Hạn chế các loại thực phẩm có tính nóng
Một trong những lưu ý khi mang thai trong những ngày oi bức trước tiên là mẹ cần điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng. Mang thai vốn đã làm mẹ nóng trong người, mang thai vào mùa nóng còn khiến mẹ nóng bức, khó chịu hơn. Vì vậy, các loại thực phẩm có tính nóng cần được hạn chế trong thực đơn của mẹ bầu trong những ngày này.
Các thực phẩm có tính thanh mát như bí đao, rau dền, trái cây họ cam quýt, các loại dưa (dưa lê, dưa hấu, dưa chuột, dưa gang)… sẽ giúp mẹ “hạ hỏa” tốt hơn thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường, trái cây tính nóng (nhãn, vải, mít)…
Uống đủ nước
Mẹ bầu nhớ uống đủ nước trong những ngày nóng bức. (Ảnh minh họa)
Nước duy trì thân nhiệt, làm mát cơ thể, đặc biệt vào những ngày nóng nực; giúp giảm bớt tình trạng ốm nghén, ợ nóng, khó tiêu, táo bón và trĩ. Mất nước rất nguy hiểm với chị em mang thai, có thể dẫn tới những hậu quả như đau đầu, buồn nôn, chuột rút, phù nề, chóng mặt, thậm chí kích thích dạ con dẫn tới sẩy thai trong 3 tháng đầu. Vì vậy, mẹ đừng quên uống 10-12 cốc nước mỗi ngày, đồng thời luôn nhớ mang theo chai nước bên mình mỗi khi ra ngoài, có thể sử dụng thêm nước hoa quả để tăng khả năng giữ nước cho cơ thể.
Tránh tắm lâu
Ngâm mình trong làn nước mát là lựa chọn của nhiều mẹ bầu trong những ngày oi bức, nhất là các nhà có bồn tắm rộng hoặc khi mẹ tắm tại bể bơi. Tuy nhiên, lưu ý khi mang thai, mẹ nên hạn chế tắm lâu, thời gian tắm thích hợp là không quá 15 phút. Tắm lâu dễ khiến thân nhiệt mẹ bầu hạ xuống mức thấp, với các mẹ vốn có sức khoẻ yếu còn bị hoa mắt, chóang ngất, cảm lạnh…
Tránh ánh nắng gay gắt
Một số bà bầu thường có thói quen tắm nắng để bổ sung vitamin D cho cơ thể. Tuy nhiên, thời gian tắm nắng tốt nhất cho mẹ trong mùa hè nên là trước 8 giờ 30 phút sáng. Sau thời gian này, ánh nắng gay gắt không chỉ tác động tiêu cực đến làn da của mẹ, mà còn dễ khiến mẹ bị say nắng và mất nước.
Ngoài ra, lưu ý khi mang thai mà phải ra ngoài trời trong những thời điểm nắng gắt, mẹ cũng luôn ghi nhớ đeo kính râm, đội nón, che dù, mặc áo chống nắng…