Mẹ&Con – Thời tiết lạnh, sương giá, bà bầu với sức đề kháng yếu là người dễ bị cảm lạnh, trúng gió. Vậy nếu chẳng may trúng gió, bà bầu có được cạo gió không? Bài viết dưới đây là lời giải đáp dành cho mẹ.
Mang thai con so ở tháng thứ 4, chị Ngọc My (Phường 7, TP Đà Lạt) thường xuyên thấy cơ thể ớn lạnh, nhất là ở vùng sống lưng và gáy. Chị kể: “Đôi lúc, chỉ cần đi lướt qua chỗ gió nhẹ, tôi cũng rùng mình, nổi gai ốc khắp người. Chưa kể, mỗi lần di chuyển lâu dưới trời lạnh là chân tay tôi lại lạnh ngắt.”. Chị chia sẻ, dù đã nhâm nhi ngay viên kẹo gừng mỗi lần thấy cơ thể ớn lạnh để làm ấm cơ thể nhưng cũng không mấy hiệu quả. Nghe các chị hàng xóm nói, chị bị nhiễm lạnh trong cơ thể nên cạo gió thì mới khỏi hẳn được. Thế nhưng, chị vẫn đang phân vân, bà bầu có được cạo gió không, con có bị ảnh hưởng?
Thực chất bà bầu có được cạo gió không?
Cạo gió là mẹo dân gian sử dụng một vật cứng, mỏng xoa với dầu hoặc rượu gừng rồi cạo lên da đến khi lên gió, tức là thấy vùng da ửng đỏ hoặc đỏ bầm. Đây là mẹo trị cảm mạo, cảm cúm, trúng gió… vừa đơn giản, thuận tiện lại cho hiệu quả tức thì trong dân gian và được sử dụng phổ biến đến tận bây giờ. Tuy nhiên, với bà bầu có được cạo gió không?
Theo Đông y, cạo gió giúp làm nóng cơ thể, tăng cường lưu thông máu, kích thích huyệt đạo. Thế nhưng, với bà bầu thì phương pháp cạo gió lại tiềm ẩn nguy cơ xấu với thai nhi nên không được khuyến khích sử dụng.
Thông thường, cạo gió được thực hiện dọc hai bên cổ gáy, từ cổ dọc xuống đến vai, kín hết diện vai, dọc hai bên cột sống rồi tỏa ra hai bên mạng sườn, kín hết lưng (vùng dễ ảnh hưởng tới bụng). Một số trường hợp thai nhi yếu cộng với phương pháp cạo gió không đúng cách (tác động bằng lực mạnh lên phần lưng) sẽ kéo theo sự co bóp tử cung dẫn đến nguy cơ dễ động thai, sảy thai hoặc sinh non. Chưa kể, trong dầu gió còn chứa một số thành phần gây hại cho sự phát triển của thai nhi như long não, tinh dầu bạc hà… Những thành phần này có thể hấp thụ qua da, thông qua nhau thai thâm nhập vào bào thai gây dị dạng thai nhi, thậm chí khiến thai chết lưu.
Theo ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương) cho biết, cạo gió theo đông y là nhằm làm nóng cơ thể, kích thích huyệt đạo, có thể dùng được. Tuy nhiên, tuyệt đối không cạo gió cho phụ nữ mang thai vì những động tác này gây kích ứng quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.
Bác sỹ Hạnh khuyến cáo, thay vì cạo gió, các bà bầu nên chọn việc làm nóng và kích thích bằng cách xoa dầu và massage nhẹ; bởi lẽ khi dùng lực mạnh để cạo ra gió sẽ làm vỡ các mạch máu và gây xuất huyết dưới da, không tốt cho sự phát triển của thai nhi. Bà bầu có thể dùng cao dán salonpas… để có tác dụng tại chỗ, đau đâu dán đó. Việc này sẽ không gây ảnh hưởng gì đến em bé.
Trong trường hợp bị cảm nặng, nên đưa bà bầu tới các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.