Trong y học cổ truyền, các bộ phận của con dê như thịt, xương, tứ chi và nội tạng đều có thể dùng làm món ăn bài thuốc chữa bệnh. Theo Đông y, thịt dê có vị ngọt, tính ấm, vào tỳ thận, có tác dụng ích khí bổ trung, ôn trung hạ tiêu. Đặc biệt, với những bệnh nhân đau lưng mỏi gối, đau bụng do hàn, ốm yếu, suy nhược cơ thể, sản phụ sau sinh bị đau bụng, ăn thịt dê có thể khắc phục được những triệu chứng này.
Theo nghiên cứu khoa học, thịt dê chứa 20,7% protid, 4,3% lipid, 11mg calci, 129mg phospho, 2mg sắt, có vitamin B1, B2, PP và cung cấp 125 calo/100gr thịt.
Cháo chân dê
Đối với phụ nữ mang thai, thịt dê chính là nguồn cung cấp hàm lượng sắt và kẽm dồi dào. Do vậy, thịt dê rất tốt cho bà bầu và những sản phụ sau sinh. Bắt tay vào làm ngay món cháo chân dê thôi nào!
Nguyên liệu
- Chân dê: 3 hoặc 4 cái
- Gạo nếp: Khoảng 1/2 bát con
- Thông thảo: 15g
- Hạt sen: 25g
- Ý dĩ: 25g
- Gừng: 1 củ nhỏ
- Chanh tươi: 2 quả để khử mùi hôi thịt dê
- Gia vị đầy đủ: Dầu ăn, mắm, muối…
Cách thực hiện
Ảnh minh họa
Bước 1: Đầu tiên, để nấu cháo chân dê không bị hôi bạn cần phải biết cách sơ chế, khử mùi hôi của chân dê bằng cách: Chân dê mang đi thui vàng, dùng dao lam loại bỏ sạch lông và chặt bỏ phần móng nhọn. Sau đó rửa sạch chân dê.
Cho chân dê vào bát lớn, thêm một thìa dầu ăn, vắt thêm 2 quả chanh. Dùng tay bóp, trộn thật đều và dùng túi nilon bọc kín miệng bát, cho vào tủ lạnh, đặt ở ngăn mát khoảng 3-4 tiếng trước khi chế biến.
Bước 2: Trong thời gian chờ khử mùi hôi chân dê, bạn mang gạo vo sạch, cho vào bát ngâm với nước khoảng 30 phút cho gạo được mềm, nấu cũng sẽ nhanh nhừ hơn.
Bước 3: Lấy chân dê từ tủ lạnh, rửa sạch thêm một lần nữa. Cho chân dê vào nồi chứa 500ml nước, gừng đập dập, luộc sơ qua khoảng 3-5 phút, đổ nước luộc đi.
Bước 4: Cho chân dê vào nồi, đổ nước sao cho ngập hết chân dê. Tùy vào sở thích bạn muốn ăn cháo loãng hay cháo đặc mà bạn cho lượng nước nhiều hoặc ít. Ninh cho cháo nhừ trong vòng 60 phút.
Bước 5: Cuối cùng, khi chân dê đã chín, cháo đã nhừ, bạn cho hết các nguyên liệu còn lại đã chuẩn bị sẵn, bao gồm thông thảo, hạt sen, ý dĩ vào. Tiếp tục ninh cháo khi tất cả mọi thứ đã chín mềm là được. Nêm gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp, múc cháo ra bát và thưởng thức thôi.
Hy vọng với công thức nấu cháo chân dê, từ nay mẹ sẽ không còn phải bận tâm về việc mất sữa, thiếu sữa sau khi sinh. Bên cạnh chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, mẹ cũng đừng quên dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý sau sinh nhé.
Chúc mẹ thật nhiều sữa cho bé ti thỏa thích nhé!