Mẹ&Con – Bên cạnh phương pháp điều trị thích hợp, chế độ dinh dưỡng cũng là biện pháp giúp trẻ mắc tay chân miệng nhanh chóng khỏe lại. Vậy trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì?
Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì?
Cháo hoặc súp loãng
Mắc tay chân miệng, bé thường bị đau trong miệng do có vết loét. Vì thế, mẹ nhớ chế biến thức ăn cho bé dạng cháo hoặc súp nhuyễn, mềm.
Mẹ lưu ý vẫn cho bé ăn chế độ ăn như bình thường, đủ chất, chỉ cần nấu lỏng, mềm hơn như cháo bột (kể cả đối với bé lớn) để giúp con dễ ăn hơn.
Trứng
Trứng giàu protein cùng các vitamin và khoáng chất tốt cho sự hồi phục của trẻ. Hơn nữa, trứng là dạng thức ăn mềm, không làm ảnh hưởng đến các vết loét của bé.
Bạn có thể thêm trứng vào món cháo hoặc súp của bé để con dễ dàng hấp thu.
Sữa, sữa chua
Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì thì sữa chua hoặc các loại sữa tươi, sữa hạt chứa nhiều protein cũng là gợi ý hoàn hảo. Sữa hay sữa chua không chỉ dễ hấp thu, mà còn giúp bù nước, đồng thời bổ sung lợi khuẩn thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa.
Đu đủ chín
Đu đủ chín có vị ngọt, mềm, không làm các vết loét trong khoang miệng của bé bị đau. Bên cạnh đó, đu đủ chín còn là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A, C có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ đẩy lùi bệnh chân tay miệng cho bé.
Sinh tố trái cây
Con bị tay chân miệng, mẹ cũng đừng quên cho bé uống các loại sinh tố trái cây như dưa hấu, cà chua, chuối, táo, bơ, dâu tây… Các vitamin và khoáng chất trong những loại trái cây này sẽ giúp nâng cao hệ miễn dịch, làm lành nhanh các tổn thương.
Nước cam
Ngoài sinh tố, mẹ cũng có thể ép nước cam cho bé uống mỗi ngày để bổ sung vitamin C. Không chỉ dồi dào vitamin C, loại nước ép này còn bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất khác giúp bổ sung năng lượng để bé nhanh phục hồi sức khỏe, nhanh lành vết thương.
Đặc biệt, hàm lượng chất xơ cao trong nước cam còn rất có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ bị bệnh.
Nước dừa
Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì thì nước dừa cũng nằm trong danh sách thực phẩm dành cho bé. Nước dừa tính mát, mùi vị thơm, ngọt dễ uống rất thích hợp để cho bé mắc tay chân miệng uống. Nước dừa có khả năng làm dịu nhẹ các vết loét, đồng thời cung cấp chất điện giải cần thiết để ngăn ngừa dấu hiệu mất nước.
Hướng dẫn nấu một số món cháo cho trẻ tay chân miệng
Cháo lươn bí đỏ
Chuẩn bị
- 4 muỗng canh vun bột gạo
- Bí đỏ
- Thịt lươn đồng
- 1 muỗng canh gạt dầu
- Ngò rí
Thực hiện
- Lươn luộc chín gỡ lấy thịt, phi thơm hành, xào lươn.
- Cho gạo và bí đỏ vào nồi, nấu mềm
- Nhấc xuống, cho thịt lươn đã xào vào.
- Nêm ít ngò cho thơm, sau đó cho muỗng canh dầu vào.
Cháo tôm cà rốt
Chuẩn bị
- 200g tôm tươi
- 1/2 chén nhỏ gạo tẻ
- 1 củ cà rốt
- Dầu ăn
Thực hiện
- Tôm cắt bỏ đầu, bóc vỏ, bỏ chân, băm nhuyễn phần thịt tôm. Cà rốt nạo vỏ, cắt hạt lựu.
- Gạo vo sạch, nấu thành cháo.
- Nồi cháo sôi, cho cà rốt, tôm vào, nấu đến khi chín mềm.
- Múc cháo ra bát, thêm 1 muỗng cà phê dầu ăn, khuấy đều và cho bé dùng.
Cháo cá hồi rong biển
Chuẩn bị
- 200g cá hồi
- 1/2 chén gạo
- Vài lá rong biển khô
- Củ nén
- Dầu ăn cho bé
Thực hiện
- Gạo vo sạch, nấu nhừ.
- Hấp chín cá hồi, gỡ bỏ hết xương chỉ lấy phần thịt.
- Phi thơm củ nén, cho cá hồi vào xào qua.
- Ngâm rong biển trong nước, sau đó vớt ra, rửa sạch và hấp chín.
- Cho rong biển cùng cá hồi vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn.
- Cháo chín nhừ, cho cá hồi và rong biển vào, đun thêm một lúc nữa thì bạn tắt bếp.
- Múc cháo ra bát và cho bé ăn ngay.
Lưu ý: Với các bé trên 1 tuổi, mẹ có thể nêm nếm gia vị như mắm, muối, đường, hạt nêm, mì chính với lượng vừa phải vào món ăn của bé để con ăn ngon miệng hơn.