- Hình thành cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn
- Hạn chế để bé đưa tay lên chạm vào mắt, mũi, miệng
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh mũi, miệng và họng với nước muối sinh lý mỗi ngày
- Thường xuyên vệ sinh và sát khuẩn khu vực sinh hoạt và vui chơi của các bé
- Tránh để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Bệnh sởi là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe của trẻ em. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ em là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Ba mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về bệnh sởi ở trẻ em để có thể chăm sóc và bảo vệ con một cách tốt nhất nhé.