Mẹ&Con – Sinh nở với tất cả các bà mẹ đều là một trải nghiệm đầy cam go, không ai có thể khẳng định mình sẽ vượt cạn dễ hay khó, ca sinh nở có thể xảy ra bất trắc gì. Bên cạnh đó, sinh con và những câu chuyện trong phòng sinh cũng có rất nhiều điều thú vị, là kỷ niệm không thể quên mà ngay cả y bác sĩ cũng không nói cho mẹ bầu biết trước.
Đã lên chức mẹ được vài tháng nhưng đến nay, bà mẹ trẻ Ngọc Chi (sinh năm 1993, ở Quận 10, TP HCM) vẫn còn nhớ như in cảm giác vật lộn với những cơn đau đẻ kinh hoàng khi sinh bé Sữa.
Chi cho biết, thai kỳ của mình diễn ra vô cùng suôn sẻ cho đến thời điểm chuyển dạ. Vì là lần đầu sinh con, không có kinh nghiệm lại không ở cùng mẹ nên Chi thực sự bối rối khi sinh con. Mặc dù từ những ngày mang thai, Chi đã rất chăm chỉ đọc sách, báo tham khảo về chuyện sinh nở. Ấy thế nhưng, có những chuyện sách, báo chẳng ghi lại mà có trải qua mới biết được. Kỷ niệm về ca sinh bé Sữa của bà mẹ trẻ vô cùng đặc biệt đến nỗi mỗi lần nhắc lại Chi đều… đỏ mặt.
Chi kể: “Khi mang thai Sữa, mình có kinh nghiệm gì đâu. Mà ngày đó cũng bận rộn công việc nên chẳng tham gia lớp học tiền sản nào. Mình cứ nghĩ vào phòng sanh, làm theo hướng dẫn của bác sĩ là được, thế nhưng mọi chuyện chẳng đơn giản thế.”
Từ lúc lên bàn đẻ, càng về sau, cơn đau đẻ càng nhiều. Bác sĩ vào kiểm tra, Chi bám chặt tay bác sĩ, nước mắt giàn giụa liên tục đòi mổ vì đau. Bác sĩ vẫn dịu dàng nói bé nhỏ nên Chi sẽ sinh dễ thôi. Phải đến một lúc sau, bác sĩ mới thông báo, cổ tử cung đã mở được 8 phân và dặn Chi rặn theo hướng dẫn của ekip đỡ đẻ. Vừa sợ, vừa mong bé chào đời sớm nên Chi rất chăm nghe lời dặn dò và hướng dẫn của bác sĩ. Chi dồn hết sức để rặn nhưng rặn chẳng ra con mà ra toàn phân, nhưng cái đau đẻ lúc ấy dường như lấn át tất cả việc khác.
Cả ekip đỡ đẻ cũng chẳng phàn nàn gì mà vẫn miệt mài giúp bà mẹ trẻ rặn đẻ tiếp. Đến khi con chào đời rồi, Chi mới bắt đầu nhớ lại và cảm thấy vô cùng ái ngại với sự cố này của mình.
Vừa sinh con vừa… ị là điều không dễ gì chia sẻ, có lẽ đây là một viễn cảnh đáng ái ngại nhất mà những mẹ chưa từng sinh nở lo sợ.
Nguyên nhân khiến mẹ có thể đại tiện khi sinh thường là do phần cơ bắp được sử dụng để đẩy em bé ra ngoài cũng chính là phần cơ thường dùng cho việc đại tiện. Do đó, nếu bạn đang rặn đúng cách, khả năng bạn sẽ rặn ra những thứ không mong muốn là hoàn toàn có thể.
Trong thực tế, đa phần các bà mẹ cũng đã ít nhiều trải qua việc này trong phòng sinh. Bạn đừng quá lo lắng hay xấu hổ về điều này. Các y bác sỹ chuyên nghiệp sẽ không đánh giá hay chê bai bạn vì những việc ngoài tầm kiểm soát như trên. Thay vào đó, họ đều đặt sự ra đời của bé cưng lên trên hết.
Thông thường, để hạn chế việc đi đại tiện ngay trên bàn đẻ thì khi bắt đầu nhập viện để sinh nở, các bác sĩ hoặc hộ sinh sẽ hỏi bạn: Lần gần nhất đi đại tiện là khi nào? Nhiều phân hay ít phân?… Trường hợp đã lâu bạn chưa đi đại tiện hoặc đại tiện khó khăn thì y bác sĩ sẽ trực tiếp thông thụt hoặc hướng dẫn bạn thông thụt hậu môn trước khi sinh để đảm bảo vệ sinh cho quá trình vượt cạn.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các mẹ đi trước, chị em có thể tự thụt phân ngay từ lúc có dấu hiệu chuyển dạ ở nhà, vì không phải bệnh viện nào cũng thụt rửa cho sản phụ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp chị em tránh tự ý thông thụt hậu môn mà cần tham khảo trước ý kiến của bác sĩ. Đặc biệt là các trường hợp bà bầu bị vỡ ối sớm, ngôi thai không thuận, có tiền sử mổ lấy thai, cơn co tử cung tương đối mạnh, có tiền sử sinh nhanh, mắc bệnh tim mạch, có vết rách tầng sinh môn hoặc bị lậu âm đạo, trực tràng.
Câu chuyện đi đẻ “cười ra nước mắt” không chỉ có những như trường hợp như mẹ Sữa. Chuyện trong phòng sinh còn có rất nhiều điều thú vị, lạ lùng mà ít ai nói cho bà bầu biết trước.
Kêu khóc, chửi bới chồng – chuyện trong phòng sinh
Những cơn đau dữ dội khi vượt cạn khiến mẹ dễ cáu gắt, không giữ nổi sự bình tĩnh và thường kêu khóc, chửi bới chồng. Có lẽ trong hoàn cảnh này, các ông chồng cũng hiểu cho nỗi khổ chị em mà chẳng mấy ai chấp đến những chuyện vụn vặt đó. Tuy nhiên, việc la hét, khóc lóc có thể để lại ấn tượng xấu đối với người khác, đồng thời làm cho người khác căng thẳng, không biết phải xử trí thế nào. Việc la hét, chửi chồng trong lúc sinh cũng làm mẹ tiêu hao nhiều năng lượng và sức lực, đồng thời ảnh hưởng đến việc rặn đẻ khiến quá trình sinh con bị kéo dài.
Với những yếu tố bất lợi do la hét đem đến nên khi chuyển dạ, mẹ trước hết phải chuẩn bị tinh thần chịu đựng những cơn đau do co bóp tử cung, làm tốt việc tự điều chế tâm lý, tinh thần và thư giãn.
Các nghiên cứu cho thấy, các bà mẹ từng tham gia lớp học tiền sản sẽ có xu hướng bình tĩnh hơn so với những người không qua học các lớp học này. Vì vậy, nếu có thể, mẹ đừng quên tham gia một lớp học tiền sản để không có những hành vi thái quá này.
Quá trình chuyển dạ có thể kéo dài tận 2-3 ngày
Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi giờ, cổ tử cung của mẹ bầu chỉ giãn nở khoảng 1cm và ở những cm đầu tiên có thể kéo dài cả ngày. Do đó, việc sinh nở không nhanh như nhiều mẹ nghĩ, đặc biệt là với những mẹ sinh con lần đầu.
Lúc này, bạn cần tránh xem đồng hồ liên tục, vì có thể làm đầu óc thêm căng thẳng, mệt mỏi. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào việc hít thở đều đặn để giảm bớt cơn đau đẻ.
Quá trình chuyển dạ có thể kéo dài hàng giờ liền khiến mẹ mệt mỏi, mất nhiều sức lực. Vì vậy, mẹ cần cố gắng nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi năng lượng trước khi vào phòng sanh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vượt cạn.
Đồng thời, mẹ đừng quên di chuyển chậm rãi, thử một số động tác thư giãn hoặc làm điều gì đó thoải mái để đánh lạc hướng cơn đau của bản thân một chút. Ngoài ra, mẹ có thể nhờ chồng hoặc người thân massage nhẹ nhàng cũng giúp ích cho quá trình chuyển dạ.
90% bà mẹ thề không sinh con lần 2
90% các bà mẹ “thề sống thề chết” sẽ không sinh con lần 2 khi họ vừa trải qua những đau đớn, khó khăn trong quá trình vượt cạn. Tuy nhiên, với niềm vui, niềm hạnh phúc được làm mẹ thì những câu chuyện trong phòng sinh đó cuối cùng cũng chỉ là những chuyện cười tô điểm cho cuộc sống thêm phong phú.
Dù có đến 90% chị em “thề sống thề chết” không bao giờ đẻ nữa khi vừa bước ra từ phòng sinh, nhưng trong số đó thì 75% vẫn tiếp tục sinh nở lần 2, lần 3. Phụ nữ là vậy, mọi đau đớn đều sẽ dần đi vào quá khứ và họ sẽ nhanh chóng quên đi khi có thiên thần vô cùng đáng yêu ở cạnh.
Muốn độn thổ vì ai cũng nhìn chằm chằm khi mình “ở truồng”
Thông thường, một ca sinh nở sẽ có ít nhất 3 người bao gồm bác sĩ và y tá đỡ đẻ cho bạn. Nằm trên bàn đẻ, bạn sẽ trần trụi cả nửa người dưới để chuẩn bị cho việc sinh nở được dễ dàng. Trong quá trình chuyển dạ, các y tá sẽ liên tục thăm khám cửa mình của bạn để xem tử cung mở được bao nhiêu phân, đã sẵn sàng cho việc sinh nở hay chưa.
Sẽ thật “may mắn” cho bạn nếu chỉ có bác sĩ và y tá, nhưng nếu có thêm nhóm sinh viên thực tập thì phòng sinh sẽ khá đông người đấy. Họ không chỉ nhìn tận mắt tất cả những gì bạn muốn che kín mà còn thảo luận khá nhiều vấn đề trong lúc bạn đang sinh con.
Nghĩ đến điều này bạn sẽ không dám sinh nữa ư? Đừng lo ngại, bởi tất cả những người có mặt trong phòng sinh lúc này đều ở đây để giúp cho bạn sinh con suôn sẻ và an toàn. Nếu xấu hổ với họ, bạn sẽ hơi khó khăn trong việc sinh nở đấy.
Được “dọn dẹp chỗ ấy” khi lâm bồn
Dù sinh thường hay sinh mổ, hầu như các bà mẹ đều được làm sạch vùng bikini. Thao tác làm sạch này rất nhanh và chuyên nghiệp. Việc làm sạch lông vùng kín nhằm không làm cản trở tầm nhìn của bác sĩ khi đỡ đẻ, đồng thời đỡ vướng víu trong quá trình thăm khám cho mẹ khi chuyển dạ. Với các mẹ sinh thường, vùng kín gọn gàng còn giúp việc rạch và khâu tầng sinh môn dễ dàng hơn.
Trong trường hợp “khu vườn” quá rậm rạp nhưng bạn e ngại khi để bác sĩ làm điều này thì có thể “dọn dẹp” trước ở nhà. Nếu cảm thấy khó khăn khi phải tự “dọn dẹp” do bụng bầu cản tầm nhìn đến vùng kín, bạn đừng ngần ngại nhờ đến sự trợ giúp của anh xã.
Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bạn là chỉ nên tẩy lông vùng kín khi thói quen này đã có từ trước. Nếu không, trước khi sinh con, bạn chỉ nên tỉa sơ bằng kéo để tránh viêm nhiễm hoặc lông mọc ngược. Mẹ cũng có thể tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ sản khoa trong lúc thăm khám thai định kỳ cho việc làm này.
Có ngón tay chèn vào trong tử cung
Sau khi vào phòng sinh, trước khi sinh, bác sĩ sẽ liên tục đưa ngón tay của mình vào bên trong âm đạo của mẹ. Phương pháp này vô cùng quan trọng để kiểm tra cổ tử cung đã mở được bao nhiêu phân, đảm bảo tử cung đã mở đủ phân, không có bất trắc xảy đến với mẹ.
Ngoài ra, bác sĩ cũng cần phải thăm khám để biết chính xác vị trí thai nhi, giúp mẹ có ca sinh nở dễ dàng hơn khi vào phòng sinh. Đây là tất cả những bước kiểm tra cần thiết nhất của y tế nhưng nhiều mẹ cảm thấy không thoải mái vì tâm lí ngượng ngùng, xấu hổ, nhất là khi đó lại là một bác sĩ nam.
Chuẩn bị kiến thức sinh con là điều cần thiết mà mẹ không nên bỏ qua. Khi quá trình mang thai kết thúc cũng là lúc bạn bước sang một hành trình khác cam go không kém – sinh con.
Sinh con là vấn đề được nhiều mẹ bầu chờ đợi và lo lắng nhất. Bất kỳ người mẹ nào cũng quan tâm về quá trình vượt cạn đau đớn, con chào đời có bình an, khỏe mạnh… Vì vậy, để giảm bớt những nỗi lo này, đồng thời sẵn sàng tâm lý, sức khỏe sinh con thì mẹ cần tìm hiểu những kiến thức liên quan đến quá trình sinh con.
Bạn có thể thu thập kiến thức sinh nở với sự trợ giúp của “bác google”, thật tiện lợi đúng không? Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác, tốt nhất, bạn nên ưu tiên những website có uy tín trong cộng đồng mẹ và bé, trang tin tức có nguồn gốc xác thực. Một cách an toàn và cổ điển hơn là đọc sách. Có rất nhiều sách chia sẻ kiến thức về mang thai, sinh con bạn có thể dễ dàng tìm thấy tại các nhà sách trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên trang bị kiến thức nuôi con trong những ngày đầu đời. Trẻ sơ sinh non nớt và bé nhỏ nên bất cứ vấn đề lạ nào của bé yêu đều khiến mẹ lo lắng và bối rối không biết xử lý ra làm sao. Chính vì thế, trang bị kiến thức liên quan đến trẻ sơ sinh ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ là việc làm cần thiết.