Khác với những cơn đau khi sinh thường, sản phụ sinh mổ sẽ phải chịu đựng những cơn đau do vết mổ để lại kèm theo một vết sẹo trên người. Do đó, việc chăm sóc sản phụ sau sinh mổ cần chú ý đến việc làm sao để vết thương sau sinh mổ mau lành mà không để lại sẹo cũng như tránh được những nguy hiểm không mong muốn.
Vết mổ sau sinh (Ảnh minh họa).
Chăm sóc vết mổ sau sinh như thế nào?
Những ngày đầu sau sinh, việc chăm sóc sản phụ sau sinh mổ sẽ đỡ vất vả hơn do sản phụ cần nằm lại bệnh viện để bác sĩ và y tá chăm sóc vết mổ cho tới khi khô dần. Trong giai đoạn này, mẹ nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, lấy lại sức và uống các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau… theo chỉ định của bác sĩ để hỗ trợ quá trình phục hồi vết thương. Các loại thuốc này không làm ảnh hưởng đến sữa cho bé bú nên mẹ không cần quá lo lắng đến việc tiết sữa sau sinh mổ cũng như nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng vết mổ. Tuy nhiên sản phụ cần chú ý giữ gìn vệ sinh cho vết mổ, không được tự ý tháo băng, không làm ướt băng gây nhiễm trùng vết mổ không đáng có, không được tắm mà chỉ nên dùng khăn bông mềm lau người bằng nước ấm để không ảnh hưởng đến vết mổ.
Khoảng 5-7 ngày sau sinh, khi vết mổ đã khô sạch (nếu mổ lần hai thì thời gian cắt chỉ sẽ lâu hơn), bác sĩ sẽ cắt chỉ đối với những trường hợp dùng chỉ y tế. Với những trường hợp dùng chỉ tự tiêu thì không cần cắt. Tuy nhiên, sản phụ vẫn cần nghe theo lời khuyên và chỉ định kiêng cữ để vết mổ mau lành. Không cần che chắn vết mổ mà nên để thông thoáng. Lúc này, mẹ đã có thể tắm như bình thường nhưng lưu ý tắm nhanh và không ngâm mình trong bồn tắm khiến vết mổ bị ướt.
Từ 2 đến 4 tuần sau sinh, nếu thấy vết mổ có hiện tượng mưng mủ, có dấu hiệu sưng đỏ, đau hoặc tiết dịch vàng thì mẹ cần được đưa đến bệnh viện để kiểm tra vì có thể vết mổ đã bị viêm nhiễm. Đây cũng là giai đoạn vết mổ tạo thành sẹo và bắt đầu lồi lên nên mẹ có thể bôi kem chống sẹo lồi từ tuần thứ 3 sau sinh. Tuyệt đối không được bôi sớm hơn vì có thể làm vết mổ bị nhiễm trùng.
Vệ sinh vết mổ sau sinh đúng cách
Việc vệ sinh vết mổ sau sinh đúng cách là việc làm rất quan trọng khi chăm sóc sản phụ sau sinh mổ vì nếu vệ sinh không đúng cách có thể làm cho vết mổ nhiễm trùng và để lại sẹo khá lớn trên cơ thể.
Vết mổ sau sinh không được tháo băng, làm ướt phần băng gạc vô trùng sau thời gian khoảng từ 24 – 48 giờ. Sau khoảng giờ đó, vết mổ phải được vệ sinh hàng ngày, trong quá trình chăm sóc và thay băng, vết mổ cần đảm bảo sạch sẽ, băng gạc và dụng cụ thay băng cần được vô trùng, tránh cho vết mổ bị nhiễm khuẩn.
Nên dùng khăn ấm thấm nước muối loãng thoa nhẹ nhàng lên vết mổ hoặc có thể sử dụng dung dịch kháng khuẩn tại chỗ để vệ sinh vết mổ với hàm lượng kháng sinh thấp theo chỉ định của nhân viên y tế giúp làm tránh hiện tượng dính vết mổ và không gây cảm giác ngứa và đau vết mổ khi chuyển mùa.
Dùng khăn ấm thấm nước muối nhẹ nhàng thoa lên vết mổ (Ảnh minh họa).
Có thể dùng băng gạc để bảo vệ vết mổ, nhưng không được phép băng quá chặt hoặc quá lỏng gây tổn thương đến vết mổ.
Khi vết mổ bị ngứa cần tuyệt đối tránh không được gãi vết mổ, vì vết mổ sau sinh bị ngứa là một hiện tượng thông thường. Tùy vào cơ địa mỗi sản phụ mà vết mổ sau sinh bị ngứa nhiều hoặc ít, thông thường thì khi vết mổ hình thành tế bào mới sẽ có hiện tượng ngứa. Tuy nhiên, vết mổ sẽ có hiện tượng ngứa nhiều và lâu hơn với những người có cơ địa hình thành sẹo lồi và không được kiêng cữ vết mổ đúng cách. Do đó, khi vết mổ bị ngứa càng gãi càng gây tổn thương vết mổ và hình thành sẹo lớn hơn.
Không nên tự ý bôi thuốc lên vết mổ để tránh nguy cơ nhiễm trùng và dị ứng thuốc của vết mổ.
Tay người nhà khi làm vệ sinh cũng như khi chăm sóc sản phụ sau sinh mổ cần rửa sạch sẽ trước khi thay băng cho sản phụ.