Mẹ&Con – Chọn ngày giờ sinh mổ, mẹ và gia đình sẽ biết được chính xác thời điểm bé cưng chào đời, không phải tất bật vào viện khi có dấu hiệu chuyển dạ… Nhưng dù chủ động, sinh mổ theo yêu cầu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chọn ngày giờ sinh mổ, mẹ và bé được lợi gì?

Chọn ngày giờ sinh mổ

Chọn ngày giờ sinh mổ, mẹ và gia đình sẽ biết được chính xác thời điểm bé cưng chào đời, thậm chí giờ chào đời của con. Trong khi đó, sinh thường chỉ có 5% trẻ chào đời đúng ngày dự sinh. Mẹ không phải lo lắng việc phải thức dậy vào lúc nửa đêm để đi viện đẻ như một ca cấp cứu. Mẹ có kế hoạch rõ ràng, sẵn sàng chào đón thiên thần nhỏ mà không phải tất bật vào viện vì sợ đẻ rơi trên đường nữa.

Với các mẹ lo sợ cơn đau chuyển dạ thì phương pháp chọn ngày giờ sinh mổ cũng chính là giải pháp giúp mẹ giải quyết nỗi lo này. Mẹ sẽ không còn phải đối mặt với những cơn đau khủng khiếp mà nhiều mẹ sợ hãi đến mức không dám đẻ nữa. Tuy nhiên, nếu mẹ đang lo lắng vết rạch trên bụng sẽ đau đớn lắm thì y học kỹ thuật hiện đại sẽ giúp ca sinh mổ của mẹ đơn giản và nhẹ nhàng hơn. Bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp gây tê màng cứng hoặc gây mê trước khi rạch một đường dài trên bụng và tử cung để lấy em bé ra. Nghe có vẻ kinh dị nhưng đây là ca phẫu thuật khá quen thuộc của các bác sĩ chuyên khoa. Sau 15 phút, em bé sẽ chào đời mà mẹ không hề biết đến cảm giác đau đớn. “Kỳ vượt cạn” nhẹ nhàng trôi qua, mẹ được sử dụng thuốc giảm đau và chỉ khoảng một tuần là vết mổ sẽ lành lại. Như vậy, mẹ sẽ không phải lo cảnh đau đớn ở vết mổ đẻ, càng không lo đau đẻ 2-3 ngày mà mãi con vẫn chưa chào đời như sinh thường nữa, phải không nào?

Không chỉ loại bỏ được nỗi sợ đau đẻ, mẹ sinh mổ chủ động còn “tạm biệt” luôn nỗi ám ảnh mang tên “Rạch tầng sinh môn”. Đa phần các mẹ sinh thường đều bị rạch tầng sinh môn để em bé chào đời dễ dàng hơn. Vết rạch này có thể khiến mẹ chịu đau đớn sau sinh tới 2 đến 3 tuần, thậm chí nhiều mẹ còn bị nhiễm trùng do bộ phận này khó vệ sinh sạch sẽ.

Một lợi ích nữa của sinh mổ theo yêu cầu là “chuyện ấy” sau sinh không bị mất khoái cảm. Nếu như sinh thường khiến vùng kín của chị em tăng kích cỡ, mất 6 tháng đến 1 năm để phục hồi, thậm chí bị nới lỏng ra vĩnh viễn cần sự can thiệp của phẫu thuật thẩm mỹ để lấy lại sự chặt chẽ như xưa thì sinh mổ, mẹ hoàn toàn không phải lo về điều này.

Chọn ngày giờ sinh mổ, dù chủ động cũng lắm rắc rối!

Chọn ngày giờ sinh mổ

Với mẹ

Giống như bất cứ ca phẫu thuật nào, việc sinh mổ cũng có hai mặt lợi và hại nên bác sĩ luôn khuyên mẹ phải cân nhắc cẩn thận trước khi lựa chọn.

Rắc rối thứ nhất, mổ chủ động sẽ kéo dài thời gian nằm viện sau sinh. Nếu các mẹ sinh thường chỉ cần nằm viện 1 đến 2 ngày là có thể về nhà thì mẹ sinh mổ phải đợi từ 4 đến 5 ngày. Ngoài ra, mẹ còn phải chi trả các khoản sinh hoạt, chi phí trong viện cao gấp nhiều lần các mẹ sinh thường.

Rắc rối thứ hai là thời gian phục hồi lâu, mẹ cần từ 2 tuần đến 1 tháng để lấy lại sức khỏe. Điều này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ, đồng thời gây khó khăn trong việc chăm sóc em bé vừa chào đời, ngay cả việc vệ sinh của mẹ còn phải nhờ người giúp đỡ nữa đấy!

Rắc rối thứ ba các mẹ mổ chủ động có thể gặp phải là nguy cơ nhiễm trùng ở vết rạch trong tử cung hoặc trong cơ quan vùng chậu khác như bàng quang, ruột rất cao. Đây cũng chính là nguyên nhân kéo dài thời gian nằm viện của mẹ. Mổ chủ động cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa khác và nhiều biến chứng trong những lần mang thai tiếp theo.

Rắc rối thứ tư phổ biến ở các mẹ đẻ mổ chính là mất máu và xuất huyết. Việc sinh mổ khiến cho các bà mẹ bị mất một lượng máu khá lớn, ảnh hưởng tới sự phục hồi sức khỏe và thể trạng mẹ sau này.

Rắc rối thứ năm là mổ chủ động có thể làm tổn thương các cơ quan gần nơi phẫu thuật như bàng quang, ruột nếu trong quá trình phẫu thuật xảy ra sai sót.

Rắc rối thứ sáu, sau sinh mổ, bạn cần đợi ít nhất 3 năm nữa mới được phép mang thai. Bởi lẽ, việc mang thai trước khoảng thời gian này có thể đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn thai nhi. Ngoài ra, khi sinh mổ đứa đầu thì hầu như các bé sau cũng đều phải theo phương pháp sinh mổ.

Rắc rối thứ bảy là tăng các biến chứng mang thai lần sau như mang thai ngoài tử cung, sảy thai, thai chết lưu không rõ nguyên nhân, nghiêm trọng hơn là mẹ có nguy cơ vô sinh thứ phát.

Rắc rối thứ tám, mẹ có nguy cơ cắt bỏ tử cung sau sinh. Mặc dù trường hợp này không phổ biến nhưng không phải không xảy ra. Khi bị chảy máu không kiểm soát ở vết mổ đẻ lần đầu có thể dẫn tới biến chứng mẹ bầu phải cắt bỏ tử cung ngay lúc mổ xong hoặc sau đó một thời gian.

Rắc rối thứ chín, mẹ từng mổ lấy thai có nguy cơ cao bị lạc nội mạc tử cung tại vết mổ đẻ trong tử cung và phải phẫu thuật để loại bỏ những tế bào bất thường này. Loại phẫu thuật này rất nguy hiểm và phức tạp nếu bạn không có sự theo dõi chặt chẽ với sức khỏe của chính mình.

Rắc rối thứ mười của chọn ngày giờ sinh mổ chính là ảnh hưởng của các loại thuốc vào cơ thể, bao gồm thuốc gây mê, kháng sinh và các loại thuốc tiêm vào cơ thể trong quá trình phẫu thuật mổ lấy thai. Chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và nguồn sữa cung cấp cho bé sau này.

Với con

Chọn ngày giờ sinh mổ mang đến nhiều lợi ích nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bé:

Rủi ro đầu tiên của trẻ sinh mổ là dễ mắc các chứng bệnh như vàng da, mất nước, nhiễm trùng, các bệnh liên quan đến hô hấp (viêm phổi, phế quản mãn tính, hen suyễn), hệ tiêu hóa yếu, tiểu đường tuýp 1, sâu răng do không được tiếp nhận một số loại hóc-môn có lợi trong quá trình chuyển dạ.

Rủi ro thứ hai, bé sinh mổ có sức đề kháng, hệ miễn dịch kém hơn bé sinh thường nên cũng dễ ốm bệnh hơn. Nguyên nhân là do sinh mổ bé không được thừa hưởng các hóc-môn có lợi trong ống dẫn sinh, sữa mẹ thì về trễ (sau sinh mổ phải 1 tuần sau mẹ mới có sữa). Trong khi đó, ngay khi tách rời khỏi cơ thể mẹ, sức khỏe bé đang yếu rất cần được tiếp nhận những yếu tố quan trọng này.

Rủi ro thứ ba, việc sinh mổ khiến “sợi dây” tình cảm giữa mẹ và con trở nên hạn chế hơn. Khi ăn, bé khó bú mẹ hơn và thời gian phục hồi của mẹ lâu nên cũng không thể chăm sóc con chu đáo trong những ngày đầu đời.

Rủi ro thứ tư, bé sinh mổ có thể gặp phải trường hợp chưa đủ độ lớn. Lúc này, mẹ có thể vô tình để con chào đời quá sớm khiến bé gian nan, chưa thể độc lập trong việc tiếp xúc với môi trường mới.

Rủi ro thứ năm, chọn ngày giờ sinh mổ, bé chậm bắt nhịp với cuộc sống hơn trẻ sinh thường, thậm chí nhiễm độc thuốc, vì trong quá trình mổ đẻ, bé có thể chịu tác động của một số loại thuốc. Đặc biệt, thuốc gây mê trong quá trình phẫu thuật còn dễ nhiễm sang em bé làm bé có thể ngủ luôn, mất phản xạ khóc gây suy hô hấp, nhiễm trùng hô hấp sau này.

Chuẩn bị trước khi sinh mổ chủ động

Vệ sinh cá nhân: Để tạo điều kiện thuận lợi cho bác sĩ mổ lấy thai, ngoài tắm rửa sạch sẽ, mẹ cũng có thể chủ động dọn dẹp vùng kín gọn gàng. Vệ sinh sạch sẽ cũng giúp mẹ hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.

Chế độ dinh dưỡng: Ít nhất 6-8 tiếng trước khi lên bàn mổ, mẹ bầu không nên ăn, uống bất cứ thứ gì. Thời gian trước đó, mẹ có thể uống nước, ăn súp, cháo hoặc những thực phẩm dễ tiêu. Sở dĩ mẹ buộc phải nhịn ăn uống trước ca mổ là vì trước khi phẫu thuật, sản phụ đều được gây tê hoặc gây mê. Trong lúc bắt đầu gây tê hoặc gây mê, nếu dạ dày chứa đầy thức ăn, nước uống sẽ có nguy cơ xảy ra tai biến trào ngược thức ăn từ dạ dày vào phổi dẫn đến đột tử cho mẹ vì tắc nghẽn đường thở; hoặc tử vong muộn do các biến chứng viêm phổi, xẹp phổi.

Chuẩn bị đồ đi viện: Giỏ đồ cho mẹ sinh mổ cũng chuẩn bị những đồ dùng cơ bản, đồ vệ sinh cá nhân, đồ cho mẹ và đồ cho bé như sinh thường. Tuy nhiên, do mẹ phải ở lại bệnh viện lâu hơn nên cần chuẩn bị số lượng nhiều hơn mẹ sinh thường một chút. Ngoài ra, một số vật dụng khác dành riêng cho mẹ sinh mổ cũng cần chuẩn bị cẩn thận như:

  • Quần lót lưng cao để tránh bị cấn vào vết mổ;
  • Bô thấp vì mẹ phải nằm một chỗ trong mấy ngày;
  • Thức ăn giàu chất xơ như nho khô, mận khô… và nước uống có ga để hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa.
  • Bình thủy, bình sữa, sữa ngoài và các dụng cụ đi kèm để cho bé bú khi sữa mẹ chưa về kịp;

Mang thai và sinh con nằm trong quy luật tự nhiên của cuộc sống. Mọi sự can thiệp tùy hứng, chủ quan, trái với quy luật như chọn ngày giờ sinh mổ đều khó tránh khỏi những rắc rối. Vì vậy, sinh mổ phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tốt nhất là chỉ ưu tiên tiến hành trong các trường hợp cần kíp và bất khả kháng để bảo vệ tính mạng cho mẹ và bé. Nếu mẹ nằm trong trường hợp cần sinh mổ, hãy thật bình tĩnh, hít thở sâu và làm theo những lời khuyên của đội ngũ bác sĩ. Đừng quá lo lắng và sợ hãi!

Bài viết liên quan