Mẹ và Con - Thực tế cho thấy rằng, các cặp đôi không thể tránh được tình huống cãi nhau trong đời sống hôn nhân, nhất là trước mặt các con. Điều này đôi khi là không tốt. Thế nhưng, chúng ta vẫn có thể cãi nhau một cách tinh tế, khéo léo để không làm trẻ bị tổn thương, đồng thời còn lồng ghép được những bài học giá trị về cuộc sống. Ba mẹ không tin? Cùng tìm hiểu nhé!

Ông bà ta có câu “Chén trong sóng còn khua”, ngụ ý nói đến những va chạm, xung đột trong đời sống gia đình là không thể tránh khỏi. Bởi lẽ, mỗi người chúng ta là một cá thể độc lập, thụ hưởng sự giáo dục khác nhau… nên khi sống chung thỉnh thoảng sẽ có một số bất đồng. Tuy nhiên, cách để chúng ta đối phó với bất đồng thế nào, cãi nhau ra sao mà gia đình vẫn luôn hòa thuận, êm ấm, đó là cả một nghệ thuật.

Và hôm nay, Tạp chí Mẹ và Con sẽ chia sẻ cùng ba mẹ nghệ thuật khi cãi nhau giữa các cặp đôi, nhất là trong gia đình có con nhỏ nhé!

Cãi nhau không hoàn toàn là tiêu cực

Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã tìm thấy mối quan hệ giữa cảm xúc của cha mẹ với đời sống tinh thần của con cái. Đồng thời, cách ba mẹ xử lý xung đột hàng ngày cũng tác động rất lớn đến sức khỏe của trẻ.

Khi ba mẹ hòa hợp, trẻ sẽ có cảm giác an toàn, trạng thái tâm lý ổn định và tự tin hơn trong cuộc sống. Nhờ đó, trẻ cảm thấy vui vẻ hơn, học tập tốt hơn và có nhiều cơ hội thành công hơn. Ngược lại, nếu ba mẹ thường xuyên cãi nhau, trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, bất ổn, cả sức khỏe thể chất và tinh thần đều bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy nhiên, nếu chẳng may bạn và người bạn đời cãi nhau, điều đó cũng không phải là quá khủng khiếp. Bởi lẽ, nếu bạn biết cách xử lý, đó không chỉ là một cuộc xung đột đơn thuần mà là một sự “diễn tập” thực tế cuộc sống để trẻ có cơ hội chiêm nghiệm và từ đó có lối suy nghĩ toàn diện và cách hành xử chuẩn mực trong tương lai.

cãi nhau

Thế nào là cãi nhau “thông minh”?

Hãy để các chuyên gia tâm lý của Mẹ và Con mách ba mẹ cách cãi nhau khéo léo, tinh tế và giúp con cái học được những bài học cuộc sống thật giá trị nhé.

Đừng ngại để trẻ nhìn thấy bố mẹ tranh luận 

Điều này có vẻ hơi phi lý, nhưng sự thật là trẻ cần phải biết rằng, tranh luận và giải quyết xung đột cũng là một phần của cuộc sống. Bởi lẽ, sự tức giận cũng là một trong những cảm xúc của con người. Tức giận không có gì là sai trái. Tuy nhiên, cách chúng ta hành xử khi tức giận mới là quan trọng. Trách nhiệm của ba mẹ khi để con nhìn thấy mình tranh luận với nhau là giải thích với trẻ cách bày tỏ cảm xúc và xử lý sự tức giận một cách thật dễ hiểu. Bạn có thể nói: “Bố mẹ đang có một số việc cần phải thảo luận để tìm ra hướng giải quyết”. Đồng thời, đừng quên trấn an trẻ là mọi chuyện vẫn ổn.

Thỏa thuận về “giới hạn” khi cãi nhau

Mỗi người chúng ta đều có giới hạn chịu đựng sự tức giận. Khi đang cãi nhau, đôi khi chúng ta quên mất “ranh giới” của sự tức giận và kiềm chế khiến cho cuộc tranh luận thông thường chuyển biến xấu đi. Do đó, ba mẹ nên thảo luận và quy ước về cách nhận diện cơn giận khi ở mức đỉnh điểm và thời điểm dừng “cuộc chiến”. Cụ thể như đi ra ngoài, uống một cốc nước… Bạn có thể nghĩ rằng trẻ không hiểu những gì bạn nói, nhưng sự thật là có đấy. Hãy hết sức chú ý và dừng đúng lúc nhé.

Ghi lại những điều cần thảo luận 

Đừng vội cười khi đọc điều này nhé! Những cuộc tranh luận lan man, thiếu chủ đích thường dẫn đến nguy cơ xung đột. Để tránh cho cuộc thảo luận của bạn đi quá xa làm tổn thương chính bạn, người bạn đời và cả con cái, hãy ghi lại những gì mình muốn nói. Nhờ đó, bạn có thể diễn đạt ý của mình một cách mạch lạc hơn, vấn đề cần thảo luận rõ ràng hơn và tránh được việc cãi nhau một cách vô bổ. Hãy thử áp dụng cách này, bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt đấy.

Hãy thật thận trọng trong cách dùng từ khi cãi nhau

cãi nhau

Khi bạn dùng đại từ nhân xưng “em/anh” hoặc “tôi/cô”, “tôi/anh”, sự việc khác biệt rõ rệt. Ngoài cảm giác lạnh lẽo, xa lạ, những từ ngữ này còn là dấu hiệu “châm ngòi” cho một cuộc xung đột nảy lửa vì một vấn đề rất trầm trọng. Lời khuyên dành cho bạn là nên xưng hô một cách tử tế, lịch sự, tránh dùng từ “không bao giờ”, “luôn luôn” hay lôi kéo bố mẹ vợ/chồng khi tranh luận. Chỉ cần làm được như vậy, bạn sẽ thấy việc cãi nhau trở thành nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Tuyệt đối không ép con làm “trọng tài”

Trước mọi cuộc cãi vã của ba mẹ, điều trẻ mong muốn chính là sự kết thúc. Trẻ không muốn phải sự đồng tình hay phản bác ba hoặc mẹ. Các bậc làm cha mẹ nên hiểu điều này và tránh ép con phải bênh vực bạn và phản bác người còn lại. Đồng thời, hãy nhận biết dấu hiệu “quá tải” của sự lo lắng, sợ hãi của con và dừng lại kịp thời. Mọi cuộc xung đột đều có thời gian để giải quyết, nhưng tổn thương tâm hồn non nớt có thể mãi mãi không thể chữa lành đâu, ba mẹ ạ!

Cãi nhau là một trong những điều thường thấy trong hôn nhân. Tuy nhiên, Mẹ và Con hy vọng rằng qua bài viết này bạn có thể hành xử một cách khéo léo hơn để bảo vệ con trẻ một cách tốt nhất, giúp con trưởng thành toàn diện trong tương lai. 

Bài viết liên quan