Nhưng đấy là chuyện thời ông bà chúng ta còn giờ đây thì quan niệm về chuyện ai là người giữ lửa hôn nhân đã dần thay đổi. Vun đắp hạnh phúc gia đình chưa bao giờ là trách nhiệm của riêng một “đàn” nào. Khi mà chồng lẫn vợ đa phần đều đóng góp kinh tế thì trách nhiệm chăm sóc gia đình cũng cần được chia sẻ hợp lý. Một gia đình hạnh phúc là nơi mà mỗi người đều có ý thức vun vén cho tổ ấm.
Ai là người giữ lửa hôn nhân?
Giữ lửa hôn nhân không phải trọng trách của riêng đàn bà. Từng cá nhân trong gia đình đều có thể đóng góp vào việc xây dựng tổ ấm, là một người độc lập và có trách nhiệm riêng. Phải hiểu rằng dù là chồng hay vợ thì đều được lợi từ một gia đình đầm ấm hạnh phúc, vậy nên cả hai phải cùng có trách nhiệm đóng góp vào đó.
Quan niệm cho rằng phụ nữ phải đóng vai trò chính trong việc xây dựng, bảo vệ gia đình, làm việc nhà, chăm sóc người thân là quan niệm rất phong kiến. Việc cho rằng phụ nữ thì khéo léo, đảm đang “giỏi việc nước đảm việc nhà”, giỏi hy sinh, chịu đựng hơn nên đương nhiên phải gánh trọng trách giữ lửa hôn nhân là cực kỳ cũ kỹ.
Ngôi nhà, hay đúng hơn cái hồn của nó, tức là gia đình, là tổ ấm thì phải là “trách nhiệm chung” của những ai sống trong đó. Đàn ông nếu cảm thấy đi làm mệt mỏi, chịu sức ép từ đồng nghiệp, vất vả trăm bề thì đàn bà khi đi làm cũng chịu đủ sức ép. Thậm chí nhiều khi phụ nữ còn phải gánh chịu nhiều bất công hơn khi các doanh nghiệp e ngại người lao động sẽ nghỉ thai sản.
Trong gia đình không nên phân chia theo kiểu vợ thì phải hầu hạ chồng còn hay chồng thì phải giỏi kiếm tiền, chiều vợ “tới nóc”. Nhìn chung, sự hòa hợp, thấu hiểu và chia sẻ của cả đàn ông lẫn đàn bà mới là nền tảng cho hạnh phúc gia đình.
Bí quyết cùng nhau giữ lửa hôn nhân
Đóng góp kinh tế
Trách nhiệm đóng góp kinh tế ngày nay được san sẻ cho cả vợ và chồng. Hiếm khi chỉ một người đi làm mà có thể gánh vác kinh tế của cả gia đình. Vợ chồng cùng nhau gầy dựng, chung lưng đấu cật, phát triển gia đình. Thế nên dù vợ hay chồng thì cũng phải biết thông cảm, ủng hộ, chia sẻ công việc cgiữ lửa hôn nhânho nhau.
Cũng nên tránh tình trạng mỗi người chỉ chăm chăm theo đuổi sự nghiệp cá nhân mà quên đi người còn lại, quên đi trách nhiệm giữ lửa hôn nhân. Càng nên tránh tình trạng lười biếng, ỷ lại vào người có thu nhập cao hơn trong nhà. Nếu trong cuộc sống vợ chồng mà cả hai không cân bằng được chuyện đóng góp tài chính, kinh tế gia đình khó khăn sẽ rất nhanh dẫn tới tình trạng mâu thuẫn, “đường ai nấy đi”.
Xem thêm: 5 cách quản lý tài chính cho hôn nhân vững chắc
Vậy nên, hơn bao giờ hết, hạnh phúc gia đình nên được xây từ nền tảng kinh tế vững chắc. Thỏa mãn các nhu cầu vật chất là cơ sở để có tâm sức quan tâm tới các nhu cầu tinh thần. Cả khi tinh thần lẫn vật chất đều được thỏa mãn, hài lòng thì cả vợ lẫn chồng sẽ vui vẻ, chung sức chung lòng gìn giữ tổ ấm.
Cùng làm việc nhà
Để giữ lửa hôn nhân được bền vững thì mỗi người khi làm vợ, làm chồng không chỉ cần chia sẻ niềm vui nỗi buồn, không chỉ yêu thương nhau mà còn cần có trách nhiệm, bổn phận với cuộc sống chung. Mà đơn giản nhất là cùng làm việc nhà.
Khi nói vợ chồng cần chia sẻ việc nhà thì đó không nên là việc phân chia rạch ròi tới mức chồng chỉ làm A còn vợ chỉ làm B. Nên có sự linh hoạt, mềm dẻo trong việc phân chia mà trong đó quan trọng hơn hết nên là tinh thần cùng nhau. Công việc nhà nên là cách để vợ chồng gắn kết, sẻ chia mà không phải là trách nhiệm nặng nề, để tị nạnh hay chỉ “làm cho có”.
Cũng vì lý do này mà người trưởng thành nói chung, dù là đàn ông hay đàn bà, cũng nên có kỹ năng tự chăm sóc nhât định trước khi tiến tới hôn nhân. Nấu ăn và làm các việc nhà cơ bản thì không thể nói “anh/em không biết” để đùn đẩy trách nhiệm được.
Hôm nào vợ mệt thì chồng nấu, vợ nấu thì chồng rửa chén giặt đồ. Thi thoảng cả hai mệt mỏi thì thay đổi không khí, cùng đi ăn tiệm cũng là những chi tiết nhỏ để giữ lửa cho gia đình.
Cùng chăm sóc dạy dỗ con cái
Khi có con thì vợ chồng còn phải cùng nhau chăm sóc và dạy dỗ con cái. Cha mẹ không nên vì áp lực công việc, thăng tiến, những mục tiêu riêng mà xao nhãng điều cốt lõi của gia đình là dành thời gian chăm sóc nhau.
Xem thêm: Cách an ủi chồng khi gặp áp lực công việc
Ngay từ những ngày đầu của hôn nhân, hai vợ chồng cần cùng trao đổi, thống nhất về việc chăm sóc gia đình. Mỗi người cần hiểu được bản thân mình có trách nhiệm chăm nom cho tổ ấm. Trong gia đình thì không nên nói “đó là việc của anh/cô ấy”. Đặc biệt là việc nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái càng cần phải chú ý. Người làm cha mẹ phải hiểu được tầm quan trọng của gia đình với sự phát triển của con trẻ. Cha mẹ là tấm gương cho con cái và phải có trách nhiệm phải chăm lo cho đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của con.
Tóm lại, giữ lửa hôn nhân là trách nhiệm của cả hai vợ chồng. Cần đồng cảm, thấu hiểu và thực sự yêu thương, san sẻ với nửa kia chứ không nên mang tâm thế làm trả nợ, làm cho xong. Sự cân bằng, hòa hợp, cùng nhau chính là điều quan trọng hàng đầu để gia đình vẫn luôn là tổ ấm mỗi thành viên đều muốn tìm về.