Đúng là có tiện lợi thật, nhưng có nên dùng máy hút ráy tai không thì không phải ai cũng rõ. Để giải đáp thắc mắc này của đại đa số người sử dụng, Mẹ&Con sẽ phân tích những ưu và nhược điểm của dụng cụ này. Từ đó giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn tiêu dùng thông minh, tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.
Máy hút ráy tai là gì?
Máy hút ráy tai là một dụng cụ y tế với thiết kế cầm tay nhỏ gọn. Hoạt động trên nguyên lý vừa xoay vừa hút, máy hút ráy tai giúp lấy đi những mảng ráy tai bám sâu bên trong tai – nơi mà chúng ta khó có thể làm sạch bằng tăm bông bình thường.
Trên thị trường có rất nhiều loại máy hút ráy tai và giá bán dao động khoảng từ 100 – 250 ngàn đồng/cái. Nhiều đợt giảm giá, giá máy hút ráy tai có thể giảm xuống chỉ còn một nửa và phần lớn những chiếc máy này đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Máy hút ráy tai có thực sự an toàn?
“Bất kỳ sự can thiệp nào cũng có thể gây rối loạn quá trình tự làm sạch của ống tai ngoài và gây nên bệnh lý” . (Ảnh minh họa)
Được quảng cáo rằng gắn đầu hút cao su vào bật nút là có thể hút sạch được ráy tai cùng chất bẩn trong tai ra ngoài dễ dàng, tránh viêm nhiễm hay ngứa ngáy trong lỗ tai, giúp tai hết ngứa, thông thoáng, thính giác ổn định, vận hành êm ái, chất liệu đảm bảo anh toàn… Tuy nhiên, phía sau những lời quảng cáo có cánh này, biết bao tiềm ẩn về máy hút ráy tai có thể bạn chưa biết.
Nguy cơ khi dùng máy hút ráy tai
Viêm tai, thủng màng nhĩ, hay thậm chí gây mất thính lực vĩnh viễn là hậu quả mà bạn có thể gặp phải khi sử dụng máy hút ráy tai. Đây chính là câu trả lời của bác sĩ Vũ Thị Huyền Trang, làm việc tại một phòng khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng ở Hà Nội khi được hỏi về tác hại của máy hút ráy tai.
Hơn nữa, máy hút ráy tai lại không thể sử dụng cho mọi đối tượng. Với những người có ráy tai ướt hoặc quá cứng, đóng thành cục bít lỗ tai lại thì dụng cụ này không thể sử dụng như những gì đã quảng cáo.
Máy hút ráy tai chỉ có thể sử dụng cho những người có ráy tai ít và khô. Tuy nhiên, về khoa học thì ráy tai là thứ có lợi nên không nhất thiết chúng ta phải tìm bằng được mọi cách lấy chúng ra. Những chuyển động hàng ngày của cơ thể như khi chúng ta cười nói, nhai, lắc đầu… có thể khiến ráy tai tự đẩy và rơi ra ngoài.
“Bất kỳ sự can thiệp nào cũng có thể gây rối loạn quá trình tự làm sạch của ống tai ngoài và gây nên bệnh lý” – Đồng quan điểm với Bác sĩ Vũ Thị HuyềnTrang, ThS.BS Lê Trần Quang Minh – Phó Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM cho biết.
Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần lưu ý không nên sử dụng máy hút ráy tai cho trẻ em, nhất là đối với những bé dưới 6 tháng tuổi. Mỗi năm nên tới bác sĩ một lần để kiểm tra tình trạng tai. Với chuyên môn nhất định, các bác sĩ sẽ kiểm tra xem tai bạn có đang gặp vấn đề gì hay không.
Vì vậy, bạn có nên dùng máy hút ráy tai không, khi đã biết rõ những tác hại mà chúng có thể gây ra?