Nghe có vẻ khó tin nhưng nhiều phụ huynh hiện nay đang bạo hành tinh thần con cái của mình và chính chúng ta cũng không hề nhận ra điều đó. Bạo hành tinh thần có thể không để lại thương tích bên ngoài nhưng lại gây ra nhiều tổn thương từ sâu bên trong tâm hồn của trẻ…
Bạo hành tinh thần là gì?
Bạo hành tinh thần là một dạng ngược đãi tâm lý, tra tấn người khác bằng cách sử dụng những ngôn từ gay gắt để chỉ trích, nặng lời với đối phương. Hoặc việc im lặng cũng là một cách mà nhiều người thường dùng để áp bức tinh thần của người khác. Ngoài ra, bạo hành tinh thần có xuất hiện ở nhiều dạng khác như đe dọa người khác hoặc lặp đi lặp lại những lời nói chê bai, miệt thị,…
Bạo hành tinh thần có thể gây ra những tổn thương tâm lý vô cùng sâu sắc. Tuy nhiên, điều đáng buồn là dạng bạo hành này không để lại những vết thương hiện hữu trên cơ thể nạn nhân như khi bạo hành thể xác nên ít ai trong chúng ta có ý thức rõ rệt về tình trạng này.
Con cái của chúng ta có đang bị bạo hành tinh thần?
Bất kể bố mẹ nào khi nghe câu này đều có câu trả lời là “Không” bởi lẽ những gì bố mẹ làm đều xuất phát từ tình yêu của bố mẹ dành cho con cái và mong muốn con sẽ ngoan ngoãn, học giỏi, có cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên, 51.277 là số trường hợp bạo hành tinh thần trong gia đình diễn ra chỉ trong 5 năm từ 2012-2027 (theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chúng ta vẫn có trường hợp bạo hành tinh thần con của mình mà không ý thức được những gì mình đang làm và cũng không hiểu được những tổn thương mà con của mình phải gánh chịu.
Những dấu hiệu bố mẹ bạo hành tinh thần con cái thường gặp trong gia đình gồm có:
Ép buộc con cái phải theo ý mình
Đây là dạng bạo hành thường gặp nhất và cũng ít ai nhận ra nhất. Chúng ta thường yêu cầu con phải học môn này, phải làm việc kia vì cho rằng những điều đó có thể giúp con thành công mà không quan tâm đến việc con thật sự muốn gì. Những gì chúng ta “ra lệnh” cho con dù nhân danh tình yêu nhưng thực chất chỉ khiến trẻ hoàn thành tâm nguyện và mơ ước của chúng ta chứ không phải của trẻ.
Đổ lỗi cho con cái
Một dạng bạo hành tinh thần mà nhiều phụ huynh thường làm với con cái của mình chính là đổ lỗi cho con. Chẳng hạn như khi con không nghe lời thì là do con hư chứ không phải do bố mẹ dạy dỗ sai cách, khi con không tăng cân thì cũng là do con không hấp thụ được chứ không phải do bố mẹ cho con ăn chưa khoa học. Nhìn chung, tất cả mọi việc xảy ra đều là lỗi của con và những người bố mẹ độc hại này sẽ ít khi nào nhìn nhận lỗi lầm về phía bản thân mình.
Thường xuyên so sánh với “con nhà người ta”
Khi con hạng nhất lớp, bố mẹ liền cho rằng con không bằng các bạn học được nhất khối. Khi con hạng nhất khối, bố mẹ cho rằng những đứa trẻ hạng nhất trường mới là những đứa trẻ ngoan. Mẫu hình bố mẹ độc hại, bạo hành tinh thần của trẻ sẽ không bao giờ biết hài lòng về con cái của mình mà thường xuyên so sánh con với những đứa trẻ khác, gạt bỏ hết mọi ưu điểm hay nỗ lực của con. Trong mắt kiểu bố mẹ này, con của mình chưa bao giờ thật sự làm họ cảm thấy hài lòng.
Xem thêm:
- Chơi Tiktok có an toàn với trẻ em hay không?
- Dừng ngay hành động dọa ma trẻ em trước khi hối hận vì hậu quả!
Coi nhu yếu phẩm là đặc quyền
Một trường hợp có thể gặp ở các gia đình chính là bố mẹ thường xuyên lặp đi lặp lại với con cái việc con được ăn cơm, được mặc quần áo và được sinh ra chính là món quà mà bố mẹ dành cho con và con phải biết ơn bố mẹ. Mỗi đứa con đều cần hiểu và ghi nhớ công ơn của bố mẹ vì đã nuôi dưỡng, dạy dỗ mình nhưng việc bố mẹ lặp đi lặp lại rằng những nhu yếu phẩm mà con có được là đặc quyền của con, bố mẹ đang “làm phước” với con sẽ vô tình làm tổn thương những đứa trẻ một cách nghiêm trọng.
Thường xuyên chỉ trích
Điển hình của mẫu bố mẹ bạo hành tinh thần con cái sẽ thường xuyên chỉ trích chính những đứa con của mình. Khi nuôi dạy con cái, bên cạnh những lời khen ngợi thì bố mẹ cũng có thể có lúc phê bình hay đưa ra hình phạt khi con không ngoan, không vâng lời.
Tuy nhiên, việc chỉ trích con quá nhiều, không có tính xây dựng hay đóng góp để con thay đổi mà chỉ chú tâm vào việc chỉ trích lỗi sai, điểm chưa tốt của trẻ thì đó chính là một vấn đề cần xem lại vì những lời nói nay có thể hủy hoại sự tự tin của trẻ.
Ngoài ra, mẫu phụ huynh hay chỉ trích thậm chí còn dùng những lời phê bình trẻ ngay cả khi con đang làm rất tốt. Trong mắt kiểu bố mẹ này thì những đứa trẻ chỉ có khuyết điểm mà mọi việc mà con làm luôn sai, không cần suy xét.
Không để ý đến cảm xúc của con
Bố mẹ phê bình con trước mặt bạn bè của con? Bố mẹ chế giễu con khi con té ngã và bật khóc? Việc không quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của trẻ cũng chính là một dạng bạo hành tinh thần mà chúng ta dễ mắc phải.
Trẻ con cũng có cảm xúc của chính mình. Khi những cảm xúc của trẻ bị phớt lờ, không được bố mẹ quan tâm đúng mực thì trẻ rất dễ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy tủi thân và tổn thương.
Chế giễu và trêu chọc con cái
Bất cứ điều gì cùa con đều có thể trở thành nội dung cho 1 cuộc chế giễu và trêu chọc chính là biểu hiện điển hình của những người bố, người mẹ độc hại. Ôi hôm nay con béo thế, ôi con cũng có người yêu sao. Dù đôi khi chính bố mẹ cũng không có ác ý và nghĩ việc trêu chọc chỉ là niềm vui nhưng việc chế giễu con mọi lúc sẽ bạo hành tinh thần của con, khiến trẻ trở nên kém tự ti và có suy nghĩ rằng không ai yêu thương con.
Xem thêm:
- Áp lực học tập khiến con trầm cảm, liệu người lớn có quá khắt khe?
- Bệnh tự kỷ ở trẻ em và 7 điều có thể bạn chưa biết
Không cho trẻ có quyền riêng tư
Xâm phạm quyền riêng tư của con cũng chính là một dạng bạo hành tinh thần khiến trẻ dễ cảm thấy ngột ngạt bởi không được tự ý làm bất cứ điều gì trong cuộc đời của mình. Những kiểu bố mẹ này sẽ xông vào phòng của trẻ hay đọc nhật ký của trẻ bất kể lúc nào mà không cần có sự đồng ý của bố mẹ, khiến trẻ cảm thấy bản thân không được tôn trọng.
Bỏ bê con
Những đứa trẻ bị bố mẹ kiểm soát 24/24 không cảm thấy thoải mái nhưng những đứa trẻ có bố mẹ không quan tâm, chỉ làm việc kiếm tiền và bỏ bê con cái cũng chẳng thể hạnh phúc. Việc thiếu dành thời gian cho con là một dạng bạo hành tinh thần có thể gây nên những vết thương lòng với trẻ.
Cãi nhau trước mặt con
Vợ chồng cãi nhau là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên bạn không nên cãi nhau trước mặt con bởi sẽ chẳng đứa trẻ nào có thể hạnh phúc khi chứng kiến bố mẹ cãi nhau. Lúc này, trẻ sẽ dễ rơi vào trạng thái buồn bã, tủi thân khi thấy những gia đình khác hạnh phúc cũng như có cái nhìn tiêu cực hơn về cuộc sống.
Nói xấu những người con yêu thương
Hình thức này thường thấy ở những gia đình mà bố mẹ ly hôn. Lúc này, chúng ta dễ dàng nói xấu vợ/chồng cũ của mình trước mặt con như một cách trả thù và giải phóng những cảm xúc tức giận và bức bối cuta bản thân. Đây là một hành vi vô cùng tiêu cực và có thể gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần của con cái.
Không phải ai cũng nhận ra chúng ta đang bạo hành tinh thần con cái của mình. Hãy chú ý từ lời nói, hành động của mình với con để điều chỉnh cho phù hợp trước khi quá muộn bạn nhé!