Dưới đây là thống kê về những điều bà bầu cần biết khi mang thai để phòng tránh và bảo vệ thai nhi một cách tốt nhất.
1. Về sức khỏe
Mẹ bầu nên khám thai định kì ít nhất 3 lần trong suốt thời kì mang thai và làm các xét nghiệm cần thiết để phát hiện sớm các nguy cơ gây nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi như tiền sản giật, mang thai ngoài tử cung, dọa sảy, thiếu máu, dị tật bẩm sinh…
Cần tiêm phòng vacxin uốn ván, vacxin phòng cúm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Khi biết mình mang thai, mẹ bầu cần tuyệt đối nói KHÔNG với các loại rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích vì những chất có trong rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu.
Nên áp dụng một số bài tập thể dục vận động nhẹ nhàng cho thai kì để cơ thể được dẻo dai, khỏe mạnh, hạn chế tình trạng phù nề thai kì.
Phù nề thai kì (Ảnh minh họa).
2. Về dinh dưỡng
Trong suốt thời kì mang thai, mẹ bầu cần đảm bảo mình ăn uống đầy đủ, bổ sung các chất tốt cho người mang thai và thai nhi. Chú ý chế độ dinh dưỡng, đề phòng thiếu sắt bằng cách tăng cường thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt, gan, nội tạng động vật… uống viên sắt hoặc folic. Tăng cường dinh dưỡng, bổ sung các loại vitamin theo liều lượng cần thiết, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi…
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần có chế độ giảm cân hợp lí trong thời gian mang thai để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh về tim mạch.
3. Về vấn đề vệ sinh và các nhu cầu cá nhân
Trong suốt thời kì mang thai, mẹ bầu cần chú ý đến vấn đề vệ sinh thân thể. Đặc biệt là vệ sinh âm đạo hàng ngày, đúng cách để tránh viêm nhiễm âm đạo khi mang thai. Trước và sau khi quan hệ, âm đạo cần được vệ sinh sạch sẽ.
Quan hệ tình dục khi mang thai cần có biện pháp an toàn, tránh các hoạt động tình dục mạnh mẽ gây ảnh hưởng tới thai nhi.
4. Về các tư thế đi, đứng, nằm, ngồi của người mang thai
Ngoài những điều bà bầu cần biết về dinh dưỡng, sức khỏe… thì những tư thế đi đứng, nằm ngồi đúng trong chín tháng thai kì cũng giúp ích cho mẹ bầu rất nhiều trong việc sinh hoạt, mang thai.
Tư thế ngồi đúng khi mang thai: Loại ghế lý tưởng dành cho mẹ bầu ở mức khoảng 40 cm. Khi mẹ bầu muốn chuyển từ tư thế đứng sang ngồi, đừng làm quá đột ngột mà nên dùng tay chống vào đùi hoặc dùng tay vịn vào ghế mới từ từ ngồi xuống. Trong những tháng cuối thai kỳ, khi bụng đã quá lớn, mẹ bầu nên đỡ phần lưng khi ngồi xuống, sau đó chầm chậm tựa lưng vào ghế, hai chân mở song song. Mẹ bầu có thể đặt một chiếc gối nhỏ sau lưng khi ngồi. Mẹ bầu cũng không nên ngồi quá lâu mà phải thường xuyên đứng lên đi lại để giúp cơ thể tuần hoàn máu. Bằng những cách này, sẽ giúp mẹ bầu giảm bớt phần nào triệu chứng đau lưng, nhức mỏi cuối thai kỳ.
Tư thế nằm ngủ đúng cách khi mang thai: 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu nên nằm ngửa, chân gác lên gối, toàn thân thả lỏng. Tuy nhiên, vào 3 tháng cuối thai kì, mẹ bầu nên nằm nghiêng để giải tỏa bớt mệt mỏi, vừa làm giảm căng cơ vừa tránh cho phần bụng lớn đè lên mạch máu chính. Khi nằm nghiêng, mẹ nên ưu tiên nghiêng về bên trái vì nếu thường xuyên nghiêng về bên phải có thể làm căng niêm mạc tử cung, kéo dãn mạch máu, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy cho thai nhi.
Mẹ nên ưu tiên nằm nghiêng ở 3 tháng cuối thai kì (Ảnh minh họa).
Đi lại khi mang thai: Khi đi lại, mẹ bầu nên giữ lưng thẳng, đầu hơi ngẩng, gót chân chạm đất trước, bước đi chắc chắn, từ từ, chậm rãi, cân bằng cơ thể. Tránh đi bằng mũi chân, không bước quá nhanh để tránh bị ngã do trọng lực dồn vào phần bụng quá nhiều. Khi lên xuống cầu thang, hoặc bước lên những chỗ cao, mẹ bầu nên tận dụng tay vịn để tránh rủi ro té ngã. Khi đi lại lâu, mẹ bầu nên dừng lại nghỉ ngơi khoảng 5 – 10 phút.
Tư thế đứng khi mang thai: Khi đứng, mẹ bầu nên thả lỏng vai, chân thẳng song song, hai bàn chân mở nhỏ hơn so với vai để giúp trọng tâm cơ thể chia đều ra 2 chân giúp giảm bớt áp lực, mệt mỏi. Tránh đứng quá lâu để hạn chế tình trạng đau lưng, sưng phù chi dưới và co phồng tĩnh mạch.
Những điều bà bầu cần biết khi mang thai trên đây sẽ giúp mẹ bầu phòng tránh và bảo vệ thai nhi. Chúc mẹ bầu và thai nhi luôn khỏe mạnh và phát triển bình thường, toàn diện.